Nghệ An: Trại lợn xả thải, biến hồ Tràng Đen thành hồ “chết”

Cảnh Thắng Thứ hai, ngày 10/08/2020 17:47 PM (GMT+7)
Người dân tại các xóm Phong Sơn, Bắc Sơn và đặc biệt là xóm Tràng Đen, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn (Nghệ An) rất bức xúc, kêu cứu khi một trang trại lợn hàng ngàn con xả nước gây ô nhiễm trong thời gian dài.
Bình luận 0

Hồ xanh biếc trở thành hồ “chết”
Trang trại lợn Công ty TNHH Đại Thành Lộc có địa chỉ tại xóm Tràng Đen, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn (Nghệ An) những năm gần đây gây ô nhiễm trầm trọng. 

Người dân bức xúc tới nỗi, hôm qua (9/8), hàng trăm người bao vây trang trại để phản ứng.

Nghệ An: Hàng trăm hộ dân tố trại lợn làm ô nhiễm trầm trọng

 - Ảnh 1.

Hàng trăm người dân kéo đến trang trại lợn Đại Thành Lộc phán ảnh vì gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh cắt từ clip).

Cụ thể, nguồn nước thải từ việc chăn nuôi của trang trại này nhiều năm qua đã "âm ỉ" xả xuống đập Tràng Đen, từ một hồ nước trong vắt đã biến thành một hồ nước chết, nước trong hồ chuyền sang màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

"Ngày xưa, đập Tràng Đen là nơi người dân quanh vùng tắm rửa sinh hoạt, nhất là vào mùa hè, hai bên bờ đập người tắm đông như trẩy hội. 

Vậy nhưng, 5 năm trở lại đây, hồ nước chuyển màu, không những con người mà ngay cả trâu bò cũng không dám xuống tắm, uống nước. Trại lợn của Đại Thành Lộc đã thải thẳng ra hồ", bà Lê Thị Duyên (72 tuổi) trú tại xóm Tràng Đen cho biết.

Nghệ An: Hàng trăm hộ dân tố trại lợn làm ô nhiễm trầm trọng

 - Ảnh 2.

Dòng nước ở hồ Tràng Đen ô nhiễm trầm trọng.

Cũng theo người dân phản ánh, khi chưa có trại lợn, toàn bộ người dân ở hạ nguồn đều sử dụng nước từ hồ để sinh hoạt. 

Nhưng những năm trở lại đây, vì nguồn nước ô nhiễm nên bà con phải bỏ giếng đào, đầu tư làm giếng trời hứng nước mưa hoặc khoan giếng để lấy nước sử dụng nhưng nước giếng khoan có màu khác lạ, dùng nước tắm rất ngứa ngáy, khó chịu. 

"Lâu nay, vợ chồng em đã phải gửi cháu đầu (3 tuổi) về quê ngoại tại thị trấn cho ông bà chứ ở đây không chịu được, ruồi nhặng, mùi hôi quá kinh khủng", chị Nguyễn Thị Xuân xóm Tràng Đen, nhà gần trại lợn cho biết thêm.

Thậm chí, người dân còn phản ánh với phóng viên, nguồn nước ô nhiễm đến nỗi, các loại côn trùng lạ cũng xuất hiện nhiều hơn, ban đêm rọi đèn sẽ thấy chúng lúc nhúc. Ngoài ra, nếu đến đêm bật đèn, một loại côn trùng có cánh theo ánh sáng bay ngập cả nhà.

Nhiều lần xả thải, nhiều lần nhận phạt

Cực chẳng đã, vào sáng ngày hôm qua (9/8), hàng trăm hộ dân đã đã kéo ra hồ Tràng Đen rồi kéo nhau đi bộ ngược nguồn nước lên trước trại chăn nuôi heo giống siêu nạc Nam Hưng (thuộc Công ty TNHH Đại Thành Lộc, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn) để phản đối việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Nghệ An: Hàng trăm hộ dân tố trại lợn làm ô nhiễm trầm trọng

 - Ảnh 3.

Nước thải của trại lợn Đại Thành Lộc gây ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

"Chúng tôi kiến nghị nhiều lần những không được giải quyết dứt điểm, việc chúng tôi kéo lên trại lợn là để gây áp lực, chứ không có ý gây rối gì cả. Trại lợn cứ xả thải thế này, chúng tôi không sống được", anh T - người dân xóm Tràng Đen bức xúc và lý giải việc kéo lên trại lợn vào ngày hôm qua.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Xuân – Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, phản ánh của người dân về trại lợn của Công ty Đại Thành Lộc gây ô nhiễm là có cơ sở.

"Phía trên hồ Tràng Đen nhìn nước thì không đen lắm nhưng nó tích tụ, lắng đọng xuống phía dưới gây ô nhiễm. Còn về ban đêm, dân xung quanh phản ánh bị ngột ngạt về mùi hôi thối bốc lên nồng nặc" - vị này cho biết.

"Vụ việc người dân kéo xuống trại chăn nuôi vào hôm qua là để gây sức ép. Sau khi lãnh đạo huyện xuống phân tích, khuyên nhủ thì bà con cũng giải tán ra về. Ngay hôm qua, lãnh đạo huyện và xã họp rút kinh nghiệm. Cuộc họp cũng đưa ra một số định hướng sắp tới, kiến nghị lên cấp trên để có giải pháp sớm trả lời cho người dân", ông Xuân cho biết.

Cũng theo ông Xuân cho biết, trại lợn nói trên hoạt động từ năm 2010, quy mô 2.000 lợn nái, hiện có 1.600 con.

Trước đây do gây ô nhiễm môi trường sống, Công ty Đại Thành Lộc đã bị xử phạt 3 lần. 

"Người dân kiến nghị rất nhiều lần, xã cũng chỉ biết báo cáo lên huyện. Nguyện vọng của người dân là chính đáng, việc yêu cầu trang trại di chuyển trang trại lợn đi chỗ khác hoặc giải quyết dứt điểm ô nhiễm", ông Xuân cho biết thêm.

Chiều ngày 10/8, PV liên hệ với ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc Công ty Đại Thành Lộc nhưng không thể liên lạc được với vị giám đốc này.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem