Nghe Khánh Ly hát ở Hà Nội: Rượu tăng men, tương chín ngấu...

Mai An Thứ hai, ngày 04/08/2014 06:22 AM (GMT+7)
Khán giả chỉ kín được 1/3 rạp, sát đêm diễn trời đổ mưa tầm tã, lùm sùm tiền tác quyền vào sát giờ mở màn... khiến cho chuyến trở lại Hà Nội lần này của ca sĩ Khánh Ly có rất nhiều trắc trở. Nhưng vượt lên tất cả, bà vẫn tỏa sáng với bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn. 
Bình luận 0

Khánh Ly không gặp may

Cũng giống như trường hợp của ca sĩ Bằng Kiều vào năm 2013, liveshow đầu tiên thị trường Hà Nội cháy vé, phe vé tha hồ quát giá, tuy nhiên, đến show thứ hai thì vé bán chậm thê thảm, và nhà tổ chức đã phải mang vé đi tặng để có một khán phòng 3.500 chỗ đông đúc, ấm áp.

Cái tâm lý “cả thèm chóng chán” của khán giả Hà Nội tiếp tục lặp lại với hai liveshow của ca sĩ Khánh Ly lần này.

Sau liveshow vào tháng 5 khiến khán giả Hà Nội sôi sùng sục đi lùng vé, show diễn ngày 2.8 vừa qua, nhà tổ chức là Công ty Đồng Dao chỉ bán được 1/3 số vé.

Sát giờ diễn, giới phe vé trước cửa Trung tâm Hội nghị quốc gia hạ giá vé xuống khoảng 50%, ví dụ một tấm vé có giá 1.800.000 đồng chỉ còn từ 900.000- 1.000.000 đồng mà vẫn không có người mua.

Chia sẻ
img
Khánh LyCa sỹ
  Sát giờ diễn thì trời đổ mưa, nhưng đó là tại ông Trời, chứ có phải lỗi của chúng tôi đâu...  
Sự ế vé còn do đêm diễn không được treo băng rôn quảng cáo theo quy định chung của TP.Hà Nội, thành thử rất ít người biết đến đêm diễn thứ 2 này của ca sĩ Khánh Ly.

Và thêm nữa, trời đổ mưa tầm tã ngay trước giờ diễn 1 tiếng, khiến cho người đến show diễn đã vắng lại càng thưa thớt.

Cánh báo chí thì hồi hộp không biết nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc có “xông lên sân khấu để đòi tiền tác quyền” như ông “đe dọa” trước đó vì nhà tổ chức chưa thực hiện nghĩa vụ tác quyền với các tác giả. Sự xuất hiện của ông ở đêm diễn từ sớm càng làm cho mối lo đó có khả năng thành hiện thực.

Trước cả 3 yếu tố “thiên” không “thời”, “địa” không “lợi”, “nhân” không “hòa” đó, Khánh Ly vẫn phải xuất hiện, dù cố đến mấy cũng không che giấu nổi tâm trạng khá nặng nề ở phần đầu chương trình.

Bà vẫn tự làm MC cho mình như trong show diễn trước, vẫn lịch thiệp nói lời cảm ơn Hà Nội trước tiên, nhưng với một nghệ sĩ danh tiếng như bà, đứng hát trước rất nhiều những mảng ghế trống trơn trong khán phòng, quả thực cũng là một đòn “cân não” về cảm xúc.

Khánh Ly nói rất thành thực: “Sát giờ diễn thì trời đổ mưa, nhưng đó là tại ông Trời, chứ có phải lỗi của chúng tôi đâu, vì vậy sự có mặt của quý vị đội mưa đi xem đêm nay là một kỷ niệm đặc biệt với tôi”.

img Ca sỹ Khánh Ly trong vòng vây người hâm mộ. Ảnh: Tiền Phong.

Đóa hoa thượng thọ

So với tuổi 70, những gì Khánh Ly còn giữ lại được cho đến hôm nay quả là một kỳ tích của tạo hóa.

Độ trong trẻo (ít ỏi trong giọng hát trầm đục của bà) ở thời kỳ rực rỡ khi thu cuốn băng “Sơn ca 7” không còn, nhưng độ rền, vang, dày, trường lực thì vẫn đẹp đẽ như thế. Cái chất “thổ” trong giọng ca Khánh Ly khi bà càng có tuổi lại càng đậm đà, và thời gian chỉ có tác động như một nhân tố để làm cho một trái chín ngọt thêm, một bình rượu tăng men, một lọ tương càng ngấu.

Khán giả nghe bà cất giọng ở những ca khúc quen thuộc như “Hạ trắng”, “Như cánh vạc bay”, “Bên đời hiu quạnh”, “Mưa hồng”, “Nhìn những mùa thu đi”… vẫn ào lên vỗ tay và xuýt xoa “Tuyệt vời”, “Hát thế mới là Khánh Ly chứ”.

Chen giữa những tiết mục trình diễn vẫn là những phần tâm sự, giãi bày rất thành thực và nhiều chiêm nghiệm của một nghệ sĩ lớn. Khánh Ly nói nhiều về những kỷ niệm với Trịnh Công Sơn, và những điều hối tiếc bà chưa kịp làm với các nhạc sĩ đã ra đi.

Khi hát “Tình lỡ” của nhạc sĩ Thanh Bình- người vừa qua đời cách đây một vài tháng, bà đã khóc. Và đặc biệt trong phần trình diễn ca khúc “Diễm xưa” với tiếng đệm đàn piano của Nguyễn Ánh 9, tiếng hát của bà và tiếng đàn đã hòa quyện, bay lên, khiến khán phòng vỡ òa tràng pháo tay kéo dài.

Khánh Ly nói bà không yêu hoa quỳnh như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vì đời hoa quá ngắn, bà sợ nhìn thấy những bông hoa khi nó tàn, cũng giống như nhan sắc của người phụ nữ vậy, rực rỡ bao nhiêu rồi cũng đến lúc phải héo úa, thế nên giờ bà rất sợ soi gương. Nhưng rồi khoảnh khắc buồn ấy nhanh chóng trôi qua, bà lại đùa vui ngay: “Tôi năm nay 70 rồi, tức là có thể tính là đã thượng thọ ngay trên sân khấu này”.

Cùng với các khách mời Lệ Thu, Khánh Hà, Quang Dũng, show diễn của Khánh Ly với bản lĩnh của người nghệ sĩ lớn đã đem đến cho khán giả Hà Nội một đêm âm nhạc ngập tràn cảm xúc.

Cuối cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương đã không “xông lên” sân khấu vì chuyện tác quyền cuối cùng đã được nhà tổ chức thỏa thuận xong xuôi với trung tâm trước giờ mở màn.

Hình ảnh đẹp nhất của đêm diễn còn đọng lại là Khánh Ly trong tà áo dài màu hoàng yến, ôm bó hoa sen trắng vừa hát “Như một lời chia tay” vừa đi xuống tặng hoa cho các khán giả yêu quý của bà. Một hành động văn hóa khiến người xem cảm động, xưa nay thường chỉ có khán giả yêu quý tặng hoa cho nghệ sĩ, nhưng bà, một nghệ sĩ lớn, đã mở bó hoa của mình ra, đem cái đẹp ấy san sẻ với từng người. Và mọi điều không vui đến với bà trước khi đêm diễn mở màn, đã được gió cuốn đi hết thảy.

“Đóa hoa vàng, mỏng manh cuối trời, như một lời chia tay”. Khánh Ly trong tà áo dài màu vàng, với một giọng hát nồng nàn phi thường ở tuổi 70 như một đóa hoa mỏng manh nhưng diễm lệ. Tiếng hát ấy, như cái đẹp mà bà mang đến cho cuộc đời, sẽ là điều còn đọng lại mãi mãi. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem