Nghệ nhân làm đèn Trung thu ở Hà Nội trải lòng những điều ít ai biết

Hải Đường - Thùy Dương Thứ sáu, ngày 15/09/2023 13:24 PM (GMT+7)
Trước dịp Tết Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn miệt mài ngày đêm “thắp sáng” những chiếc đèn Trung Thu sặc sỡ, gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa từ xa xưa...
Bình luận 0

Clip bà Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ về công việc làm đồ chơi dịp Tết Trung thu. Thực hiện: Hải Đường- Thùy Dương.

Bí quyết tạo ra những chiếc đèn Trung thu truyền thống “vừa đẹp vừa bền”

Là người con sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống, hình ảnh những món đồ chơi Trung thu đã đi vào trong ký ức của bà một cách tự nhiên, thân thuộc. Giờ đây, dù đã 50 năm trôi qua nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, xã Canh Vân, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội vẫn duy trì nghề làm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu.

Theo bà Tuyến, gia đình bà đã 3 đời làm đồ chơi Trung thu, từ năm 7 tuổi bà đã phụ giúp gia đình làm những món đồ chơi như đèn ông sao, đèn chim công, ông tiến sĩ giấy... “Đó là cái duyên với nghề, gắn bó lâu dài thì tình yêu với nghề cũng lớn dần và cái quan trọng là tôi muốn duy trì một nét đẹp văn hóa dân tộc”, bà Tuyến tâm sự.

Nghệ nhân cuối cùng làm đèn Trung thu ở Hà Nội trải lòng những điều ít ai biết - Ảnh 2.

Không khó để bắt gặp hình ảnh bà Nguyễn Thị Tuyến ngồi tỉ mỉ vót nứa, nắn khuôn cho những chiếc đèn lồng bên trong quán nước nhỏ.

Bà Tuyến cho biết, bản thân bà luôn cẩn trọng trong việc lựa chọn nguyên liệu, nhất là phần nguyên liệu tạo nên “xương sống” cho sản phẩm. Nan tre phải được chẻ từ loại nứa bánh tẻ, đốt dài có đủ độ dẻo để uốn cong thành hình. Nứa được chọn xong, phải chặt thành nhiều đoạn và ngâm với nước vôi để chống mối mọt.

Sau khi đã chọn được loại nguyên liệu ưng ý và phù hợp, tiếp đến là công đoạn cưa và chẻ nan. Đây là công đoạn nặng nhọc nhất, đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khỏe và khéo léo để vừa cầm cưa, vừa cầm tre, vừa phải giữ cho chắc kẻo bị dằm cứa đứt tay.

Sau đó, những thanh nan dẻo dai được đan xếp khéo léo với nhau tạo thành bộ khung chắc chắn mà không cần đinh ghim hay móc nối. Từ những bước đầu tiên làm khung cho đến cắt giấy, dán trang trí đều được làm thủ công, tỉ mỉ, cẩn thận.

Nghệ nhân cuối cùng làm đèn Trung thu ở Hà Nội trải lòng những điều ít ai biết - Ảnh 3.

Nan che phải được chẻ từ loại nứa bánh tẻ, đốt dài có đủ độ dẻo để uốn cong thành hình.

“Công đoạn khó nhất khi làm ông tiến sĩ là công đoạn làm khung ngai, còn đèn ông sao đó là bước làm khung đèn, các đoạn nan phải được căn làm sao cho các cánh ngôi sao đều và bằng nhau”, bà Tuyến bộc bạch.

Thời gian để cho ra sản phẩm khá lâu và các bước đều được làm kĩ càng nhưng mỗi chiếc đèn ông sao bán ra chỉ với giá 40.000 đồng/1 chiếc.

Thời gian đầu, những món đồ chơi Trung thu làm ra chỉ được mang đi bán trên các sạp chợ quê ở vùng lân cận xung quanh làng. Từ năm 2002, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến được Bảo tàng dân tộc học mời tham dự lễ hội Tết Trung thu để hướng dẫn cho các em nhỏ làm đèn ông sao, sau đó bà được biết đến rộng rãi hơn, công việc buôn bán cũng chuyển qua hình thức làm theo đơn đặt hàng rồi vận chuyển đi các nơi. 

"Khách mua hàng hiện nay hầu hết là các trường học, các bảo tàng, những khu di tích trong phố cổ, các cơ quan tổ chức làm quà tặng cho các em nhỏ. Trong đó, đèn ông sao vẫn luôn là món đồ chơi được nhiều người yêu thích và đặt số lượng lớn mỗi dịp Tết Trung thu đến", bà Tuyến nói.

Nghệ nhân cuối cùng làm đèn Trung thu ở Hà Nội trải lòng những điều ít ai biết - Ảnh 4.

Những chiếc đèn ông sao đa sắc màu.

"Chiếc đèn ông sao 5 cánh là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên Quốc kỳ, thể hiện cho ước muốn hoà bình của người Việt Nam. Còn ông tiến sĩ giấy đi liền với hai ông múa gậy với ý nghĩa gửi gắm cho con cái học giỏi thành tài”, bà Tuyến giải thích về ý nghĩa của các đồ chơi làm trong dịp Tết Trung thu.

Thăng trầm nghề làm đồ chơi Trung thu

Ngày nay, khi những món đồ chơi ngoại nhập xuất hiện ngày một nhiều với mẫu mã đa dạng, những món đồ chơi truyền thống dần mất chỗ đứng trên thị trường. Hiện chỉ còn số ít khách hàng vẫn thích thú và duy trì thói quen chọn những món đồ chơi Trung thu do những nghệ nhân làm ra.

“Những món đồ chơi ngoại nhập rất mới lạ và bắt mắt, chính vì vậy mà những món đồ chơi dân gian đã bị mai một đi rất nhiều. Trong khi đó, những người thợ thủ công như chúng tôi phải đối diện với khó khăn về vấn đề mưu sinh trong cuộc sống và thu nhập. Ngôi làng chúng tôi trước đây đã từng là một làng nghề nức tiếng ở Thủ đô, nhưng đến nay chỉ còn lại một hộ gia đình cố gắng duy trì, lòng tôi cũng không khỏi xót xa mỗi khi nghĩ đến điều này”, bà Tuyến bộc bạch.

Công việc làm đồ chơi bận rộn nhất vào dịp trước Tết Trung thu. Từng chiếc đèn ông sao hay bất cứ một món đồ chơi đều được các nghệ nhân làm hoàn toàn bằng thủ công, được trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết. Ngay cả với những người thợ lành nghề thì một ngày cũng chỉ hoàn thiện được 10 đến 15 chiếc đèn ông sao.

Nghệ nhân cuối cùng làm đèn Trung thu ở Hà Nội trải lòng những điều ít ai biết - Ảnh 5.

Những món đồ chơi Trung thu truyền thống đẹp, được khách hàng ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Kim (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) cho hay, làm nghề đã khó, kiên trì với nghề còn khó hơn, bởi vậy những gia đình nào đến nay vẫn giữ được nghề này quả thực rất đáng quý. 

Đặc biệt, theo chị Kim, công việc làm các món đồ chơi đòi hỏi phải ngồi lâu vì vậy lưng rất dễ mỏi và đau nhức, đã không ít người đến gia đình chị muốn trải nghiệm nhưng sau đó họ cũng không thể kiên trì làm hết các công đoạn của một sản phẩm.

"Những ngày cận Trung thu, gia đình tôi hầu như chỉ được nghỉ ngơi 5 - 6 tiếng, thời gian còn lại thì phải tranh thủ làm cho kịp trả cho khách hàng. Vậy mới nói, để có thể gắn bó lâu dài với nghề này người thợ thủ công không chỉ đòi hỏi phải có tính kiên trì, tỉ mỉ mà còn phải có một niềm đam mê, niềm yêu mến mãnh liệt với những món đồ chơi dân gian”, chị Kim nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem