Nghệ sĩ cải lương vừa đu dây xiếc vừa hát trong vở "Cây gậy thần"

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 09/12/2020 17:05 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên, các nghệ sĩ cải lương vừa đu dây, vừa hát, diễn trong vở cải lương "Cây gậy thần". Đặc biệt vở diễn còn có sự pha trộn giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại là nhạc jazz, rap...
Bình luận 0

Vừa qua, vở cải lương - xiếc "Cây gậy thần" đã có buổi tổng duyệt tại Rạp Xiếc Trung ương gây bất ngờ cho người xem. Sự kiện này có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Rạp Xiếc Trung ương...

Mới lạ nghệ sĩ cải lương đu dây xiếc trong vở "Cây gậy thần"  - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ cải lương của Nhà hát Cải lương Việt Nam kết hợp với các nghệ sĩ xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong vở "Cây gậy thần". (Ảnh: BTC)

Vở diễn "Cây gậy thần" là tác phẩm kết hợp đầu tiên giữa 2 ngôn ngữ nghệ thuật là Xiếc và Cải lương. Vở diễn được xây dựng trên kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện và được nhà biên kịch Lê Thế Song chỉnh lý. "Cây gậy thần" do hai đạo diễn tài năng - NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng thực hiện. Cùng đó là phần âm nhạc được đạo diễn bởi NSND Đào Trung; thiết kế mỹ thuật NSND Doãn Bằng; thể hiện ca khúc NSƯT Thanh Thanh Hiền… cùng hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Trong đó, người thể hiện nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung sẽ có hai ê-kíp diễn viên của cải lương và xiếc là cặp nghệ sĩ tài năng trẻ cải lương Minh Hải và Như Quỳnh và cặp nghệ sĩ trẻ tài năng Thanh Tuấn và Thu Hương.

Sau thời gian tập luyện miệt mài "Cây gậy thần" đã có buổi tổng duyệt mang đến nhiều bất ngờ và thú vị cho người xem.

Mới lạ nghệ sĩ cải lương đu dây xiếc trong vở "Cây gậy thần"  - Ảnh 2.

Câu chuyện kể về Chử Đồng Tử và buổi gặp gỡ với công chúa Tiên Dung. Tình yêu của chàng Chử Đồng Tử với công chúa được đạo diễn lột tả với nhiều màu sắc bi ai, da diết qua ngôn ngữ cải lương cùng sự kịch tích, vui nhộn, hài hước của nghệ thuật xiếc… Bên cạnh sự pha trộn trên nền nhạc ngũ cung biến ảo cùng nhạc jazz, rap và bolero. 

Những tưởng sự kết hợp này sẽ "lệch nhịp" với một câu chuyện về huyền tích nhưng hóa ra lại mang đến cho người xem một cảm giác hết sức gần gũi. Cùng với sân khấu tròn đã được tận dụng triệt để với 4 chiều không gian sân khấu khi diễn viên đã đi từ nhiều phía sân khấu và cả từ phía khán giả để biểu diễn. 

Khán giả khi thưởng thức đã tương tác trực tiếp với những màn tranh đấu hay hình ảnh chiếc thuyền của Chử Đồng Tử lúc trên sông, trên biển, có lúc lại bay lên trời... Đặc biệt hơn cả đó là sự dám mạo hiểm của các nghệ sĩ cải lương trong các tiết mục nhào lộn, đu dây, cưỡi ngựa tạo được sự hấp dẫn cho người xem.

Những cảnh diễn đẹp, hiệu ứng đặc biệt từ nghệ thuật xiếc đã chắp cánh cho những lớp diễn thăng hoa như tình yêu nảy nở giữa 2 nhân vật chính, lớp Chử Đồng Tử được chim thần dẫn đường trên biển, được các đạo sĩ đánh tan thủy quái. Nhờ có nghệ thuật xiếc mà tạo nên các lớp diễn thăng hoa, diễn viên và thuyền cùng bay trên không…

Điểm nhấn thú vị và quan trọng trong "Cây gậy thần" đó là phần âm nhạc. Ở đây âm nhạc đã được thể nghiệm táo bạo và khéo léo giữa nhạc cổ của cải lương cùng nhạc jazz, rap và bolero.

Chia sẻ về điểm nhấn này, đạo diễn NSND Đào Trung cho biết: "Chúng tôi đưa nhạc jazz kết hợp với âm nhạc cải lương là sự ngẫu hứng, thế nhưng đó lại là sự kết hợp độc đáo và có điểm chung giữa giá trị phương Đông và phương Tây. Bên cạnh đó là việc sử dụng rap cho màn ma quỷ trỗi dậy tạo cho khán giả sự thú vị, khán giả phải ồ, à lên trong bất ngờ. Đây cũng là điều làm mới và ê-kíp muốn hướng tới giới trẻ".

Mới lạ nghệ sĩ cải lương đu dây xiếc trong vở "Cây gậy thần"  - Ảnh 3.

Đạo diễn xiếc, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: "Sự kết hợp giữa hai Nhà hát nhằm mục đích tạo nên một sản phẩm, một sự thưởng thức mới. Một sân chơi mới để các diễn có cảm hứng và nhiệt huyết và vượt qua chính mình. Đối với nghệ thuật xiếc, đây là cơ hội nâng cao vị thế của nghệ thuật xiếc được các nghệ sĩ cải lương phối hợp tương tác và bổ trợ. Điều này tạo nên tác phẩm mà yếu tố nghệ thuật xiếc, nghệ thuật biểu diễn sân khấu, tính truyền thống rất lớn".

Diễn viên Minh Hải trong vai Chử Đồng Tử cho hay: "Tôi rất thích thú và hào hứng với vai diễn này. Bởi đây thực sự là một khám phá, đổi mới bản thân khác với lối diễn ngày xưa. Vai diễn khiến tôi thăng hoa hơn khi vừa hát, vừa diễn, vừa làm động tác xiếc trên không. 

Lúc đầu tôi cũng rất sợ nhưng được đạo diễn Tống Toàn Thắng tập luyện và truyền cảm hứng, nâng dần độ cao lên. Sau hai tuần tập luyện, tôi không còn cảm thấy sợ nữa. Đặc biệt hơn ở sân khấu tròn này, tôi được giao lưu, tương tác với khán giả cả trước và sau. 

Về âm nhạc, khi hát cải lương trên nền nhạc jazz, lúc đầu tôi cũng thấy lạ tai nhưng sau vài buổi tập chúng tôi cảm thấy thú vị".

Với vở diễn "Cây gậy thần" cùng sự kết hợp với tài năng của hai đạo diễn và ê-kíp sáng tạo, vở diễn cải lương này hứa hẹn sẽ là vở diễn gây nhiều bất ngờ, thú vị và hấp dẫn cho khán giả, đặc biệt khán giả trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem