Nghệ sĩ Tấn Minh được đề nghị xét tặng NSND, Lê Mai và Kim Xuyến được xét tặng NSƯT

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 26/07/2021 12:20 PM (GMT+7)
Nghệ sĩ Tấn Minh được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, trong khi Lê Mai và Kim Xuyến được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ Ưu tú.
Bình luận 0

Sở VHTT Hà Nội vừa công bố danh sách các nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10/2021 trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật trên toàn TP. Hà Nội.

Theo đó, Thường trực Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thành phố Hà Nội đã nhận được 48 hồ sơ, trong đó có 16 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 32 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ các Hội đồng cấp cơ sở như: Sở VHTT Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long…

Nghệ sĩ Tấn Minh được đề nghị xét tặng NSND, Lê Mai và Kim Xuyến được xét tặng NSƯT   - Ảnh 1.

Ca sĩ Tấn Minh đạt 100% phiếu đồng ý đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ảnh: FBNV.

Ở danh sách nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân có: NSƯT Tấn Minh – Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; NSƯT Hoàng Công Tạo, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Trần Đức – Nhà hát Kịch Hà Nội; NSƯT Phạm Ngọc Ánh, NSƯT Nguyễn Thị Thu Huyền, NSƯT Trần Thị Loan, NSƯT Trần Thị Thu – Nhà hát Chèo Hà Nội; NSƯT Bùi Xuân Hanh, NSƯT Trần Thị Mai Hương – diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội (nghỉ hưu); NSƯT Đỗ Văn Hiền – biên đạo múa, nghệ sĩ tự do; 

NSƯT Nguyễn Tất Ngọc – hoạ sĩ, nghệ sĩ tự do; NSƯT Nguyễn Đạt Tăng – hoạ sĩ thiết kế (tự do); NSƯT Nguyễn Huỳnh Tú – đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (nghỉ hưu), NSƯT Nguyễn Thanh Tùng – diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội (nghỉ hưu) và Nguyễn Lê Văn – đạo diễn (nghỉ hưu).

Trong số 16 nghệ sĩ kể trên, NSƯT Tấn Minh (sinh 1972) là ca sĩ tân nhạc duy nhất được đề nghị tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt này. Nam ca sĩ được nhiều người biết đến và yêu mến khi còn là sinh viên Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia. Tên tuổi của Tấn Minh gắn liền với hàng loạt ca khúc đã hằn sâu trong ký ức của nhiều thế hệ như: Phượng hồng, Mối tình đầu, Em và tôi, Bức thư tình đầu tiên… Hiện, Tấn Minh đang là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Nghệ sĩ Lê Mai, Kim Xuyến lần đầu được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú

32 nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú gồm: Lê Mai, Kim Xuyến, Lưu Lan Hương, Ngọc Quỳnh, Thiện Tùng, Hoàng Sơn, Đỗ Thanh Tùng – Nhà hát Kịch Hà Nội; Phạm Đình Dũng – Nhà hát Múa rối Thăng Long; Nguyễn Thị Hải Hà, Cao Duy Tùng, Bùi Xuân Hoà – Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; Lê Văn Ghi, Nguyễn Tiến Hiệp, Đinh Trọng Nguyên, Lê Thị Hồng Nhung, Bạch Quang Tuấn – Nhà hát Cải lương Hà Nội; Nguyễn Thị Hoài Anh, Phạm Hùng Cường, Trần Thị Thu Hoà, Bùi Văn Phòng, Nguyễn Văn Hùng, Bùi Tất Trọng – Nhà hát Chèo Hà Nội;

Nghệ sĩ Tấn Minh được đề nghị xét tặng NSND, Lê Mai và Kim Xuyến được xét tặng NSƯT   - Ảnh 2.

Con gái Lê Khanh đã lên Nghệ sĩ Nhân dân từ lâu nhưng bây giờ nghệ sĩ Lê Mai mới được xét tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: FBNV.

Nguyễn Lê Việt Anh – diễn viên, cộng tác viên Trung tâm Sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình Việt Nam (VFC); Đỗ Thị Cử, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Kim Khánh - diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội (nghỉ hưu); Lê Thị Dung – diễn viên sân khấu điện ảnh (tự do);

Phạm Anh Dũng – diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội (nghỉ hưu); Lê Anh Dũng – nhạc sĩ, Hội Điện ảnh chi hội Đài Truyền hình; Nguyễn Văn Hải – diễn viên, chỉ đạo nghệ thuật kiêm giám đốc sản xuất sân khấu Lệ Ngọc; Quách Thị Lan Phương – diễn viên (tự do) và Nguyễn Đình Tư – diễn viên Đoàn Cải lương Hoa Mai (Hà Tây cũ).

Trong số các trường hợp trên, nghệ sĩ Lê Mai – sinh năm 1938 (mẹ của NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân và Lê Vi) là một trong những nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Kịch Hà Nội. Bà tham gia Đoàn kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) từ năm 1954. Sau đó, bà chuyển qua Đoàn kịch Hà Nội. Bà từng thể hiện thành công nhiều dạng nhân vật trong các vở diễn: Những người ở lại, Cái máy chém, Lam Sơn tụ nghĩa... 

Không chỉ tham gia sân khấu kịch, bà còn xuất hiện trong những bộ phim truyền hình và phim truyện như: Vui buồn sau luỹ tre, Hoa đắng, Hoàng hôn dang dở, Chập cheng, Tình yêu không hẹn trước... Nhiều năm qua, khán giả lẫn báo giới vẫn lầm tưởng nghệ sĩ Lê Mai đã được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú.

Tuy nhiên, chia sẻ với Dân Việt, bà cho biết, đây là lần đầu tiên bà được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vì trước đây không đủ tiêu chí về huy chương. Mặc dù mới được thông qua ở Hội đồng cấp cơ sở nhưng nghệ sĩ Lê Mai vẫn cảm thấy rất vui vì sau bao nhiêu năm lặng thầm cống hiến, lúc ở tuổi "gần đất, xa trời", bà cũng được ghi nhận về những đóng góp của mình.

Nghệ sĩ Tấn Minh được đề nghị xét tặng NSND, Lê Mai và Kim Xuyến được xét tặng NSƯT   - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Kim Xuyến rất vui mừng khi ở tuổi 77, bà đã được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ Ưu tú. Ảnh: TL.

Trong khi đó, nghệ sĩ Kim Xuyến cũng lần đầu tiên được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú mặc dù đã có 60 năm bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật. Chia sẻ với Dân Việt, nữ nghệ sĩ cho biết, bà cảm thấy rất vui mừng vì sau nhiều năm mỏi mòn chờ đợi, cuối cùng bà cũng có cơ hội được xét tặng danh hiệu. Dẫu theo nhiều người là đáng ra danh hiệu này phải trao cho bà sớm hơn nhưng muộn còn hơn không.

  • Nghệ sĩ Kim Xuyến, Cẩm Vân, Ánh Tuyết nói gì khi cả đời cống hiến nhưng không được xét tặng danh hiệu?

    Nghệ sĩ Kim Xuyến, Cẩm Vân, Ánh Tuyết nói gì khi cả đời cống hiến nhưng không được xét tặng danh hiệu?

"Chúng tôi thuộc thế hệ diễn viên đầu gắn bó với Đoàn kịch Hà Nội, nay là Nhà hát Kịch Hà Nội. Thời của chúng tôi là thời chiến tranh, chỉ đi biểu diễn phục vụ thôi, kể cả một đồng lương cũng không có, diễn cho nhân dân toàn được trả bằng lạc, bằng bún, khoai lang... 

Thời đó, chẳng ai nghĩ gì đến việc phấn đấu để có danh hiệu mà chỉ phấn đấu để được ra chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sỹ. Mà hồi đó cũng làm gì có các hội diễn hoặc liên hoan sân khấu mà "gặt" huy chương, nếu có chắc chúng tôi cũng đã có mấy cái huy chương trong tay.

Bước vào thời bình, lứa chúng tôi đã lớn tuổi nên chỉ làm nghề với cái tâm thôi chứ cũng không có ham hố gì việc huy chương nữa. Chúng tôi mê nghề và cứ nghĩ "hữu xạ tự nhiên hương". Đó lí do vì sao chúng tôi không có huy chương nhưng vẫn không bỏ nghề, không than vãn… luôn lạc quan với nghề". Sự ghi nhận lớn nhất thời đó là xếp loại nghệ sĩ xuất sắc, 5 năm 1 lần.

Vậy mà, đến bây giờ, thế hệ nghệ sĩ chúng tôi, có những người vẫn mới chỉ dừng ở danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, có người không có danh hiệu gì như tôi với chị Lê Mai. Bản thân tôi có cả Huy chương kháng chiến chống Mỹ, Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá… và làm nghề bền bỉ trong hơn 60 năm qua. Tôi không hiểu sao người ta không xét tặng danh hiệu cho tôi dù tôi đã nhiều lần làm hồ sơ".

Nghệ sĩ Kim Xuyến kể thêm rằng, bà cảm thấy rất chạnh lòng mỗi khi ai đó hỏi chuyện danh hiệu. Vì thế hệ con cháu, đóng góp cho nghệ thuật nhiều khi không bằng mình nhưng đều đã được phong tặng, còn bản thân mình thì vẫn "long đong".  Nhiều năm làm hồ sơ xong lòng tràn đầy hy vọng nhưng khi kết quả cuối cùng không được như ý muốn, bà lại ngậm ngùi nuốt chua xót vào trong. Với tin vui này, bà nghĩ mình sẽ "sống thọ thêm được chục tuổi" nữa.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem