Nghệ sĩ Vũ Năng An: Người ghi lại thời khắc Cách mạng Tháng Tám lịch sử

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 19/08/2020 11:03 AM (GMT+7)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An là người đã chụp bức ảnh quý giá ghi lại thời khắc lịch sử trọng đại của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội tháng 8/1945, đây cũng chính là bước ngoặt đưa ông đến với con đường cách mạng.
Bình luận 0

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An sinh ngày 15/5/1916 tại thành phố Nam Định. Khi chụp những bức ảnh về cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám ông mới 29 tuổi, đang làm việc trong một hiệu ảnh trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Tình cờ ghi lại những hình ảnh ở Hà Nội trong ngày 19/8 đã là bước ngoặt đầu tiên đưa ông tới với con đường cách mạng.

Người ghi lại thời khắc lịch sử cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 1.

Chân dung nghệ sĩ Vũ Năng An (1916 – 2004)

Mùa Thu cách mạng năm 1945, nghệ sĩ Vũ Năng An may mắn được tham gia vào cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. 

Nói về sự kiện này, Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Vũ Xuân Hưng - Con trai cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An - cho biết, sinh thời cha mình từng kể lại: Hôm ấy, ngày 16/8/1945, một người bạn đến nhà chơi, trong câu chuyện người đó có gợi ý "ngày mai An nên đi chụp các phố phường ở Hà Nội, sẽ có nhiều thú vị đấy"

Hôm sau, ông mang máy ra Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Chứng kiến cuộc mít tinh lớn ở đó, ông linh cảm thấy đang có một điều gì đấy rất hệ trọng sắp xảy ra. Ông đã bấm máy quang cảnh cuộc mít tinh ấy. Không khí ở Hà Nội những ngày này khác lạ lắm, nó sục sôi, nhiệt huyết, người dân thì háo hức, khí thế... Ông sục sạo đi chụp mọi diễn biến xảy ra ở các điểm nóng của Hà Nội.

"Khi cụ tham gia với niềm say mê của một nhà nhiếp ảnh trước một sự kiện mà sau này cụ mới hiểu rằng đó là một sự kiện vĩ đại của dân tộc", NSƯT Vũ Xuân Hưng nói.

Nghệ sĩ Vũ Năng An: Người ghi lại thời khắc Cách mạng Tháng Tám lịch sử - Ảnh 2.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát Lớn, 19/8/1945. (Ảnh: Vũ Năng An - Tư liệu Bảo tàng LSQS Việt Nam)

Tới ngày hôm sau 19/8, không khí cách mạng đã lên đến đỉnh điểm. Ngay từ tinh mơ, hàng chục vạn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường đổ về Nhà hát Lớn. Khoảng 10h30 sáng, tại cuộc mít tinh lớn chưa từng có ấy, cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu. Biển người rùng rùng tỏa đi các ngả chiếm những cơ quan quan trọng của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, trại Bảo An binh... Một đoàn người kéo đến Bắc Bộ phủ, ào vào chiếm giữ, buộc chính phủ của Trần Trọng Kim đầu hàng vô điều kiện...

Ý thức đang có những sự kiện hệ trọng xảy ra, Vũ Năng An đã liên tục bấm máy ảnh ghi lại được nhiều hình ảnh trong những ngày này. Sau này, ông mới biết các sự kiện mình đang giữ trong chiếc máy ảnh là cuộc Cách mạng Tháng Tám do Đảng lãnh đạo.

Một cuộc Tổng khởi nghĩa vĩ đại đặt dấu chấm hết cho hơn một trăm năm đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Cũng sau này ông mới biết người bạn Trần Huy Liệu gợi ý ông đi chụp, chính là một trong những nhà cách mạng nổi tiếng.

Nghệ sĩ Vũ Năng An: Người ghi lại thời khắc Cách mạng Tháng Tám lịch sử - Ảnh 3.

Đánh chiếm Phủ Khâm sai. (Ảnh: Vũ Năng An - Tư liệu Bảo tàng LSQS Việt Nam)

Cách mạng Tháng Tám đã thành công trọn vẹn. Sau sự kiện 19/8, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An đi theo kháng chiến. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị lịch sử nghệ thuật cao ghi lại cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trong đó có bức ảnh nổi tiếng "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê 1950".

Bức ảnh đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử thế giới. Ông đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên năm 1996. Hiện nay, phần lớn số phim của ông được lưu trữ tại các bảo tàng và cơ quan ảnh, trong đó, phim "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê 1950" đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An: Người ghi lại thời khắc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám - Ảnh 1.

Bức ảnh "Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê 1950" của nghệ sĩ Vũ Năng An. (Ảnh Tư liệu Bảo tàng LSQS Việt Nam)

Với NSƯT Vũ Xuân Hưng, cha ông có tính cách ít nói cùng lối làm việc nghiêm túc, chỉn chu đã trở thành dấu ấn riêng khiến nhiều đồng nghiệp nể phục.

"Tôi nhớ mãi lời bố tôi dặn rằng làm nghệ thuật phải làm bằng trái tim chứ đừng chỉ làm bằng khối óc và ãy nuôi dưỡng cảm xúc của mình bằng chính cảm xúc của mình bằng chính cuộc sống chứ đừng chỉ bằng kiến thức từ cuộc sống. Khi đã làm thì phải làm hết sức mình", ông nói.

Trong giới nghệ thuật nhiếp ảnh, ông được tôn vinh là một nghệ sĩ tài năng, luôn chớp được những khoảnh khắc thần kỳ của nhân vật và sự kiện. 

Trân trọng sự thật, trân trọng từng khoảnh khắc lướt qua trong cuộc sống không chỉ của bản thân mà còn của tất cả người dân, những bức ảnh của Vũ Năng An không chỉ sở hữu giá trị cao về chất tư liệu mà còn thể hiện sự nhạy bén, trân trọng từng khoảnh khắc của ông qua từng cú bấm máy, có cái nhìn toàn cảnh về tiến trình lịch sử của đất nước qua từng giai đoạn.

Đến với cách mạng bằng ngọn lửa yêu nghề, sự hồn nhiên cống hiến hết sức mình cho quốc gia, dân tộc. Tinh thần ấy theo ông trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, để lại những tác phẩm mãi là tư liệu lịch sử vô giá của cả dân tộc.

Đêm 7/7/2004, nhiếp ảnh gia Vũ Năng An qua đời khi "Những gì thuộc về tôi, tôi đã làm xong rồi".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem