Nghệ sỹ làm từ thiện tự phát, có buộc phải công khai sao kê chuyển tiền?

Đ.Việt Thứ bảy, ngày 28/08/2021 12:37 PM (GMT+7)
Các luật sư đã có những phân tích pháp lý xung quanh vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng nói đang giữ 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản ngân hàng của Đàm Vĩnh Hưng.
Bình luận 0
Thông tin tài khoản phải được giữ bí mật

Trong một buổi livestream mới đây, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam), khẳng định đang giữ khoảng 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Bà Nguyễn Phương Hằng có được phép công khai sao kê ngân hàng của Đàm Vĩnh Hưng?   - Ảnh 1.

Mạng xã hội"dậy sóng" khi bà Nguyễn Phương Hằng khẳng định đang giữ khoảng 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh chụp màn hình một buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.

Câu chuyện giữa bà Nguyễn Phương Hằng và Đàm Vĩnh Hưng ngay lập tức khiến dư luận xôn xao, đây là chủ đề nóng được bàn tán suốt nhiều ngày nay. 

Ngoài những phát ngôn qua lại giữa hai nhân vật chính, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý, trong đó tập trung vào câu hỏi vì sao bà Phương Hằng lại có được sao kê tài khoản của Đàm Vĩnh Hưng? Việc tiết lộ thông tin tài khoản của người khác có vi phạm?

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngân hàng phải giữ bí mật tuyệt đối mọi thông tin của khách hàng, điều này được quy định tại Nghị định 117/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ 1/11/2018.

Nghị định nêu rõ: Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó.

Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

Theo Điều 47, Nghị định 88/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đề cập đến việc "làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật" bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Từ những phân tích trên, luật sư Hòe kiến nghị cơ quan chức năng nên làm vào cuộc làm rõ vì sao bà Nguyễn Phương Hằng lại có được sao kê tài khoản của Đàm Vĩnh Hưng, nếu ngân hàng tự ý cung cấp thì phải tiến hành xử phạt theo đúng quy định. Ngoài ra người nào tự ý công khai tài khoản của người khác cũng là vi phạm.

Làm từ thiện có buộc công khai sao kê chuyển tiền?

Cũng phân tích về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích mọi người tham gia hoạt động này. 

Hoạt động từ thiện có thể hiểu đơn giản chỉ là việc tặng cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu.

Theo luật sư Cường, nếu cá nhân hoạt động từ thiện thường xuyên, chuyên nghiệp thì nên thành lập các quỹ từ thiện và lúc này phải hoạt động, thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Phương Hằng có được phép công khai sao kê ngân hàng của Đàm Vĩnh Hưng?   - Ảnh 3.

Trên Facebook cá nhân của mình, Đàm Vĩnh Hưng cho biết sẽ nhờ pháp luật chứng minh sự trong sạch của mình. Ảnh chụp màn hình.

Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng… không quy định cho những cá nhân, nhóm người được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Bên cạnh đó, Thông tư hướng dẫn số 72/2008 của Bộ Tài chính còn quy định báo, đài chỉ được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước chứ không được tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ đó (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ cụ thể).

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, hoạt động tự nguyện tự phát do cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện không thường xuyên mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn là quan hệ dân sự, không phải tuân thủ các quy định đối với các quỹ từ thiện.

Còn đối với hoạt động kêu gọi từ thiện tự phát, thành lập một tài khoản để tiếp nhận tiền từ thiện như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng thực hiện, có thể coi là điều chỉnh bởi quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động tặng cho tài sản và trên cơ sở các quy phạm xã hội về đạo đức.

Theo quy định của pháp luật, người tặng cho tài sản là những người đã chuyển tiền vào tài khoản của người kêu gọi, người được tặng cho tài sản là đồng bào gặp khó khăn. Những người nhận tiền ủng hộ như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng là người trung gian, đứng ra tiếp nhận và chuyển số tiền đó cho đồng bào đang gặp khó khăn.

Việc sử dụng số tiền đó phải đúng như cam kết đã đưa ra trước đó và người nhận tiền làm từ thiện phải công khai lại kết quả thực hiện hoạt động từ thiện cho những người đã nộp tiền chuyển tiền vào tài khoản.

Việc công khai, minh bạch số tiền nhận được và công khai minh bạch hoạt động từ thiện là cần thiết để đảm bảo số tiền được sử dụng đúng mục đích, đảm bảo uy tín của nam nghệ sỹ cũng như để những nhà hảo tâm có niềm tin để tiếp tục thực hiện hoạt động thiện nguyện cho những lần sau.

Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người dân, những người được hưởng những tài sản đó từ những nhà hảo tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem