Nghề trèo lên "loài cây kỳ lạ" lấy thứ nước ngọt như mía lùi của người Khmer ở tỉnh An Giang

Chúc Ly - Mai Anh Thứ bảy, ngày 13/11/2021 06:15 AM (GMT+7)
Giữa mảnh đất khô cằn vùng Bảy Núi (An Giang), có 1 thứ được xem là đặc sản nổi tiếng, đó là nước thốt nốt. Để lấy được loại nước có vị ngọt trời ban này, nhiều người đã treo mình trên những cây thốt nốt cao hơn chục mét...
Bình luận 0

Sở dĩ nhiều người gọi cây thốt nốt là "loài cây kỳ lạ" là bởi cây này từ khi trồng cho đến khi ra trái bói phải chờ tới 18-20 năm. Đây là điểm đặc biệt kỳ lạ khi cây thốt nốt thuộc họ cây dừa, trong khi cây dừa từ khi trồng cho tới lúc ra trái chờ khoảng 5 năm...

Trái thốt nốt – loại quả đặc sản "trời ban" ở An Giang

Thốt Nốt là một loại cây đặc trưng vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Tên gọi "thốt nốt" có nguồn gốc từ tiếng Khmer là "th'not". 

Dân địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt lốt lâu dần thành quen. Cây thốt nốt gắn chặt với đời sống người Khmer như cây dừa với người Kinh ở miền xuôi. 

Đặc biệt, tất cả những bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con đồng bào dân tộc Khmer tận dụng, từ thân tới lá, quả.

Clip: Cùng phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN trải nghiệm leo cây thốt nốt chặt buồng hứng nước thốt nốt của đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang).

Tại tỉnh An Giang, cây thốt nốt được trồng nhiều tại huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Đối với bà con dân tộc Khmer nơi đây, cây thốt nốt không chỉ là biểu trưng mà đây còn là nguồn thu nhập chính của rất nhiều gia đình. 

Cây thốt nốt cho nước, trái ngọt nhưng cũng luôn gắn liền với nghề lam lũ, hiểm nguy của những người leo cây thốt nốt để lấy nước cũng như lấy trái...

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 2.

Cây thốt nốt là loại cây quen thuộc ở vùng Bảy Núi, của tỉnh An Giang. Ảnh: Chúc Ly.

Để có được những lít nước thốt nốt tươi ngon, từ tờ mờ sáng người dân ở đây phải trèo lên những ngọn cây cao chót vót để lấy nước về nấu đường. Dù lắm gian nan và vất vả nhưng đó là nguồn sống của biết bao gia đình.

Ở xứ này, cây thốt nốt thường được bà con dân tộc Khmer trồng ở các bờ ranh, vừa giữ đất lại cho thu nhập. 

Cây thốt nốt trồng từ 15 năm trở lên (thông thường là từ 18-20 năm) mới cho trái và nước đường. Để lấy được những lít nước thốt nốt ngọt mát, người thợ phải rất giỏi trèo cây, cây thấp nhất cũng 9-10m, có cây cao hơn 20 mét. Hoặc người trèo chuyền từ cây này sang cây khác mà không phải tụt xuống đất. Chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể mất mạng như chơi.

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 3.

Nghề trèo cây thốt nốt lấy nước thốt nốt được ví như nghề "ăn cơm dưới đất làm việc trên trời" của đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang. Ảnh: M.A.

Quá trình lấy nước thốt nốt cũng lắm công phu, tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường có thể khác nhau. 

Khi thốt nốt trổ buồng, người thợ cầm theo con dao bén, trèo lên đọt cây và dùng dao cắt bỏ những cuốn hoa đang trổ. Từ chỗ cắt cuống, nước trong cây chảy vào hũ nhựa đã đặt sẵn. 

Sau 8 đến 10 tiếng sẽ đem xuống đất một lần. Trong năm, mùa thốt nốt từ tháng 12 năm trước kéo sang tháng 4 hoặc tháng 5 năm sau, khi mưa xuống mới dứt đợt lấy nước nấu đường.

Nghề "ăn cơm dưới đất làm việc trên trời"

Hơn 30 năm gắn bó với nghề lấy nước thốt nốt, ông Võ Thái Hùng (ngụ xã Châu Lăng, Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) kể: "Nghề này vốn của người nghèo, những người khá hơn không ai đi leo thốt nốt vì nếu sơ sẩy là đổi cả tính mạng. Vùng này còn nghèo, đất đai không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên chỉ có nghề lấy nước thốt nốt là dễ kiếm sống nhất".

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 4.

Nghề lấy nước thốt nốt có khi cược cả tỉnh mạng. Ảnh: M.A.

Theo ông Hùng, từ năm 16 tuổi, ông đã bắt đầu đi leo lấy nước thốt nốt thuê. Sau khi lập gia đình, ông đã thuê vườn thốt nốt rồi tự leo lấy nước nấu thành đường bán cho đến nay.

Đôi gánh quằn vai với những can nhựa đầy nước thốt nốt thơm lừng vừa mới lấy xong, ông Hùng nói: "Cái nghề này là "ăn cơm dưới đất mà làm việc trên trời". Bởi hễ mở mắt ra tôi lại tất bật với công việc của mình từ sáng cho đến tận chiều tối. Đây là nghề vừa nguy hiểm vừa cần sự chịu khó. Hồi xưa mình cũng đi học hỏi người ta rồi mình làm riết thành quen".

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 5.

Người thợ lấy nước thốt nốt sử dụng những thanh tre có gai chắc chắn để cột vào thân thốt nốt. Ảnh: M.A.

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 6.

Sau đó dùng dao cắt bỏ những bông không vừa ý, chọn những bông thốt nốt đẹp vót đầu để nước thốt nốt chảy vào chai được hứng sẵn. Ảnh: M.A.

Nhiều năm gắn bó với nghề lấy nước thốt nốt nấu đường, ông Hùng chỉ tay về cây thốt nốt chia sẻ bí quyết: "Mình lựa cây cho nó sung, có bẹ bự thì nước mới nhiều. Mới đầu mình dọn bẹ, buột đài trước, róc gai xong rồi chọn cái bông nào vừa ý thì mình kẹp, cái nào không vừa thì chặt bỏ hết. Thường tôi đặt can hứng buổi sáng, canh khoảng 6 tiếng thì lấy 1 lần; còn ban đêm thì phải lâu một chút".

Tận mắt quan sát quá trình lấy nước thốt nốt của bà con, chúng tôi mới thấu được sự vất vả và nhọc nhằn để đổi lấy những lít mật ngọt. 

Khác với trèo dừa ở miệt đồng bằng, những người leo thốt nốt phải chuẩn bị những cây tre có mắt lớn cột chặt vào thân cây thốt nốt làm "cây đài", giống như cây thang để leo lên. 

"Hành trang" leo lên cây thốt nốt của mỗi tay leo là dao bén dắt hông, chai, lọ cột quanh người...để lấy nước, bẻ trái trên cây mang xuống. Người giỏi, có tay nghề cao một ngày leo khoảng 30-40 cây thốt nốt.

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 7.

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 8.

Thành quả của ông Hùng sau một ngày vất vả leo cây lấy nước thốt nốt. Ảnh: M.A.

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 9.

Những chai nước thốt nốt tươi mát được bày bán ở ven đường. Ảnh: Chúc Ly.

Một điều lạ là hầu hết những người leo thốt nốt không ai sở hữu cây thốt nốt nào. Thường bà con sẽ liên hệ với những gia đình có cây thốt nốt để thuê với giá 150.000-200.000 đồng/cây/năm cho mỗi cây "đực" và cao hơn một chút đối với cây "cái". 

Sở dĩ có sự chênh lệch là vì cây đực chỉ cho nước về bán trực tiếp hoặc nấu đường; còn cây cái có thêm trái.

Theo nhiều người theo nghề lấy nước thốt nốt tuy nguy hiểm, cực nhọc nhưng bà con có thu nhập hằng ngày. Thông thường, ở thời gian đầu thuê cây để lấy nước, bà con không lấy được nhiều nước thốt nốt, tư vài tháng thì mới thu được nhiều hơn, đến khoảng 3 tháng 1 ngày có thể kiếm tiền triệu.

Độc lạ nghề trèo cây lấy thứ nước ngọt như đường của người Khmer ở An Giang - Ảnh 10.

Công việc tuy vất vả nhưng theo ông Hùng, gia đình ông có được nguồn thu nhập khá ổn định. Ảnh: M.A.

Những bậc cao niên dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên cho biết, nghề leo thốt nốt có tính "thời vụ", chỉ làm từ đầu tháng 11 âm lịch cho đến tháng 5 năm sau. Đây là thời điểm nước thốt nốt ngọt, sản lượng đường thu được sau khi nấu cũng nhiều hơn.

Dẫu lắm vất vả và hiểm nguy, thế nhưng cũng nhờ cái nghề này mà biết bao gia đình vùng Bảy Núi vươn lên khấm khá. 

Căn nhà tường khang trang mái ngói của ông Hùng cũng được thay thế căn nhà lá lụp xụp vài năm nay, tất cả cũng nhờ vào nghề lấy nước thốt nốt. Có lẽ vì thế, hình ảnh những người mưu sinh giữa lưng trời vẫn luôn hiện hữu. Đó như một nét đẹp đặc trưng vùng Bảy Núi – An Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem