Nghề trồng hoa cúc Tết ở Can Lâm

Thứ ba, ngày 17/09/2013 06:54 AM (GMT+7)
Đầu tư trồng cúc không đơn giản, thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp thì người trồng hoa mới có lời. Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định, nhất là khi gần đây thời tiết bất thường.
Bình luận 0
Tất bật xuống giống

Còn khoảng 5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2014 nhưng thời điểm này, các hộ trồng hoa ở Cam Lâm, Khánh Hòa đã tất bật xuống giống để chuẩn bị cho vụ cúc Tết.

Ở khu vực xã Cam Thành Bắc, không khí xuống giống hoa cúc khá nhộn nhịp. Một số khu đất rộng đã được phủ kín bởi hàng trăm chậu cây lớn nhỏ xếp thẳng hàng. Nhiều nông dân đang bận rộn trồng cây giống vào chậu, tưới nước, bón phân...
Trồng cúc giống vào chậu cho kịp thời vụ.
Trồng cúc giống vào chậu cho kịp thời vụ.
Vừa tưới nước cho những chậu cúc mới trồng, anh Nguyễn Thanh Hùng (thôn Tân Lập) vừa cho biết: “Năm nay, nhà tôi trồng 300 chậu hoa cúc (tăng 100 chậu so với năm ngoái), chủ yếu là giống cúc đại đóa được mua từ Đà Lạt. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, vợ chồng tôi tự mua nguyên liệu về đúc chậu. Nếu tự đúc, chi phí chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/chậu, nếu đi mua thì chi phí tăng gấp đôi”. Năm trước, gia đình anh Hùng trồng 200 chậu cúc, trừ chi phí lãi 12 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Khương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc cho biết: “Toàn xã có 20 hộ trồng hoa cúc với khoảng 15.000 chậu, tăng từ 3.000 đến 5.000 chậu so với năm ngoái. Nhà ít trồng khoảng 500 chậu, nhiều khoảng 1.000 chậu. Nghề trồng hoa cúc đã gắn bó với người dân trong xã gần 20 năm nay. Nếu thời tiết thuận lợi, hoa đẹp, bình quân trồng 500 chậu cúc, nông dân lãi từ 20 đến 30 triệu đồng”.

Nông dân một số xã khác của huyện Cam Lâm cũng đang tất bật xuống giống. Có thâm niên gần 20 năm trồng hoa, ông Ngô Sửu (thị trấn Cam Đức) cho biết: “Nhà tôi có 1,5 sào đất vườn. Năm nay, tôi thuê thêm khoảng 2 sào nữa để trồng cúc. Để chuẩn bị hoa phục vụ Tết, tôi xuống giống 3.000 chậu cúc pha lê và đại đóa, tăng khoảng 500 chậu so với năm ngoái”. Vợ chồng ông Sửu cũng tự đúc chậu, trung bình từ 60 đến 80 chậu/ngày. Theo ông, tự đúc chi phí chỉ khoảng 7.000 - 12.000 đồng/chậu (tùy kích cỡ), nếu thuê người đúc thì chi phí tăng khoảng 40%.

Theo ông Diệp Thế Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây, vụ này, xã có gần 10 hộ trồng hoa cúc với hơn 15.000 chậu, trong đó có 4 hộ trồng với quy mô từ 2.000 chậu trở lên. Mọi năm, nếu thuận lợi, trồng 2.000 chậu cúc, nông dân lãi gần 200 triệu đồng.
Tưới nước cho những cây cúc con mới trồng.
Tưới nước cho những cây cúc con mới trồng.
Được biết, từ sau Tết Nguyên đán 1 - 2 tháng, người trồng hoa cúc ở Cam Lâm đã bắt đầu đúc chậu, đặt giống ở Đà Lạt. Đến khoảng tháng 6 (âm lịch) thì làm đất, trộn tro, phân..., từ sau rằm tháng 7 bắt đầu trồng cây con vào chậu. Từ lúc này, người trồng hoa thường xuyên có mặt ở vườn để tưới nước 2 lần/ngày, phun thuốc kích thích sinh trưởng. Khi cây cao khoảng 40cm thì cắm nẹp tre để giữ thân cúc thẳng và vững; ban đêm phải thắp đèn điện để “kéo đọt”, kích thích cây phát triển chiều cao...

Nhiều nỗi lo

Nhiều người dân cho hay, đầu tư trồng cúc không đơn giản. Thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp Tết thì người trồng hoa mới có lời. Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định, nhất là khi gần đây thời tiết bất thường.

Chia sẻ về nỗi lo này, chồng chị Nguyễn Thị Kim Loan (thôn Tân Lập, xã Cam Thành Bắc) nói: “Năm nay, nhà tôi trồng khoảng 2.000 chậu, trong đó 80% là cúc đại đóa. Nhưng mưa nắng thất thường thế này, tôi e chất lượng hoa không được tốt. Trồng hoa cúc, chỉ cần mưa nặng hạt kéo dài là thối rễ, dẫn đến chết cây. Mưa lạnh cũng là điều kiện tốt để dịch bệnh phát triển”. Vợ ông Ngô Sửu thì chia sẻ, năm ngoái, bông cúc của nhà ông bà hư nhiều do thời tiết không thuận. Vụ năm nay cũng khó đoán vì cây giống mới vào chậu được 5 ngày.

Bên cạnh nỗi lo về thời tiết, người trồng hoa cúc ở Cam Lâm còn trăn trở vì năm nay chi phí đầu tư cho mỗi chậu hoa tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Bà Đoàn Thị Thương (thôn Bãi Giếng Trung, thị trấn Cam Đức) bộc bạch: “Năm nay, tiền giống, cát, phân bón, thuê nhân công... đều cao và tăng so với năm ngoái. Tiền giống khoảng 170.000 đồng/1.000 cây, tiền cát 100.000 đồng/cộ, tiền thuê nhân công từ 120.000 đến 170.000 đồng/công... Tổng chi phí cho 1 chậu hoa khoảng 50.000 - 80.000 đồng, nếu thời tiết thuận, hoa nở đúng dịp Tết thì bán sỉ được 130.000 đồng/chậu, bán lẻ 150.000 đồng/chậu. Nhưng khó mà đoán trước được điều gì”.

Ngoài ra, nông dân cũng chỉ học hỏi lẫn nhau kỹ thuật trồng cúc, chưa được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nên đã có năm hoa bị thối, phải nhổ bỏ. Ông Nguyễn Ta - Phó phòng Phụ trách phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cũng thừa nhận, lâu nay chưa thực hiện hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa cho nông dân. Vừa rồi, huyện chủ trương hướng dẫn và triển khai trồng hoa cúc đồng tiền nhưng chưa thực hiện được.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đầu ra của các hộ trồng hoa cúc ở Cam Lâm khá ổn định do đa số bán cho bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phan Thiết... Tuy nhiên, mong muốn của người trồng hoa vẫn là thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định để có một mùa hoa như ý.
Báo Khánh Hòa (Theo Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem