Nghị định mới về quản lý phân bón: Cần tăng chế tài xử phạt

Thứ hai, ngày 21/05/2012 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Hoàng Văn Tại - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển trao đổi về công tác quản lý sản xuất kinh doanh phân bón, cũng như những điều cần thay đổi ở nghị định mới để quản lý lĩnh vực này.
Bình luận 0
img
Sản xuất phân bón tại Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển.

Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý sản xuất, kinh doanh (SXKD) phân bón hiện nay?

- Hiện nay chúng ta có 2 văn bản pháp luật chủ yếu về quản lý phân bón là Nghị định 113 và Thông tư 36 của Bộ NNPTNT. Những văn bản này đã nêu được một số vấn đề về quản lý phân bón để các cơ quan, đơn vị làm căn cứ thực hiện việc quản lý phân bón trong SXKD và lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, các văn bản này còn rất nhiều điểm hạn chế, khiến cho công tác quản lý còn tồn tại nhiều bất cập.

Ông có thể cho biết cụ thể về những hạn chế đó?

- Thứ nhất là văn bản pháp lý về quản lý phân bón nhưng lại chưa có khái niệm “phân bón là gì?”, “chất dinh dưỡng là gì?”. Thứ 2, Nghị định 113 cũng chưa đưa ra định nghĩa “hàm lượng chất dinh dưỡng” như thế nào cho đúng, cho chuẩn để tránh các đơn vị lách luật; trong Thông tư 36 thì có nói nhưng chưa rõ ràng. Thứ 3, khái niệm “thế nào là phân kém chất lượng, phân dỏm, giả” cũng chưa có; điều đó làm cho các cơ quan quản lý rất khó khăn trong việc áp dụng các chế tài xử phạt, đây là nguyên nhân khiến phân dỏm, phân giả tràn lan.

Thứ 4, các tiêu chí cho việc đăng ký SXKD phân bón quá dễ dàng, cho nên các doanh nghiệp (DN) theo công nghệ “cuốc, xẻng”, chạy theo lợi nhuận đơn thuần mọc lên như nấm. Các DN này khai sinh với những tên rất kêu; sau khi lừa dân một vài vụ, họ sẵn sàng đổi một tên khác kêu hơn để lừa tiếp. Bên cạnh đó, các quy định cũ sinh ra quá nhiều giấy phép con, điều này đi ngược lại quan điểm và chỉ thị của Chính phủ về giảm thiểu thủ tục hành chính và giấy phép con…

Để quản lý tốt vấn đề SXKD phân bón, theo ông cần phải có sự thay đổi như thế nào để khắc phục những hạn chế trên?

- Các cơ quan quản lý đã nhận thấy điều này. Chúng tôi đang tham gia góp ý soạn thảo nghị định mới thay thế cho văn bản quản lý cũ. Theo tôi, Nghị định mới cần đưa ra một số điểm sau:

Thứ nhất, phải đưa vào khái niệm phân bón là gì, chất dinh dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón là gì? Thế nào là phân dỏm, giả, phân kém chất lượng? Không có các khái niệm trên thì nghị định mới chẳng quản được gì về SXKD phân bón.

Ngoài ra cũng phải nêu rõ SXKD phân bón là có điều kiện và phải quy định rõ các điều kiện để một đơn vị được SXKD phân bón. Điều kiện đó là: DN phải có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ nhất định hiểu biết về công nghệ hóa chất, đất đai, cây trồng. Phải có quy trình công nghệ đảm bảo chứ không phải công nghệ “cuốc, xẻng”; quy định điều kiện máy móc thiết bị, công nghệ, kho tàng, bến bãi bảo quản nguyên liệu, sản phẩm... Dứt khoát DN phải có phòng thí nghiệm để phân tích nguyên liệu, tính toán phối liệu và kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng. Chế tài xử phạt phải nghiêm minh, có tính răn đe với DN sản xuất cũng như cơ quan quản lý…

“Bà con nên dùng máy tính cộng xem tổng hàm lượng dinh dưỡng của phân là bao nhiêu, rồi lấy giá 1kg chia cho tổng dinh dưỡng xem 1% dinh dưỡng giá bao nhiêu? So sánh giữa các hãng uy tín, hãng nào có giá 1% dinh dưỡng thấp nhất là giá hợp lý nhất”.

Ông khuyến cáo gì cho nông dân để tự bảo vệ mình trong việc mua và sử dụng phân bón?

- Bà con đừng ham rẻ, đừng sính ngoại để bị lừa. Sản phẩm phân bón cùng loại nhưng sản xuất ở các đơn vị khác nhau có chất lượng rất khác nhau. Bà con cần tìm mua sản phẩm ở những DN có thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, bà con cần đọc kỹ thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì. Nếu phân chứa nhiều loại chất dinh dưỡng với tổng hàm lượng cao là phân tốt và ngược lại. Tốt nhất chọn loại phân bón nào không sử dụng phụ gia (chất độn), để dễ dàng kiểm tra bằng mắt thường.

Cuối cùng, bà con phải so sánh giá bán có thích hợp không. Xin chú ý: Trong phân NPK có 3 thành phần đạm, lân, kali thì kali là thành phần đắt nhất; nếu thêm đạm và lân vào kali đơn để sản xuất NPK thì giá của phân NPK (dù tốt đến mức nào) luôn phải thấp hơn giá phân kali đơn; nếu đơn vị nào bán phân NPK với giá bằng hoặc cao hơn giá phân kali đơn thì họ đã lấy lãi quá nhiều...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem