Nghỉ hè đủ 3 tháng, kẻ mừng - người lo: Trả lại mùa hè ý nghĩa cho trẻ nhỏ

Việt Phương - Bạch Dương Chủ nhật, ngày 19/07/2020 14:16 PM (GMT+7)
Nhiều năm rồi, kỳ nghỉ hè của học sinh được "rút gọn" chỉ còn 1 tháng. Sau đó là những ngày "đội nắng" đến trường học hè, đến các lớp học thêm, tham gia các các hoạt động chuẩn bị cho ngày khai trường.
Bình luận 0

Theo dự thảo kế hoạch năm học 2020 - 2021 mà Bộ GDĐT đang xây dựng, dự kiến, học sinh sẽ được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng. Cụ thể, thời gian kết thúc năm học là ngày 31/5, thời gian bắt đầu năm học mới sẽ là từ 1/9. Không còn học hè, học thêm, không còn cảnh ngày khai trường chỉ là hình thức… nhưng kỳ nghỉ hè 3 tháng cũng sẽ tạo những tác động không nhỏ đến phụ huynh, giáo viên và hệ thống trường học tư thục trên cả nước.

Nhiều năm rồi, kỳ nghỉ hè của học sinh được "rút gọn" chỉ còn 1 tháng. Sau đó là những ngày "đội nắng" đến trường học hè, đến các lớp học thêm, tham gia các các hoạt động chuẩn bị cho ngày khai trường. Chính vì vậy, dự kiến "trả lại" 3 tháng hè cho học sinh của Bộ GDĐT đã nhận sự hào hứng của nhiều người.

Quãng thời gian quý báu

Nghỉ hè đủ 3 tháng: Kẻ mừng- người lo (bài1): Trả lại mùa hè ý nghĩa cho trẻ nhỏ  - Ảnh 1.

Trẻ em vui chơi trong công viên Cầu Giấy (Hà Nội) khi được nghỉ hè. Ảnh: Lê Hiếu

Nghỉ hè đủ 3 tháng: Kẻ mừng- người lo (bài1): Trả lại mùa hè ý nghĩa cho trẻ nhỏ  - Ảnh 2.

"Tôi từ lâu đã có chủ trương không ép con phải học các môn học nặng về tư duy, tính toán trong thời gian hè mà tập trung cho con được nghỉ ngơi, học kỹ năng sống".

Chị Trần Hà Anh

Mùa hè là khoảng thời gian tốt nhất để chúng ta bù đắp lại những gì mà trẻ không được học ở trường lớp - đó là quan điểm chung được nhiều nhiều phụ huynh và giáo viên chia sẻ.

"Đây là thời gian mà trẻ cần được tham gia vào các công việc bên ngoài trường học như phụ giúp gia đình, tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng sống, bồi dưỡng các môn năng khiếu. Trẻ được đi du lịch cùng bố mẹ, hoặc đưa về quê sống cùng ông bà là một giải pháp tốt trong thời gian hè. Đặc biệt, giúp học sinh tránh xa điện thoại, laptop và các phương tiện truyền thông hiện đại cũng là điều bố mẹ nên tính toán tới"- cô giáo Bùi Thu Hương (giáo viên Trường Tiểu học T.S, TP.Thanh Hóa) chia sẻ.

Vui mừng với thông tin học sinh được nghỉ hè 3 tháng là phản ứng của không ít phụ huynh. Chị Trần Hà Anh (chung cư Lâm Viên, Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học lớp 3 cho biết, công việc của hai vợ chồng đều kín lịch trong quãng thời gian hè, tuy nhiên không vì vậy mà chị phản đối việc cho học sinh nghỉ hè dài hạn: "Tôi từ lâu đã có chủ trương không ép con phải học các môn học nặng về tư duy, tính toán trong thời gian hè mà tập trung cho con được nghỉ ngơi, học kỹ năng sống. Dịp hè là thời gian tôi cho con thoải mái lựa chọn các bộ môn mà con thích, năm ngoái con đã học bơi và bơi khá tốt nên năm nay tôi vẫn sẽ duy trì lịch học bơi của con, nếu vẫn còn thời gian rảnh rỗi có lẽ cả nhà sẽ tổ chức đi du lịch hoặc về quê một tuần cho thoải mái".

Trong khu chung cư nơi chị Hà Anh sống, các gia đình có con nhỏ học cấp 1 đã lên lịch cùng nhau cho các cháu đi học các khóa ngoại khóa cho dễ quản lý. "Quãng thời gian hè theo tôi nếu chỉ tập trung vào việc học tập vì sợ các con quên kiến thức thì thực sự hoang phí. Các con sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc bởi 9 tháng trong năm học thực sự là một "cuộc chiến" với áp lực học tập vô cùng lớn" - chị Hà Anh nói.

Những mùa hè trước, chị Nguyễn Thảo (quận 9, TP.HCM) cũng gửi con (1 bé học lớp 6 và 1 bé 7 tuổi) về quê nội ở Nghệ An. Theo chị Thảo, con được gần gũi ông bà, họ hàng sẽ thêm gắn bó với quê hương, không bị "mất gốc". Chưa kể, khi không sống cùng bố mẹ, 2 con sẽ học được nhiều kỹ năng khác trong ứng xử, sống tự lập hơn.

Nghỉ hè đủ 3 tháng: Kẻ mừng- người lo (bài1): Trả lại mùa hè ý nghĩa cho trẻ nhỏ  - Ảnh 4.

Tham gia lớp học vẽ trong dịp hè để thỏa mãn đam mê là lựa chọn của nhiều học sinh. Ảnh: Lê Hiếu

Anh Phạm Sơn (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, người lớn cần phải chăm sóc con cái thay vì suy nghĩ đẩy cho nhà trường. "Các con nhà mình lớn rồi, nghỉ hè thì ở nhà trông nhau, mình bảo cháu đọc sách, xem phim có phụ đề tiếng Anh, cắm hộ mẹ nồi cơm. Ngoài ra, vẫn phải cho đi học thêm tiếng Anh, đi học guitar 2 buổi/tuần, nhưng bố mẹ cũng không đưa đi được mà gọi xe ôm cho đi. Với mình, thế là ổn"- anh Sơn nói.

Trước những ý kiến cho rằng trẻ sẽ "quên" kiến thức sau kỳ nghỉ hè dài 3 tháng, TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng kỳ nghỉ hè của học sinh tại Việt Nam từ lâu đã bị "biến dạng": "Thực tế trường hợp trẻ quên kiến thức là hiếm. Sự lo ngại này là không có cơ sở". Liên hệ với kỳ nghỉ vì dịch Covid-19 kéo dài sau tết của học sinh, bà Hương cho rằng khi ấy bố mẹ vẫn có thể sắp xếp được, thì với kỳ nghỉ hè tương tự cũng có thể hoàn toàn lo được.

Cần những quy định rõ ràng

Mặc dù nhiều phụ huynh ủng hộ kỳ nghỉ dài của trẻ, nhưng vẫn có những băn khoăn xung quanh việc sắp xếp học hè, ảnh hưởng tới công việc của cha mẹ…

Anh Đào Tiến Huy (tòa nhà SkyPark, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng việc nghỉ hè sau năm học là cần thiết, tuy nhiên kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng liệu có thực sự hợp lý. "Tôi cho rằng kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng là quá "dài hơi" đối với cả trẻ và phụ huynh. Chúng tôi cần rất nhiều thời gian cho công việc, không thể lúc nào cũng "kè kè" bên con cho dù đã hy sinh rất nhiều thời gian riêng để song hành cùng con trong việc học tập cũng như phát triển về tinh thần, thể chất. Nếu con nghỉ 3 tháng hè, chúng tôi buộc sẽ phải đưa con đi học tại các trung tâm, trại hè vừa tốn kém lại vừa không thực sự hiệu quả bởi để kiểm định được chất lượng các trung tâm này rất khó khăn". Anh Huy cho rằng Bộ GDĐT cần phải quy định rõ các lớp học hè được phép tổ chức từ lúc nào, với thời lượng bao nhiêu và kiểm định được về mặt chất lượng.

Kiến nghị thêm, anh Huy bày tỏ nên chăng hãy chia nghỉ hè ra thành 2 kỳ nghỉ nhỏ vào mùa hè và mùa đông, như vậy áp lực lên vai cha mẹ cũng không nhiều và học sinh thì vẫn đảm bảo được việc nghỉ ngơi sau thời gian học trong năm.

Với ý kiến cho con về quê, chị Thùy Vân (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng khả thi hay không là tùy vào điều kiện mỗi gia đình. "Về quê thì nhà neo người, ông bà cũng già rồi, chăm các cháu cũng chỉ được một, hai tuần không thể kéo dài tới cả tháng. Cứ nói là ở quê chứ thực tế các cụ cũng sống ở nơi đông người bụi bặm. Những hiểm họa ở quê như đuối nước, tai nạn giao thông thì không phải là hiếm, không thể đảm bảo các con có một kỳ nghỉ hè nhẹ nhàng, an toàn và vui vẻ được" - chị Vân chia sẻ.

Chị Vân bày tỏ rằng các trường có thể không tổ chức lớp học văn hóa sớm nhưng hoàn toàn có thể là địa điểm để tổ chức các lớp ngoại khóa, hoặc mở cửa thư viện, tổ chức câu lạc bộ cho học sinh tham gia. Đây là một kênh an toàn và dễ phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường bởi mối quan hệ này đã được xây dựng từ trong năm học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem