Nghịch lý: Nông nghiệp là trụ đỡ, đóng góp hơn 15% GDP nhưng tỷ trọng đầu tư chỉ bằng 1,9% GDP

Khương Lực Thứ tư, ngày 10/06/2020 10:06 AM (GMT+7)
Tỷ trọng GDP nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu nền kinh tế đang có xu hướng giảm. Năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% trong khi năm 2015 là 17%.
Bình luận 0

Vốn đầu tư thấp, chưa đạt yêu cầu

Theo số liệu đánh giá của Bộ NNPTNT, trong 10 năm (2008 - 2017) tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông, lâm, thủy sản là 666.000 tỷ đồng, bằng khoảng 1,9% GDP cả nước và bằng 5,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả nước.

(Báo giấy) “Miếng bánh” đầu tư nông nghiệp có tăng? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hương Long - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp hữu cơ Chiềng Xuân (Vân Hồ, Sơn La) trồng 30ha xoài rải vụ với 3 loại quả trên cây, giúp kéo dài thu hoạch tới tháng 8/2020. Ảnh: K.L

Đáng lưu ý, nguồn vốn này có xu hướng giảm (5 năm của giai đoạn 2013 - 2017 lần lượt giảm so với chu kỳ 5 năm liền trước đó là 0,3% và 1,6%), trong khi ngành nông nghiệp vẫn đóng góp 15,34% GDP cả nước vào năm 2017.

Trong khi đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Tính trong 5 năm (2013-2017) vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ tăng 1,4 lần so với 5 năm trước và thấp hơn mức tăng 1,6 lần chung các lĩnh vực của cả nước. "Số này chưa đạt mục tiêu (số cần bổ sung khoảng 306.000 tỷ đồng) của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra là 5 năm sau tăng gấp 2 lần 5 năm trước. Trong khi, việc huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa đạt yêu cầu, nhất là huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách" - Bộ NNPTNT đánh giá.

Trong khi đó, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong những năm vừa qua phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Đó là thiên tai diễn biến bất thường cực đoan trong 4 năm 2016-2019, khiến hơn 1.000 người chết và mất tích; thiệt hại về vật chất lớn nhất trong 40 năm qua, lên tới khoảng 127.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi, rồi đại dịch Covid-19 đã làm sản xuất kinh doanh đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân.

Đầu tư không chỉ nhìn vào tỷ trọng GDP

Đứng trước câu chuyện tỷ trọng GDP nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế có xu hướng giảm dần, có khả năng sẽ xuống dưới 10% vào năm 2030, nhiều ý kiến băn khoăn, liệu "miếng bánh" đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn 5 năm sau có cao gấp đôi 5 năm trước như trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công.

Doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục

tăng mạnh

Năm 2019, cả nước thành lập mới 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,2%. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp. Trong 2 năm (2018-2019), một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư 30 dự án chế biến sâu với tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Phân tích về vấn đề này, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn lưu ý: Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải nhìn ở khía cạnh rộng, đó là vấn đề kinh tế, môi trường, quốc phòng, chứ không phải chỉ là câu chuyện kinh tế. "Không nên nhìn nông nghiệp, nông dân, nông thôn dưới tư cách là đầu tư để phát triển kinh tế. Bởi, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tỷ trọng GDP nông, lâm, thủy sản đóng góp vào cơ cấu kinh tế sẽ giảm dần, có thể xuống còn khoảng 5%" - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, dù tỷ trọng GDP nông, lâm, thủy sản đóng góp vào cơ cấu kinh tế sẽ nhỏ, nhưng khu vực này đang chiếm hơn 40% lực lượng lao động, 65% dân số và 80-90% địa bàn vẫn ở khu vực nông thôn. Toàn bộ các vấn đề môi trường, dịch bệnh, chính trị - xã hội đều nằm ở khu vực nông nghiệp, nông thôn cho nên đầu tư ở đây không chỉ là đầu tư kinh tế, mà là đầu tư ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng để phát triển kinh tế, để giữ được môi trường vững bền trước biến đổi khí hậu, trước dịch bệnh.

(Báo giấy) “Miếng bánh” đầu tư nông nghiệp có tăng? - Ảnh 3.

Trang trại nuôi 160 lợn nái và 1.600 lợn thương phẩm của gia đình bà Cấn Thị Thìn ở Khu 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ), được đầu tư khép kín sản xuất từ con giống tới thương phẩm. Ảnh: K.L

TS Đặng Kim Sơn chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, thế giới coi sự ổn định, bền vững ngang bằng với phát triển kinh tế. "Thế thì không thể coi và so phần đầu tư ấy bằng % GDP được. Thời gian vừa qua, tất cả sự ổn định, không có nông nghiệp thì không có ổn định, rõ ràng không còn nghi ngờ gì nữa.

Không chỉ có vậy, nếu xét về khía cạnh kinh tế, TS Đặng Kim Sơn đánh giá: "Lợi thế đầu tiên của Việt Nam vẫn là nông nghiệp. Qua đại dịch vừa rồi, trong khi khó khăn bao trùm nền kinh tế thực thì nông nghiệp vẫn là ngành xuất khẩu được, cầm cự được".

"Nông nghiệp, nông thôn không phải như trước, tức là lo an ninh lương thực, cung cấp tài nguyên cho đô thị mà giờ là chỗ ổn định chính trị - xã hội, là lợi thế của đất nước và là nền tảng để chuyển đổi kinh tế trong tương lai. Cho nên phải đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn - tức là đầu tư cho đất nước, đầu tư cho chính công nghiệp, đô thị".

TS Đặng Kim Sơn

Tuy nhiên, hiện chưa có gì đột phá trong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngoài một số chính sách thực hiện Nghị quyết 120 và chương trình nông thôn mới. Trong khi đó, nông dân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hay trồng trọt đều gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên họ khó có điều kiện tái sản xuất, mở rộng đầu tư. TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện đang có những cái nhìn mới về nông nghiệp, nông thôn và có nhiều xu hướng mới trong phát triển, nhưng để thực hiện được thì không đơn giản, đòi hỏi cả một quá trình gian khó.

"Trước kia nói đến nông nghiệp là nói đến tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng với cái nhìn nông nghiệp đem lại sản phẩm không chỉ để tồn tại, để sống mà được nhìn nhận với giá trị dinh dưỡng, thậm chí để làm đẹp. Cùng với đó, bây giờ nông nghiệp như một chuỗi sản xuất, liên quan tới chế biến thực phẩm, gắn với phân phối, xây dựng thương hiệu. Với cách nhìn mới này, nông nghiệp vẫn có thể là một ngành, lĩnh vực đem lại tốc độ không chỉ nhiều giá trị gia tăng mà tốc độ cao hơn" – ông Thành nói.

Theo TS Võ Trí Thành, con số tiêu dùng sản phẩm thực phẩm (cả chế biến) trên thế giới vào khoảng 15.000 tỷ USD. Đây là mảnh đất màu mỡ, rất hấp dẫn để khai thác trong tương lai. Thêm vào đó, lối sống, cách thức tiêu dùng xanh, sạch, an toàn gắn với dịch vụ du lịch sẽ là xu hướng chủ đạo, chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Những cách nhìn mới trên đã dẫn tới những thay đổi trong cách thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với tới cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao… để tạo ra những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem