Nghiên cứu nguồn gen cây trồng đường phố tại Đà Lạt, đó là những cây gì?

Văn Long Thứ sáu, ngày 11/02/2022 10:39 AM (GMT+7)
Các đơn vị nghiên cứu đã xác định được vùng phân bố, đặc điểm sinh lý, sinh thái học, nhân giống thành công nhiều loài cây triển vọng như đa tử trà hương, đa tử trà Bidoup, thích núi cao... để trồng trên đường phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bình luận 0

Phát triển các nguồn gen có giá trị

Giữa năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu khai thác, phát triển các nguồn gen có giá trị ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng sẽ khai thác, phát triển nhanh các nguồn gen có giá trị làm cảnh như cây lá phong, cây đa tử trà và cây đỗ quyên. Những loại cây này sẽ được phục vụ làm cây trồng đường phố tại TP.Đà Lạt.

tannien/Nghiên cứu nguồn gen cây trồng đường phố tại Đà Lạt - Ảnh 1.

Tỉnh Lâm Đồng sẽ khai thác, phát triển nhanh các nguồn gen có giá trị làm cảnh như cây lá phong, cây đa tử trà và cây đỗ quyên. Trong ảnh: Cây đa tử trà hương

Lâm Đồng là tỉnh được đánh giá cao về sự đa dạng sinh học hệ sinh thái, đa dạng về loài và đa dạng về nguồn gen, có trên 60% diện tích tự nhiên là rừng với nhiều kiểu thảm thực vật. Nguồn tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng nhưng hiện nay nguồn gen đang bị suy thoái nghiêm trọng và nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng do các nguyên nhân như: Khai thác trái phép và quá mức, phá rừng làm nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... 

Vì vậy các cơ quan quản lý tại Lâm Đồng đang xây dựng và triển khai sớm các kế hoạch, các nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen để sử dụng hiệu quả và phát huy cao nhất giá trị nguồn gen của tỉnh.

tannien/Nghiên cứu nguồn gen cây trồng đường phố tại Đà Lạt - Ảnh 2.

Cây đa tử trà Hương (phải) có thể cao đến 3m, ra hoa quanh năm và hoa đỗ quyên (trái) đang được nghiên cứu để trồng tại đường phố Đà Lạt. Ảnh Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cung cấp. Ảnh: V.L

Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen tỉnh giai đoạn 2021-2025 có kinh phí nghiên cứu khoảng 8,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh khoảng 6,5 tỷ đồng, kinh phí đối ứng thực hiện đề tài bảo tồn nguồn gen cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh là 2 tỷ đồng.

Theo tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện đề án khung quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh (2013-2019) và chia sẻ nguồn gen do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Việt Nam có khoảng 1.400 loài thực vật bậc cao, đứng thứ 16 thế giới về đa dạng sinh học. 

Nếu tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu này để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống sẽ tạo nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Ngoài ra, trong thời gian qua, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đã góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của tỉnh như: Nghiên cứu tuyển chọn nhân giống 21 loài trà mi bản địa, tuyển chọn 2 loài thông caribe và bạch tùng bổ sung tập đoàn cây trồng rừng kinh tế tại tỉnh...

Nhân giống thành công

Nói về việc thực hiện đề án bảo vệ nhiều nguồn gen thực vật quý tại Lâm Đồng để phát triển kinh tế địa phương, ông Trương Quang Cường - cán bộ nghiên cứu khoa học Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà cho biết: "Ý tưởng nghiên cứu khoa học trên do Vườn quốc gia Bidoup- Núi Bà đề xuất phối hợp cùng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thực hiện. 

Hiện nay, đơn vị đã điều tra xác định vùng phân bố, đặc điểm sinh lý, sinh thái học của từng loài và cũng đã nhân giống thành công những loài triển vọng như: Đa tử trà hương, đa tử trà Bidoup, thích núi cao (Acer cambell), đỗ quyên… Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã nhân giống thành công hàng ngàn cây mỗi loài đang trong quá trình theo dõi, chăm sóc để nhân rộng phục vụ công tác nghiên cứu đề tài khoa học này".

Trong các loại cây nói trên, đa tử trà hương là loại cây đặc hữu của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Loại cây này cũng được giới chơi cây cảnh rất thích vì có giá trị thẩm mỹ cao, ra hoa quanh năm. Việc nhân giống loại cây này vừa đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh của người dân, vừa góp phần bảo tồn cây đặc hữu đặc biệt này. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem