Người cha thắp sáng hy vọng cho 300 trẻ mồ côi

Minh Hoàng Thứ hai, ngày 04/12/2023 06:06 AM (GMT+7)
Bằng tình thương yêu và sự sẻ chia, cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt (SN 1952) vẫn luôn miệt mài trên hành trình thắp sáng hy vọng khi nhận nuôi dưỡng hơn 300 trẻ mồ côi suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Bình luận 0

“Mỗi khi nhận một đứa trẻ dù ở hoàn cảnh nào, chúng tôi đều quyết tâm làm mọi cách để lo cho các cháu ăn học, dạy bảo đến nơi đến chốn” - Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Trung Chắt - Giám đốc của 3 trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập tại Hưng Yên và Lạng Sơn.

Người viết tiếp những trang đời tươi đẹp

Ông Nguyễn Trung Chắt gia nhập Bộ đội Biên phòng phục vụ Tổ quốc tại biên giới tỉnh Lạng Sơn khi chưa bước sang tuổi 20. Năm 1983, ông chuyển công tác về Tổng cục An ninh trực thuộc Bộ Công an Việt Nam. Sau đó, đến năm 1997, ông nghỉ hưu, trở về làm kinh tế để chăm lo, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho gia đình.

Sau thời gian ổn định điều kiện sống cho gia đình, con cái đã trưởng thành, được học hành đầy đủ và có công ăn việc làm, ông bắt đầu nghĩ đến việc dành thời gian, tiền bạc để giúp đỡ những đứa trẻ còn khó khăn hơn.

Người cha thắp sáng hy vọng cho 300 trẻ mồ côi - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt thành lập Trung tâm Hy vọng sau khi nghỉ hưu.

“Tôi rất xót xa khi nhìn thấy các bé không còn bố mẹ thường sẽ bỏ học, lang thang rồi trộm cắp. Vì thế tôi muốn về quê giúp bọn trẻ mồ côi được ăn học, đỡ phạm vào các tệ nạn xã hội. Ở nhà không được ăn no mặc ấm, bố mẹ mất rồi, các con có thể đến trung tâm như một mái nhà thứ hai. Đây sẽ là nơi chăm sóc các con phát triển toàn diện cả về mặt tinh thần và thể chất”, ông Chắt chia sẻ về động lực thôi thúc ông thành lập nên Trung tâm Hy vọng.

Năm 2002, ông về quê thành lập Trung tâm Hy vọng đầu tiên tại huyện Tiên Cầu, tỉnh Hưng Yên. “Trung tâm đầu tiên mà tôi mở là ở dưới quê, tuổi già rồi nên cũng muốn ‘lá rụng về cội’, trở về nơi mình được sinh ra”, ông Chắt chia sẻ.

Lần lượt vào năm 2004 và 2007, 2 cơ sở Trung tâm Hy vọng tiếp theo tại huyện Lộc Bình và huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục được ông dày công xây dựng. Sau hơn 20 năm, “người cha già” đã nuôi lớn hơn 300 trẻ bất hạnh, trong đó có nhiều em đã trưởng thành, được học cao đẳng, đại học, có người trở thành thạc sĩ, được ông lấy vợ gả chồng.

Người cha thắp sáng hy vọng cho 300 trẻ mồ côi - Ảnh 2.

Những đứa trẻ mồ côi được chính quyền địa phương lập hồ sơ giới thiệu tới trung tâm, ông Chắt sẽ trực tiếp đi xác nhận hoàn cảnh và đón các bé về nuôi dưỡng.

Ở trung tâm, mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng phần lớn các em đều mô côi cha mẹ. “Có em 14 tuổi rồi còn chưa được đi học lớp 1”, ông Chắt xót xa chia sẻ. Những đứa trẻ thiếu đi tình yêu thương, sự chăm sóc, có điều kiện sống khó khăn được ông bao dung đón về nuôi nấng, dạy dỗ. Đúng với tên gọi, trung tâm đã trở thành mái ấm ươm mầm hy vọng, là gia đình, là nơi mà các em luôn được người cha yêu thương, che chở.

Ông Chắt yêu thương, quan tâm từng em nhỏ trong trung tâm như con ruột của mình. Tình cảm ông dành cho các em đã nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân, các cơ quan đoàn thể. Trung tâm thường xuyên nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, gom góp từ những vật dụng nhỏ nhất như bánh xà phòng, tạ gạo, thùng mì tôm,... Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, tinh thần tương thân tương ái luôn bao trùm Trung tâm Hy vọng.

Nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các cơ quan đoàn thể cũng như sự ủng hộ, động viên của toàn xã hội, dường như gánh nặng trên vai người cha cũng đã nhẹ bớt. Chị Đỗ Thị Hậu (SN 1981), Hội trưởng Hội Thiện Nguyện Hữu Lũng chia sẻ: “Lúc chú Chắt mới xây trung tâm ở huyện thì Hội đã hỗ trợ một chút công, một chút của. Các năm đến dịp lễ Tết, Hội đều có những phần quà cho các con, tổ chức buổi ca nhạc để động viên tinh thần cho các con.”

Với chị Hậu, ông Chắt là người cha “có tấm lòng bao la, cao cả như Bồ tát mới có thể nuôi nấng, yêu thương, coi tất cả các em như con ruột như vậy được”.

img
img

Hội Thiện Nguyện Hữu Lũng phối hợp tổ chức Tết Trung Thu cho các em nhỏ tại Trung tâm Hy vọng Hữu Lũng - Lạng Sơn.

“Nuôi thì dễ, dưỡng mới là khó”

Với ông Chắt, việc nuôi các em nhỏ thì không khó nhưng hoàn cảnh của các em có nhiều thiệt thòi, xuất phát điểm của các em không được tốt, còn chưa được tiếp xúc nhiều với con chữ nên việc phải tìm ra biện pháp giáo dục các em thành người mới thật sự quan trọng.

Ông kể: “Tôi hay ngồi trò chuyện với các cháu, có làm sai thì đưa ra phân tích, hướng dẫn, dạy dỗ. Các cháu là những hoàn cảnh đặc biệt, hay mặc cảm nên phải coi trọng vấn đề tâm lý giáo dục. Phê bình thì không phải gọi lên kiểm điểm mà có khi phải đạp xe chở lên chợ mua cái bánh, vừa đi vừa nói chuyện, phân tích, lấy ví dụ để giáo dục. Cái này không có trong sách vở được mà phải linh hoạt trong cách quản lý giáo dục”.

Người cha thắp sáng hy vọng cho 300 trẻ mồ côi - Ảnh 4.

Những đứa trẻ được ông Chắt nhận nuôi không chỉ nhận được tình yêu thương mà còn được phát triển trong sự quản lý giáo dục toàn diện từ ông.

Ông Chắt đã sáng tạo trong cách giáo dục, vừa giúp đảm bảo các em được học về ý thức lao động, vừa có thực phẩm để đảm bảo cuộc sống hằng ngày: “Rau thì mua hạt rồi mấy đứa trẻ con tự trồng lấy ăn, vậy là vừa có giá trị về mặt thực phẩm nhưng đồng thời cũng huấn luyện cách lao động và hưởng thụ kết quả. Ăn trứng thì tự nuôi gà, nuôi vịt, chăm đến ngày đẻ. Ngoài thời gian học ở trường thì về nhà lấy bèo, nấu cám cho lợn, cho gà ăn để sau lấy thịt làm thực phẩm.”

Được đón vào trung tâm từ năm 11 tuổi, anh Ngô Quốc Hưng (SN 1992) - một trong những người con đầu tiên bước ra từ mái ấm Hy vọng - đã sang trang mới của cuộc đời. Dưới sự chăm sóc, chỉ dạy của ông Chắt, anh Hưng tiếp tục được đi học cho đến hết cấp 3, sau đó thi đỗ trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Luôn biết ơn người cha luôn sẵn sàng hy sinh để cho mình được ăn học và trưởng thành, anh Hưng đã quyết định quay trở lại và tiếp bước ông Chắt quản lý Trung tâm Hy vọng. “Khi còn bé, mỗi lần gặp khó khăn, tuyệt vọng tôi đều được bác Chắt giúp đỡ, cho ăn học nên người. Vì vậy bản thân tôi cũng cần phải có trách nhiệm đối với đại gia đình Hy vọng. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi giúp đỡ được chính các em ở trung tâm, đỡ đần công việc để bác bớt đi những nỗi vất vả”.

img
img

Ông Nguyễn Trung Chắt đã nhiều lần nhận được bằng khen với những đóng góp, cống hiến cho xã hội qua các Trung tâm Hy vọng trong suốt hơn 20 năm qua.

Khi sức mạnh của tình yêu được lan toả

Đối với ông Chắt, để có thể vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng, phát triển trung tâm được như hiện nay còn nhờ sự cố gắng, quan tâm từ các cấp chính quyền. Chị Vũ Thị Liên (SN 1967), Nguyên Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, một trong những người đồng hành cùng ông Chắt chia sẻ:

“Cơ quan quản lý nhà nước có trợ cấp cho các cháu ở trung tâm. Ngoài ra các nhà hảo tâm, các cơ quan đoàn thể trong tỉnh rất hay quan tâm, đến tặng quà. Để nói có được người như bác Chắt thì cực kỳ hiếm, thật sự vô cùng thương yêu các bé như là con ruột. Để hoạt động được cả trung tâm cũng cần sự giúp đỡ rất lớn từ cả cộng đồng nữa.”

Người cha thắp sáng hy vọng cho 300 trẻ mồ côi - Ảnh 6.

Anh Hưng đã thành công trên con đường học vấn và đã quyết định trở lại hỗ trợ quản lý Trung tâm Hy vọng Lộc Bình và Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn.

Anh Hoàng Văn Đạt (SN 1980) - Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Quá trình hoạt động của trung tâm đã giúp đỡ cho rất nhiều các cháu có hoàn cảnh khó khăn, giúp các cháu được tiếp tục học tập để vươn lên. Hiện giờ, có nhiều cháu sau khi được nuôi dưỡng và học tập thì đến nay đã trở lại trực tiếp phục vụ cho trung tâm.”

Đối với ông Chắt, món quà lớn nhất mà ông nhận được qua suốt hơn 20 năm tần tảo, chăm lo cơm ăn áo mặc, bồi dưỡng tri thức cho các con chính là được thấy những đứa bé nay đã lớn khôn, thành tài. Dù đã có tuổi, ông vẫn luôn đau đáu: “Tôi luôn tranh thủ từng ngày từng giờ, còn khỏe còn thời gian thì cố gắng làm gì đó để sau này các anh chị đã lớn quay trở lại có điều kiện để duy trì hoạt động trung tâm”.

Gần một nửa cuộc đời dành để phục vụ Tổ quốc, nửa còn lại không ngừng nghỉ mà tiếp tục giúp ích cho xã hội. Tấm gương ông Nguyễn Trung Chắt cùng mái ấm Hy vọng đã thắp lên tình yêu thương, sự sẻ chia cho hơn 300 trẻ em mồ côi và sẽ còn nhiều hơn thế. Giúp các em tiếp tục viết nên những trang đời mới, đóng góp những sắc màu tươi đẹp cho cuộc đời đầy hương sắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem