Người dân làng quất Tứ Liên chia sẻ bí quyết tạo ra những cây bon sai với hình dáng “cực độc”

Kiều Trang - Kim Nhung Thứ sáu, ngày 05/01/2024 13:00 PM (GMT+7)
Dù còn gần 30 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng thị trường quất cảnh bon sai tại làng nghề Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã vô cùng nhộn nhịp. Nhiều cây đã được đặt tiền trước hai tháng.
Bình luận 0

Làng Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng quất cảnh. Hiện tại, làng Tứ Liên có khoảng 400 hộ trồng quất với tổng diện tích lên tới 20ha.

Cây quất bon sai được ưa chuộng

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đến đầu tháng 1/2024, quất Tứ Liên bắt đầu ngả vàng và đã được chuyển vào bình, tạo thế, sẵn sàng cung ứng ra ngoài thị trường để phục vụ Tết Nguyên đán 2024. Vào các ngày nghỉ hoặc ngày cuối tuần, đặc biệt là thời điểm Tết dương lịch, làng quất Tứ Liên đón hàng nghìn người đến xem và mua quất từ sớm. 

Người dân làng quất Tứ Liên chia sẻ bí quyết tạo ra những cây bon sai với hình dáng “cực độc”- Ảnh 1.

Vườn quất Tứ Liên đã sẵn sàng cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.


Cũng như mọi năm, các chủ vườn luôn trồng đa dạng các loại quất để đáp ứng nhu cầu cho khách chơi dịp Tết như quất thế, quất tròn, quất bon sai mini... Đặc biệt, trong những năm gần đây, những cây quất bon sai với nhiều dáng độc lạ, bắt mắt được khách hàng yêu thích hơn cả. 

Ông Phạm Duy Thắng (chủ vườn quất Thắng Nga tại làng Tứ Liên) cho hay, những năm gần đây, khách hàng tìm tới vườn quất chủ yếu hỏi mua cây quất bon sai. "Cây quất bon sai có tính thẩm mỹ cao, dễ dàng vận chuyển mà giá thành lại thấp hơn nhiều so với các chậu quất thông thường. Chính vì vậy, rất nhiều người dân, khách hàng yêu thích, đặt mua từ sớm trước 2 tháng", ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, thị trường quất cảnh năm nay không có nhiều biến động so với các năm trước. Với tâm lý "Tết phải có cây quất, cây đào trong nhà mới có không khí" nên nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chi một khoản tiền cho những cây quất bon sai kiểu dáng hấp dẫn, giá tiền từ 500.000 nghìn đồng đến cả chục triệu đồng.

Người dân làng quất Tứ Liên chia sẻ bí quyết tạo ra những cây bon sai với hình dáng “cực độc”- Ảnh 2.

Chủ vườn quất đang chăm sóc, tưới nước cho cây.

Với những cây quất thế to, đẹp thường được doanh nghiệp chọn mua về đặt ở công ty chơi dịp Tết. Còn những cây quất quả tròn, lá tốt người dân đã đặt trước, gần đến tết không còn nhiều cây đẹp.

Kỳ công chăm sóc cây quất bon sai

Ông Trần Văn Sản (54 tuổi, chủ vườn quất Anh Sản tại làng Tứ Liên) cho hay, cây quất bon sai từ lâu đã gây ấn tượng với gốc cổ thụ và kiểu dáng đẹp. Để đánh giá một cây quất bon sai đẹp, trước tiên là dáng phải "cổ quái", cây đủ quả xanh, quả chín, lộc, hoa. Hiện nay nhiều chủ vườn đã dày công uốn những cành quất thế thành đủ dáng hình độc đáo, bắt mắt.

"Công việc uốn cành này đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao nên thường sẽ được giao cho những người thợ lành nghề. Ngoài uốn cành, tạo dáng cho cây, những chậu trồng quất bon sai cũng được lựa chọn tỉ mỉ, mang nhiều yếu tố phong thủy", ông Sản bộc bạch.

Người dân làng quất Tứ Liên chia sẻ bí quyết tạo ra những cây bon sai với hình dáng “cực độc”- Ảnh 3.

Cây quất bon sai được trồng trong chum.

Ông Sản cho biết thêm, việc chăm sóc quất bon sai cũng khá kỳ công, đòi hỏi người trồng quất phải có niềm đam mê, yêu thích. Quất bon sai được đưa vào chậu để uốn tỉa, tạo dáng và chăm sóc ngay từ khi cây chưa ra hoa, quả. Để hoàn thiện được một dáng cây quất đẹp, đúng ý người chơi phải mất từ 2 – 3 năm, thậm chí có những dáng phải mất tới 4 năm.

"Chậu đựng quất bon sai thường không chứa nhiều đất nên phải cung cấp chất dinh dưỡng, tưới nước làm nhiều lần và thường phải bón phân định kỳ cho cây một tháng khoảng 2 – 3 lần. Ngoài ra, người trồng cũng phải lưu ý nhìn lá quất để biết cây đã đủ chất dinh dưỡng hay chưa.

Nếu lá không xanh, mượt tức là cây thiếu dinh dưỡng, cần phải bổ sung phân. Ngoài ra, vào thời điểm tháng 6, nếu như muốn ươm cho cây có đủ 2 loại quả là quả chín và quả xanh, có hoa và nhiều lộc thì khi đảo quất cần để trong bóng râm khoảng 1 tuần cho lá héo gần một nửa thì mới đem trồng lại", ông Sản chia sẻ.

Người dân làng quất Tứ Liên chia sẻ bí quyết tạo ra những cây bon sai với hình dáng “cực độc”- Ảnh 4.

Nhiều cây quất bon sai được tạo dáng, thế đẹp mắt.

Đến thời điểm hiện tại, các chủ vườn đã tất bật vận chuyển những gốc quất thế ra trưng bày và loại bỏ những lá sâu, quả nhỏ không đạt chất lượng. Mỗi gia đình chủ vườn dự kiến đưa ra thị trường hơn 500 gốc quất để phục vụ người dân dịp cuối năm.

Tại làng quất Tứ Liên, dù chưa sát Tết nhưng chị Nguyễn Thanh Huyền (ở quận Hai Bà Trưng) vẫn tranh thủ đến tận vườn chọn mua cho gia đình những cây quất bon sai đẹp nhất để trang trí cho dịp Tết Nguyên đán này. 

Theo chị Huyền, đi mua sớm sẽ có nhiều cây đẹp, giá cả phù hợp để lựa chọn. "Mặc dù năm nay nền kinh tế khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng mua một số cây quất để trưng bày cho có không khí", chị Huyền nói và cho hay, chị cũng dự định sẽ chọn quất bon sai mini để làm quà tặng bạn bè, người thân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem