Người đàn ông Hà Lan sát hại vợ người Việt ở Đà Lạt, theo quy định xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 04/05/2023 15:17 PM (GMT+7)
Kenter JacoBus Johansen, quốc tịch Hà Lan, bị cáo buộc sát hại vợ người Việt. Với hành vi này, nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Sát hại vợ người Việt

Tối ngày 2/5, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ được nghi phạm Kenter JacoBus Johansen (63 tuổi, quốc tịch Hà Lan), người đã sát hại vợ người Việt chỉ sau khoảng 4 tiếng gây án.

Người đàn ông Hà Lan sát hại vợ người Việt ở Đà Lạt có thể bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Công an tỉnh Lâm Đồng lấy lời khai của nghi phạm sát hại vợ người Việt tại TP Đà Lạt. Ảnh: NH.

Làm việc với cơ quan công an, Johansen khai nhận đến Việt Nam từ năm 2006. Năm 2010, nghi phạm kết hôn với bà L.T.D.

Trưa 2/5, Johansen cùng vợ là bà L.T.D., con gái là chị T. (25 tuổi) và các cháu đi ăn tại nhà hàng ở TP Đà Lạt. Trong lúc ăn, bà D. thường xuyên sử dụng điện thoại, không tập trung vào bữa ăn khiến Johansen phải nhiều lần nhắc nhở.

Hai người sau đó phát sinh cãi vã, ông Johansen được chị T. sử dụng xe máy chở về nhà trước. Khoảng 2 tiếng sau, bà D. trở về nhà, chị T. có công việc phải đi ra ngoài.

Gặp nhau, bà D. và ông Johansen tiếp tục xảy ra cãi vã, trong đó có nội dung đề cập tới vấn đề phân chia tài sản.

Không giữ được bình tĩnh, trong cơn cuồng nộ, Johansen chạy xuống phòng bếp lấy 2 con dao lên đâm nhiều nhát vào người bà D. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Sau đó, nghi phạm dùng xe máy chạy ra khỏi nhà, mang theo 4 con dao (có 2 con dao đã gây án). Khi đang rút tiền tại 1 cây ATM tại phường 1, TP Đà Lạt thì bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam bị xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, nghi phạm là người nước ngoài, sinh sống, làm việc tại Việt Nam và thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

Bởi vậy, theo quy định, trường hợp này sẽ căn cứ vào Bộ luật hình sự của Việt Nam để xử lý, trừ trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.

Ông Cường cho biết, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, nghi phạm không mang thân phận ngoại giao, chỉ là người làm việc và có kết hôn với người Việt Nam, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nên vụ việc này sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

Vì vậy, với diễn biến sự việc như trên, đã có đủ căn cứ để xử lý nghi phạm về tội giết người, theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự. Nếu bị chứng minh có tội, nghi phạm có thể đối mặt với mức chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

"Trong trường hợp áp dụng hình phạt tù có thời hạn, nghi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất sau khi chấp hành xong án phạt tù ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự" – vị chuyên gia thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem