Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử?

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 20/05/2021 15:15 PM (GMT+7)
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cũng như các nơi khác, người dân ở xóm ngụ cư ven sông Hồng, Hà Nội, mang nhiều kỳ vọng.
Bình luận 0

Mong đại biểu gần dân, có kế sách tạo nhiều việc làm cho người dân

Trưa 20/5, gần 3 ngày nữa sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Lật dở tấm thẻ cử tri cùng danh sách những đại biểu ứng cử trên tay, bà Lê Thị Hoa (SN 1968, ở xóm ngụ cư ven sông Hồng, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội) vô cùng háo hức chờ đợi. 

Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử? - Ảnh 1.

Bà Hoa ở xóm ngụ cư sông Hồng chờ đợi đến ngày đi bầu cử.

Bà Hoa cùng hơn 30 hộ dân với khoảng 120 nhân khẩu sinh sống dưới bãi giữa sông Hồng hàng chục năm nay. Đây là những người ở tứ xứ về Thủ đô để kiếm sống. Họ sinh sống trong những căn nhà được níu bằng phao, thùng phi quanh năm chông chênh dưới mặt nước.

Bà Hoa cho biết đã sinh sống tại bãi giữa sông Hồng gần 20 năm nay. Những ngày qua, chính quyền phường thường xuyên phát loa tuyên truyền người dân hướng tới ngày bầu cử. Lực lượng công an phường sang tận nơi tuyên truyền phát thẻ cử tri, giấy khai báo y tế cho người dân. 

Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử? - Ảnh 2.

Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử? - Ảnh 3.

Bà Hoa cùng mọi người đã được phát đầy đủ thẻ cử tri.

"Mặc dù dịch bệnh Covid-19 nhưng Nhà nước rất quan tâm tới những cử tri như chúng tôi. Chúng tôi được tuyên truyền nhắc nhở để làm sao lựa chọn những đại biểu gần dân, có kế sách tạo nhiều việc làm cho người dân. 

Tôi mong thế hệ lãnh đạo trong tương lai sẽ quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt với những người sống dưới bãi sông Hồng như chúng tôi. Do cuộc sống tha hương, không người thân thích. Chúng tôi cũng không còn quê hương, người thân để về. Bao năm qua tôi tạm trú dưới bãi sông không giấy tờ tuỳ thân", bà Hoa chia sẻ.

Bà Hoa mong ước, chính quyền sẽ "lắng nghe" ý kiến người dân để những người "không có nhà, không hộ khẩu" như bà ít nhất được hỗ trợ làm Căn cước công dân để "đường đường chính chính" được mọi người công nhận.

Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử? - Ảnh 4.

Bãi giữa sông Hồng hiện có hơn 100 nhân khẩu sinh sống.

"Chúng tôi không có bất kỳ giấy tờ tuỳ thân gì. Ngày ngày ai thuê gì làm nấy với số tiền công hơn 100.000 đồng/ngày. Số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống của mấy mẹ con. Nhiều lúc ốm đau không dám đi viện. Tôi mong những đại biểu tương lai sẽ gần dân, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng để có thể giúp chúng tôi có Căn cước công dân, từ đó tôi có thể mua được bảo hiểm y tế phòng lúc ốm đau", bà Hoa chia sẻ thêm.

Tiếp lời bà Hoa, Lê Anh Ngọc (22 tuổi, con gái bà Hoa) cũng chia sẻ mong muốn sẽ lựa chọn được những vị đại biểu có tâm, có tầm, xứng đáng trong ngày bầu cử đang cận kề.

Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử? - Ảnh 5.

Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử? - Ảnh 6.

Danh sách các đại biểu ứng cử được dán tại những khu vực người dân dễ quan sát.

"Tôi đã đọc và nắm kỹ danh sách đại biểu ứng cử. Tôi mong các đại biểu sẽ gần dân, lắng nghe nguyện vọng, những điều nhân dân cần. Tôi sống dưới bãi sông Hồng cùng mẹ từ khi còn nhỏ. Bao năm qua tôi chỉ có mong ước sau sẽ được làm Căn cước công dân để có thể tìm một công việc gì phổ thông làm. Tuy nhiên, nhiều năm nay tôi không có bất kỳ giấy tờ gì ngoài giấy khai sinh", Ngọc thành thật kể.

Sau khi học hết lớp 9, Ngọc đi làm thêm cho một người quen biết buôn bán quần áo ở Bắc Giang. Thế nhưng, không có giấy tờ tuỳ thân khiến cô luôn sống trong "lo sợ, e ngại" vì không có nơi ăn chốn ở cố định.

"Không có giấy tờ tuỳ thân nên không thể đăng ký tạm trú tạm vắng được. Nhiều lúc tôi đi làm nghe tin công an đến kiểm tra tạm trú toàn phải bỏ đi, rất khổ. Hai vợ chồng lấy nhau nhưng không có chứng minh thư, hộ khẩu hay tạm trú nên không làm được thủ tục đăng ký kết hôn. Con gái tôi mới sinh được 2 tháng cũng chỉ có giấy chứng sinh, sau này chưa biết tương lai cháu thế nào", Ngọc lo lắng. 

"Chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày hội toàn dân"

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đăng Được (75 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố xóm làng chài) cho biết, trong đợt bầu cử lần này, tại khu vực ông đang quản lý hiện có hơn 40 cử tri đăng ký bầu cử tại đơn vị bầu cử phường Ngọc Thụy. 

Tất cả hộ dân tại đây đều ở dạng đăng kí tạm trú tại địa phương. Những thông tin về bầu cử thường xuyên được cán bộ của phường xuống tận nơi tuyên truyền để các hộ dân tại đây nắm bắt đầy đủ.

Người dân sống hàng thập kỷ ở bãi giữa sông Hồng kỳ vọng gì trước ngày bầu cử? - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Đăng Được mong những vị đại biểu được người dân tin tưởng lựa chọn trong nhiệm kỳ sắp tới sẽ có những quyết sách đúng đắn trong sự phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị…

"Xóm ngụ cư là xóm đặc biệt, thực sự rất đặc biệt. Chúng tôi mong những vị đại biểu được người dân tin tưởng lựa chọn trong nhiệm kỳ sắp tới sẽ có những quyết sách đúng đắn trong sự phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị… Bà con rất háo hức đến ngày được đi bầu cử. Tôi thấy các đại biểu toàn những người lớp trẻ năng động, có tài, đức. Chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày hội toàn dân", ông Được chia sẻ.

Theo ông Được, đi bầu cử để lựa chọn những đại biểu ưu tú bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, ông mong muốn và gửi gắm tới các ứng cử viên cần phấn đấu, làm tốt trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân và thực hiện đúng nội dung chương trình hành động đã hứa trước cử tri.

Ông Được mong muốn, những đại biểu được nhân dân bầu ra phải vừa có đức vừa có tài, gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, đặc biệt là những người nông dân như ông và người dân ở khu vực bãi giữa này.

Ông Thẩm Bá Phước - Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo bầu cử phường Ngọc Thụy cho hay, đối với khu vực xóm Phao và khu vực bãi giữa sông Hồng với hơn 70 cử tri, phường đã bố trí thuộc khu vực bầu cử số 2, với tổng số cử tri là 2.136 người.

Theo ông Phước, do khu vực này nằm ở dưới bãi bồi sông Hồng không có hệ thống loa truyền thanh nên phường cũng đã cử các cán bộ xuống tận nơi tuyên truyền, phát tờ rơi thông tin liên quan tới bầu cử cho cử tri ở đây. Ngoài ra, ban chỉ đạo vẫn thường xuyên cập nhập danh sách để có thể đảm bảo quyền bầu cử cho các cử tri trên địa bàn phường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem