Người mẹ hạnh phúc khi sống khỏe mạnh với lá gan do con trai hiến tặng

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 25/11/2023 06:04 AM (GMT+7)
Sau 6 năm được ghép gan do con trai tặng, bà Phạm Phương Thanh luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sống và được yêu thương.
Bình luận 0

"Tôi thực sự có phúc"

Bà Phạm Phương Thanh (sinh năm 1962, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là ca ghép gan đầu tiên của Bệnh viện Quân đội 108, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong kỹ thuật ghép tạng của bệnh viện. 

Bà Thanh chia sẻ, từ năm 2008, toàn thân của bà bỗng nhiên ngứa ran, cào xước hết cả người. Tuy nhiên, bà không nghĩ mình bị bệnh gan, chỉ cho rằng mình ăn đồ nóng nên bị nóng trong người, dẫn đến ngứa ngáy. 

Bà chỉ mua thuốc bôi chống ngứa và ăn, uống đồ mát để điều chỉnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh ngày càng nặng lên và đến năm 2017, bà mới được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan mật nguyên phát. 

Người mẹ hạnh phúc, sống khỏe mạnh với lá gan do con trai hiến tặng - Ảnh 1.

Bà Phạm Phương Thanh (sinh năm 1962, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là ca ghép gan đầu tiên của Bệnh viện Quân đội 108 vào năm 2017. Ảnh Diệu Linh

Đến lúc đó, bệnh đã rất nặng, mặt bà xạm đen, sức khỏe yếu đi rất nhanh, bác sĩ chẩn đoán sự sống chỉ tính từng ngày, từng giờ. Lúc này, cách duy nhất để cứu được bà là ghép gan và tốt nhất là ghép gan từ người cho sống là người thân trong gia đình. 

"Rất cảm động khi anh chị em, con cháu đều đến làm xét nghiệm và rất vui là mọi người đều hợp, cùng nhóm máu. Anh trai tôi đã nhập viện để sẵn sàng hiến gan cho tôi. 

Tuy nhiên, con trai tôi, lúc đó 26 tuổi "nằng nặc" được hiến gan cho mẹ vì các bác đều đã có tuổi, hơn nữa gan của con là tốt nhất. Cháu bảo: "Mẹ lấy gan của con dù có rủi ro gì cũng sẽ không nuối tiếc gì. Nếu lấy gan của các bác, mẹ sẽ phải suy nghĩ". 

Lúc đó, tôi cũng trăn trở lắm vì cháu là trụ cột trong gia đình. Chồng tôi tôi trước đó cũng từng ghép thận. Tuy nhiên, con tôi nhất quyết được hiến gan cho mẹ", bà Thanh tâm sự. 

Ngày 10/7/2017, bà Thanh được tái sinh một lần nữa với 60% lá gan phải được lấy từ chính con trai ruột. Sau 6 năm ghép gan, bà Thanh sống khỏe mạnh, vui vẻ. Con trai bà hiện đang là cán bộ Tòa án, béo tốt, sức khỏe không quá bị ảnh hưởng sau khi hiến gan cho mẹ.

Bà Thanh tràn ngập hạnh phúc khi được chứng kiến con trai lấy vợ, sinh con, được làm mẹ chồng, làm bà nội, mỗi ngày vui vầy bên con cháu. 

Người mẹ hạnh phúc, sống khỏe mạnh với lá gan do con trai hiến tặng - Ảnh 2.

Nhiều kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não đã được triển khai. (Một ca ghép gan tại Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh BVCC)

"Tôi thực sự cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Quân đội 108 đã cho tôi cuộc đời thứ 2. Có những lúc tôi tưởng đã không thể sống nổi nữa nhưng sự tận tình chăm sóc, động viên của các y bác sĩ đã khiến tôi có động lực, có sự tin tưởng vững vàng để chiến thắng bệnh tật", bà Thanh chia sẻ.

Chia sẻ về con trai, bà Thanh cười rạng rỡ: "Tôi thật hạnh phúc vì có cậu con trai hiếu thảo như vậy. Khi chồng tôi phải ghép thận, cháu mới 11-12 tuổi nhưng cứ "lăn xả" vào đòi hiến thận cho bố dù cháu còn nhỏ, không thể hiến tặng.

Đến khi mẹ bị bệnh nặng, cháu cũng không hề ngần ngại gì hiến gan cho mẹ. Tôi thực cảm thấy mình có phúc phận sâu dày vì được sống thêm một lần nữa và được nhiều người yêu thương, con cháu hiếu thuận", bà Thanh tâm sự.

204 ca ghép gan thành công 

Tính đến ngày 24/11/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội đã ghép thành công 204 ca ghép gan đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (202 ca).

Thiếu tướng Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay Bệnh viện cũng làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.

"Những năm qua, các bác sỹ của Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau như: ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, ghép gan bất đồng nhóm máu… 

Người mẹ hạnh phúc, sống khỏe mạnh với lá gan do con trai hiến tặng - Ảnh 3.

Các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 108 đang xem các chẩn đoán hình ảnh trước khi chuẩn bị ghép gan. Ảnh BVCC

Đặc biệt, các bác sỹ đã ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép và ghép gan, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt ghi những dấu ấn sâu sắc", Thiếu tướng Song chia sẻ. 

Hiện tại, Bệnh viện Quân đội 108 đã tổ chức thực hiện ghép gan thường quy hàng tuần, trung bình mỗi tuần 1-2 ca; tần suất thực hiện các ca ghép tăng lên đáng kể, có tuần Bệnh viện triển khai ghép 5 ca ghép gan, có ngày thực hiện 2 ca ghép.

Tháng 11/2021 là thời điểm ghi dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của Bệnh viện trên bản đồ ghép tạng bằng sự kiện đặc biệt. Đó là lấy mảnh gan ghép (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.

Theo Thiếu tướng Song, tính đến nay, ở Việt Nam, Bệnh viện Quân đội 108 là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật này. Phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. 

Người mẹ hạnh phúc, sống khỏe mạnh với lá gan do con trai hiến tặng - Ảnh 4.

Ngoài hơn ghép gan, Bệnh viện Quân đội 108 cũng đã ghép được 8/11 loại mô tạng khác nhau. (Một ca ghép gan tại Bệnh viện Quân đội 108. Ảnh BVCC)

Trên Thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các Trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được.

"Phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ đem lại nhiều lợi ích cho người hiến như can thiệp ít xâm lấn, giảm đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở", Thiếu tướng Song cho biết. 

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã có khoảng 20 trường hợp được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan ghép từ người hiến sống.

Thiếu tướng Lê Hữu Song chia sẻ thêm, sau hơn 6 năm thực hiện phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Quân đội 108 đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 800 ca ghép (308 ca ghép thận, 204 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 219 ca ghép tế bào gốc điều trị đột quỵ và xơ gan mất bù, 52 ca ghép tủy, 3 ca ghép chi thể…)

Các ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới. 

Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40-50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100-150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều (chỉ bằng 1/7 đến 1/8) so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở nước ta.

Hiện nay, cả nước ta có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công trên 200 ca ghép trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc (tính đến ngày 24/11/2023, bệnh viện đã ghép 204 ca), đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (202 ca).

Mời các bạn xem clip về thành tựu ghép gan mới nhất của Bệnh viện 108, ghép gan bất đồng nhóm máu cho trẻ em. 

Ghép gan bất đồng nhóm máu tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân. Clip BVCC

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem