Người "nổ" quen nhiều lãnh đạo TP Đà Nẵng để lừa tách thửa có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 15/07/2022 10:22 AM (GMT+7)
Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Kông Hiếu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì thủ đoạn "nổ" quen với nhiều lãnh đạo có thể tách thửa đất. Luật hình sự quy định thế nào về hành vi này?
Bình luận 0

"Nổ" quen nhiều lãnh đạo TP Đà Nẵng để lừa tách thửa đất

Cơ quan CSĐT Công an quận cũng thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Kông Hiếu (28 tuổi, ngụ thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Theo điều tra, ngày 25/6/2021, Nguyễn Kông Hiếu đi chơi ở phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) thì gặp anh P.V.T (40 tuổi, ngụ phường Hòa An) và nghe anh T. kể về việc đang cần tách thửa đất.

Người "nổ" quen nhiều lãnh đạo TP Đà Nẵng để lừa tách thửa có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Nguyễn Kông Hiếu bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Nguyễn Tú.

Lúc này, Hiếu đang nợ nần nên nghĩ cách lừa đảo anh T. Cụ thể, Hiếu "nổ" quen biết nhiều lãnh đạo TP Đà Nẵng, từng tách thửa nhiều lô đất nhanh gọn.

Anh T. từng xin thủ tục tách thửa đất nhưng không được, nên khi nghe Hiếu nói vậy đã tin tưởng, đưa bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất 128 ở địa bàn phường Hòa An và giấy đăng ký kết hôn, giấy phép xây dựng... cho Hiếu.

Hiếu ra giá và nhiều lần nhận của anh T. tổng cộng 107 triệu đồng. Sau thời gian dài hứa hẹn, Hiếu vẫn không tách thửa đất nên anh T. nghi ngờ, tố cáo. Hiếu khai nhận đã dùng 107 triệu đồng trả nợ và bỏ trốn, đồng thời làm mất các giấy tờ bản gốc của anh T.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhằm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa gia tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.

Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt, chỉ chiếm giữ hoặc sử dụng, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.

Theo ông Hòe, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 2 triệu đồng, phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mức phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên…

Trong đó, khoản 2 Điều 174 quy định, người nào chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.

"Như vậy, nếu bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị chứng minh là có tội có thể sẽ đối mặt với khung hình phạt nêu trên" – luật sư Hòe thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem