Người nuôi lợn chưa mặn mà với vaccine dịch tả lợn châu Phi: Cần có chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng

Trần Quang (thực hiện) Thứ ba, ngày 21/05/2024 09:51 AM (GMT+7)
Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng loạt bài: Người chăn nuôi lợn còn e ngại, chưa mặn mà với vaccine dịch tả lợn châu Phi, bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco đã lên tiếng chia sẻ về những khó khăn khi triển khai tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi tại các tỉnh, thành.
Bình luận 0
Người nuôi lợn chưa mặn mà với vaccine dịch tả lợn châu Phi: Cần có chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng- Ảnh 1.

Vaccine phòng dịch tả heo châu Phi NAVET-ASFVAC do Công ty Navetco nghiên cứu, sản xuất thành công. Ảnh: Navetco

Trong quá trình ghi nhận, tìm hiểu thực tế tại các trang trại, nông hộ chăn nuôi lợn, PV Báo điện tử Dân Việt được biết, hiện người dân vẫn đang rất lo lắng về dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, Việt Nam đã cho công bố lưu hành 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi để phòng, chống dịch bệnh nhưng lại có nghịch lý là, người dân còn tâm lý e ngại khi chấp nhận sử dụng vaccine để tiêm cho lợn. Phía Công ty Navetco có nắm được thông tin này?

- Theo chúng tôi, nguyên nhân người dân e ngại khi sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi, là do hiện nay dự thảo Nghị định 02 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng chưa có quy định cụ thể và các địa phương cũng chưa có chính sách, cơ chế để hỗ trợ người chăn nuôi, dẫn đến các địa phương không mặn mà triển khai tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Một vấn đề vướng mắc nữa, đó là hiện nay nhà nước chưa đưa vaccine mới (cụ thể ở đây là vaccine dịch tả lợn châu Phi) vào chương trình, kế hoạch tiêm phòng bắt buộc giống như các vaccine tai xanh, lở mồm long móng... Nếu chúng ta đưa vaccine mới vào diện tiêm phòng bắt buộc sẽ giúp cho tỷ lệ tiêm phòng vaccine mới có chuyển biến tích cực hơn.

Sau khi vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC được công bố lưu hành, công ty đã phối hợp với 63 tỉnh, thành tổ chức tuyên truyền, phổ biến về kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine mới giúp nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi và các hiệu quả khi sử dụng vaccine mới để tiêm phòng, bảo vệ đàn lợn.

Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã triển khai tiêm khoảng gần 200.000 liều tại các tỉnh, thành. Trong quá trình triển khai tiêm phòng, chúng tôi đều công khai giá để người dân biết và yên tâm sử dụng vaccine mới.

Chúng tôi cũng rất muốn tiêu thụ được nhiều vaccine nhưng trên thực tế lại rất khó khăn. Để tiêu thụ được vaccine cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vừa qua giá thành đầu vào cao hơn đầu ra, nhiều người nuôi bị thua lỗ nhiều, tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn định nên tâm lý người dân chưa muốn đầu tư, tái đầu tư. Sắp tới, chúng tôi cũng vẫn rất mong tiêu thụ được nhiều vaccine hơn.

Người nuôi lợn chưa mặn mà với vaccine dịch tả lợn châu Phi: Cần có chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng- Ảnh 3.

Tiêm vacxin NAVET-ASFVAC tại trại heo ở Bến Tre. Ảnh: Navetco

Qua tìm hiểu, nhiều chủ trang trại, nông hộ còn cho rằng, họ chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả, khả năng bảo hộ, miễn dịch của loại vaccine dịch tả lợn châu Phi, thậm chí có thể phát sinh rủi ro sau tiêm phòng, về phía nhà sản xuất vaccine mới này, bà có phản hồi gì?

- Đến nay, chúng tôi chưa nhận được các thông tin cụ thể từ địa phương, Navetco cũng chưa nhận được phải hồi về chất lượng hay gặp vấn đề về vaccine dịch tả lợn châu Phi do đơn vị sản xuất. 

Từ khi triển tiên phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn từ trung ương đến địa phương để làm việc. Hơn nữa, trong quá trình tiêm, Navetco đều có đội ngũ kỹ thuật để theo sát, hỗ trợ người dân tiêm phòng hiệu quả cao nhất.

Navetco đã trải qua rất nhiều công đoạn, cả trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm mở rộng có giám sát, để cho ra kết quả đánh giá khách quan và tốt nhất đối với vaccine dịch tả heo Châu Phi.

Kết quả đánh giá về giống virus dịch tả heo châu Phi chủng ASFV-G- delta-I 177 L cho thấy chủng này thuộc genotype II và có kháng nguyên tương đồng với virus dịch tả heo châu Phi gây bệnh cho đàn lợn tại Việt Nam.

Nói cách khác, lợn được tiêm vaccine có chứa chủng virus này (ASFV-G-delta- I 177 L) sẽ tạo miễn dịch có thể phòng chống được bệnh dịch tả heo châu Phi do virus dịch tả heo Châu Phi đang lưu hành ở nước ta gây ra.

Hiện nay, đặc biệt sau khi có Công văn số 4870/BNN-TY của Bộ NN-PTNT (ngày 24/7/2023) về việc “Sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi”, vaccine NAVET-ASFVAC có đầy đủ tính pháp lý để sản xuất và sử dụng trong toàn quốc và có thể xuất khẩu.

Người nuôi lợn chưa mặn mà với vaccine dịch tả lợn châu Phi: Cần có chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng- Ảnh 5.

Công nhân chăm sóc lợn giống tại một trang trại an toàn sinh học ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: TQ

Để người dân yên tâm sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi, thời gian tới doanh nghiệp có kiến nghị gì về chính sách đối với nhà nước?

- Khâu quan trọng đầu tiên là chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền về hiệu quả của vaccine dịch tả lợn châu Phi. Để làm tốt khâu này, một mình chúng tôi không thể tự làm được hết mà cũng cần có sự phối hợp của hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương và các cơ quan truyền thông.

Đặc biệt, chúng tôi cũng rất mong nhà nước sớm đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng để các địa phương thuận tiện trong việc hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả cao hơn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi tốt hơn.

Xin cảm ơn bà!

Vaccine NAVET-ASFVAC là kết quả của sự hợp tác giữa Công ty Navetco thuộc Bộ NNPTNT Việt Nam và Trung tâm bệnh động vật Plum Island (IPADC) thuộc Viện nghiên cứu Nông nghiệp Hoa Kỳ. Vaccine được bào chế dưới dạng khô nhược độc, dễ vận chuyển, dễ bảo quản.

Với sự đồng ý của Cục thú y Việt Nam, Công ty Navetco đã nhận giống virus vaccine chủng ASFV-G-delta-I 177L và chuyển giao công nghệ từ Trung tâm bệnh động vật Plum Island Hoa Kỳ. Vaccine NAVET-ASFVAC đã được cấp phép lưu hành theo số đăng ký: TWII-171 và giấy chứng nhận lưu hành số: 538/QLT-SX 22, ngày 18/05/2022.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem