Người phụ nữ Pa Dí làm giàu từ trồng cây ăn quả ở huyện biên giới Mường Khương
Dẫn chúng tôi thăm vườn cam lai bưởi, quýt van xù... của gia đình, bà Hoàng Thị Bình năm nay mới hơn 50 tuổi nhưng tóc đã bắt đầu bạc trắng, những nếp nhăn trên khuôn mặt cùng đôi bàn tay chai sạn như nói lên sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ dân tộc Pa Dí tần tảo sớm hôm lên nương rẫy chăm sóc vườn cây ăn quả nhiều năm nay.
Bà Bình kể: Năm 2014, gia đình tôi đã bắt đầu chuyển sang trồng cây ăn quả, ngoài việc trồng quýt quýt sen chín sớm, quýt đường, cam không hạt, gia đình tôi đã chuyển đổi một số loại cây có múi thay thế những diện tích nông nghiệp kém hiệu quả trước đây sang trồng quýt van xù, cam lai bưởi.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên toàn bộ những diện tích cam lai bưởi, quýt van xù này của gia đình tôi đều sinh trưởng, phát triển tốt và đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ.
Theo bà Bình cam lai bưởi là loại cam chín muộn hơn so với các loại cam, quýt khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Khi chín quả ngọt thanh, mọng nước, quả to hơn bắt mắt, vỏ dày giữ được lâu khi hái về nhà.
Loại quả cam lai bưởi hiện nay giá dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg. Vụ năm nay, với khoảng 300 gốc cam lai bưởi, gia đình bà Bình thu hoạch được hơn 2 tấn, thu về trên 50 triệu đồng.
"Bây giờ không chỉ những tuyến đường liên thôn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư bê tông hoá kiên cố mà những tuyến đường vào khu sản xuất cũng được bê tông hoá nên thuận tiện lắm. Nhất là việc vận chuyển quả xuống chợ bán hoặc thương lái đến tận vườn để thu mua", bà Bình nói.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc loại cam lai bưởi, bà Bình bảo: Khi hái quả xong, bắt đầu phải tỉa những cành bị sâu bệnh, cành tâm tạo tán, chọn thời tiết nắng ráo để cắt tỉa sẽ giúp vườn cây thông thoáng, giảm sâu bệnh gây hại.
Sau đó phát cỏ xung quanh gốc để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng, trú ngụ của sâu bệnh; bón phân chuồng, kali để cung cấp chất dinh dưỡng cho vụ sau.
Đồng thời, vào mùa khô cần phải tưới nước bổ sung để đảm bảo độ ẩm cho đất, tích cực phòng trừ sâu, bệnh cho cây...
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, thị trấn Mường Khương đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại giống cây có năng suất, chất lượng cao hơn như trồng chè, hồng giòn…
Trong đó, phát triển trồng cây ăn quả có múi đang là hướng đi phù hợp với khí hậu, đất đai ở thị trấn Mường Khương.
Đến nay, thị trấn Mường Khương đang là một trong những vùng chuyên canh cây ăn quả có múi lớn nhất của huyện.
Hiện thị trấn Mường Khương có tổng diện tích gần 262 ha quýt, cam trồng tại 10 thôn, tổ dân phố, với 350 hộ tham gia trồng.
Vụ quýt năm 2024, năng suất ước đạt 100 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 2.600 tấn, giá bán trung bình từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, giá trị kinh tế ước đạt 40 tỷ đồng.
Ông Vàng Sảo Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho biết: Thời gian tới, thị trấn Mường Khương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác gắn liên kết với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt là tích cực vận động bà con nhân dân phát triển trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông xuống các thôn, tổ dân phố hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con để nâng cao năng suất cây trồng.
Vào mùa cam, quýt chín ở thị trấn Mường Khương, người dân cũng như du khách lại được đi tham quan, trải nghiệm giữa bạt ngàn vườn quýt, cam; ngắm nhìn những chùm quả màu vàng óng, căng tròn, sai trĩu trên cành. Đây chính là loại cây trồng đã mang lại thu nhập cao cho bà con nơi đây.