Người tiêu dùng thay đổi sau dịch Covid-19, cơ hội cho sản phẩm OCOP TP.HCM

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 03/10/2022 12:48 PM (GMT+7)
Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm mang yếu tố địa phương sau dịch Covid-19. Đây là tín hiệu khả quan cho các chủ thể sản xuất OCOP. Sở NNPTNT TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Cơ hội mới cho sản phẩm OCOP TP.HCM

Lo lắng về thị trường đầu ra là trăn trở của nhiều chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP (One Commune One Product - Chương trình OCOP) tại TP.HCM. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhu cầu của người tiêu dùng sau dịch Covid-19 đã thay đổi, trong đó, đáng chú ý là sự lên ngôi của các sản phẩm mang yếu tố địa phương.

Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - Quản lý cấp cao Công ty Nielsen IQ Việt Nam, một trong những công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu hiện nay, nhận định nhu cầu của người tiêu dùng đã thay đổi nhiều sau dịch Covid-19.

Người tiêu dùng thay đổi sau dịch Covid-19, cơ hội cho sản phẩm OCOP TP.HCM - Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP TP.HCM được nhiều người tiêu dùng quan tâm sau dịch Covid-19. Ảnh: Hồng Phúc

Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen, sau dịch Covid-19, các nhãn hàng nhỏ, nhãn hàng mới và nhãn hàng địa phương được người tiêu dùng chú ý. Nhiều người tiêu cho biết họ sẵn sàng mua các nhãn hàng mới, nhãn hàng nhỏ mang yếu tố địa phương.

"48% người được khảo sát sẵn sàng mua sản phẩm thuộc nhãn hàng nhỏ hơn, mang yếu tố địa phương, độc đáo, có tính cá nhân hóa, phù hợp nhu cầu", bà Dung nói và cho biết con số này thậm chí cao hơn cả tỷ lệ người quan tâm đến sản phẩm thuộc các nhãn hàng lớn.

Theo bà, chiến lược sản xuất kinh doanh của các nhãn hàng nhỏ và vừa hiện nay là khai thác yếu tố địa phương, cố gắng duy trì kinh doanh, cạnh tranh trong môi trường lớn và liên tục đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

"Từ việc người tiêu dùng dần quan tâm các nhãn hàng nhỏ thì các nhãn hàng nhỏ không nên quá tự ti, mà cần phải hiểu người tiêu dùng nhiều hơn, để có chiến lược phù hợp", bà Dung nhấn mạnh.

Về các yếu tố này, sản phẩm OCOP có nhiều tiềm năng sau dịch Covid-19. Theo định hướng hiện nay, sản phẩm OCOP là sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu bản địa của từng địa phương.

Tiếp tục hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP

TP.HCM hiện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định ngày 29/3/2022 của UBND TP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đang được đề xuất xếp hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Sản phẩm đặc trưng mang yếu tố địa phương như xoài cát, khô cá dứa, tôm thẻ, tôm sú, tôm khô, tổ yến, mật dừa nước tại Cần Giờ, bột rau má, bột rau tía tô, bột rau diếp cá tại Củ Chi, rau xanh, bưởi da xanh tại Bình Chánh… đã được công nhận là sản phẩm OCOP của TP.HCM.

Nhiều sản phẩm OCOP tại TP.HCM hiện đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Người tiêu dùng thay đổi sau dịch Covid-19, cơ hội cho sản phẩm OCOP TP.HCM - Ảnh 3.

TP.HCM tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Hồng Phúc

Để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm OCOP, ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết giữa Satra, Saigon Co.op với các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP nhằm đưa các sản phẩm này vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích. 

Các sản phẩm OCOP được hỗ trợ tiêu thụ theo chương trình xúc tiến tiêu thụ nông lâm thủy sản và sản phẩm OCOP của TP, được xem xét, đề xuất để chứng nhận "Thương hiệu Vàng TP.HCM". 

Với các sản phẩm đã được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, TP.HCM sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá để người dân trong và ngoài TP biết đến thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP trong và ngoài TP, như chợ phiên nông sản an toàn, hội chợ, hội nghị triển lãm, hội thi của ngành nông nghiệp, các sự kiện, chương trình do Sở Du lịch, Sở Công Thương tổ chức.

Chương trình OCOP là chương trình quốc gia nhằm xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại TP.HCM, theo Quyết định số 1943, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình được thực hiện trên toàn TP, gồm địa bàn 5 huyện nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) và 16 quận, TP.Thủ Đức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem