Nguyên trụ trì chùa Phước Quang bị cáo buộc lừa đảo gần 68 tỷ đồng, mạo nhận là "đặc phái viên quốc tế"

Đình Việt - Cao Hùng Thứ năm, ngày 03/03/2022 13:21 PM (GMT+7)
Viện KSND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành cáo trạng truy tố Phạm Văn Cung, nguyên trụ trì chùa Phước Quang và đồng phạm về Tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đây là vụ việc Báo điện tử Dân Việt đã có nhiều bài viết phản ánh.
Bình luận 0

Viện KSND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành cáo trạng truy tố Phạm Văn Cung, Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, trú phường 2, TP Vĩnh Long) cùng tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị can còn lại của vụ án là Lê Nguyên Khoa (36 tuổi, trú quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) hiện đã bỏ trốn và bị Công an tỉnh Vĩnh Long truy nã.

Đây là vụ việc nhiều nạn nhân của các đối tượng đã đến gặp PV Báo Điện tử Dân Việt để tố cáo hành vi của Phạm Văn Cung - nguyên trụ trì chùa Phước Quang. Báo Điện tử Dân Việt cũng đã có nhiều bài viết phản ánh về vụ việc này.

Nguyên trụ trì chùa Phước Quang lừa đảo của nhiều phụ nữ gần 68 tỷ đồng - Ảnh 1.

Phạm Văn Cung bị nhiều người tố lừa đảo số tiền lớn.

Lợi dụng uy tín của nhà chùa

Theo cáo trạng, từ năm 2005, Phạm Văn Cung là tu sĩ, pháp danh Thích Phước Ngọc, tu tại chùa Phước Quang (huyện Tam Bình, Vĩnh Long).

Tháng 9/2008, Cung  được Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm làm trụ trì chùa Phước Quang.

Cũng trong năm 2008, Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi) được thành lập theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

Tháng 11/2012, Phạm Văn Cung được giao nhiệm vụ làm Giám đốc trung tâm. Sau đó, Cung bổ nhiệm Lê Nguyên Khoa (sinh năm 1986) làm thư ký giúp việc cho Cung.

Bản cáo trạng xác định, trong quá trình làm trụ trì chùa Phước Quang và Giám đốc Trung tâm Suối nguồn tình thương, Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để tạo uy tín cho bản thân.

Cung giới thiệu với các bị hại là Cung có quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và làm các video clip về hoạt động từ thiện của nhà chùa Phước Quang và Trung tâm Suối nguồn tình thương mà Cung là nhân vật chính thực hiện để đưa lên mạng xã hội. Thông qua đó, Cung quảng bá hình ảnh để tạo lòng tin cho nhiều người.

Viện KSND tỉnh Vĩnh Long nêu trong cáo trạng: Do cần tiền chi xài cá nhân và thanh toán các khoản nợ cá nhân, Phạm Văn Cung đã lợi dụng uy tín của nhà chùa và Trung tâm Suối nguồn tình thương, lấy danh nghĩa thành viên các tổ chức tôn giáo nước ngoài nhằm tạo uy tín cho bản thân, cấu kết với bị can Lê Nguyên Khoa dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo nhiều bị hại.

Cụ thể, năm 2015, Cung nói dối là xây chùa, xây trung tâm cô nhi viện và tượng Phật nên thiếu nợ, thậm chí dựng chuyện bị bắt cóc để lừa đảo.

Bằng thủ đoạn trên, Cung đã lừa của một nữ doanh nhân  tại TP. HCM số tiền hơn 18,5 tỷ đồng. Khi bị phát giác, Cung hoàn trả một phần và chiếm đoạt của nạn nhân hơn 11,6 tỷ đồng.

Năm 2017, Cung tiếp tục dựng chuyện mình và các trẻ mồ côi tại Trung tâm cô nhi viện bị bắt cóc nhốt trên xe tải đòi tiền chuộc để lừa tiền một nữ phật tử ở TP Hà Nội hơn 26 tỷ đồng.

Tự mạo nhận là "đặc phái viên quốc tế"

Chưa hết, bản cáo trạng còn chỉ ra, trong năm 2018, khi đi tham quan tại Liên bang Nga, Cung làm quen với một phụ nữ ngụ tỉnh Hưng Yên.

Cung nói với người này mình là "đặc phái viên quốc tế của Ủy ban tuyên dương khen thưởng Phật giáo của Chính phủ Sri Lanka" và mời tham quan chùa Phước Quang.

Sau đó Cung còn tặng giấy cảm tạ, giấy xác lập kỷ lục thiện nguyện cho nạn nhân, mời một số vị sư từ Vĩnh Long ra Hưng Yên làm lễ cúng bái nhằm tạo may mắn cho việc kinh doanh.

Khi nạn nhân mất cảnh giác, Cung đã tung tin mình bị bệnh, hoặc đang gánh nợ thay phật tử, cho dì ruột, cho em, trốn sang Tây Tạng (Trung Quốc) vì sợ công an bắt… Nạn nhân đã 11 lần bị Cung lừa và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Cung cũng "nổ" mình là "Đặc phái viên Quốc tế của Ủy ban Tuyên dương khen thưởng Phật giáo của Chính phủ SriLanka", khoe mình là "mật vụ, tình báo của Chính phủ thường đi nước ngoài để hoạt động trong các lĩnh vực tôn giáo rất nhạy cảm; có mối quan hệ quen biết nhiều quan chức cấp cao ở trung ương, Chính phủ, Bộ Ngoại giao" và hứa sẽ giúp một Việt kiều Anh quốc về nước sống hợp pháp.

Cung và Khoa còn lôi kéo bị can Nguyễn Tuấn Sĩ giúp sức cùng tham gia thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt 600 triệu đồng trong việc cầm và chuộc xe ô tô để chiếm đoạt tiền của một bị hại.

Cáo trạng cáo buộc, tổng số tiền mà Phạm Văn Cung đã chiếm đoạt được là gần 68 tỷ đồng.

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, ngày 25/11/2020, Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Văn Cung để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, nhiều nạn nhân gặp trực tiếp PV Dân Việt tố cáo hành vi của ông Cung. Ông Nguyễn Ngọc Trường Sơn (thường trú quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, ông Phạm Văn Cung đã lừa đảo, dùng thủ đoạn nhờ ông Sơn vay nợ giùm gần 5 tỷ đồng, sau đó né tránh, không trả nợ.

Ngoài ông Sơn, còn có 4 nạn nhân khác cũng đứng đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông Cung, với tổng số tiền mà ông Cung lừa đảo chiếm đoạt là hàng chục tỷ đồng.

Ngày 23/9/2020, Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo chính thức cho Đại đức Thích Phước Ngọc (tức Phạm Văn Cung) hoàn tục, về gia thất và xóa tên trong danh sách tăng ni ở tỉnh Vĩnh Long.

Ngay sau thông báo trên, vào sáng 24/9/2020, Công an tỉnh Vĩnh Long đã chính thức vào cuộc điều tra, xác minh các đơn tố cáo của các nạn nhân bị ông Cung dụ dỗ lấy tiền…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem