Nhà báo Trần Mai Hưởng và cuốn hồi ký "có vị mặn của mồ hôi, màu đỏ của máu"

Yến Thanh Thứ tư, ngày 06/12/2023 13:00 PM (GMT+7)
Vừa qua, buổi ra mắt cuốn sách "Hồi ký phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình" của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bình luận 0

Trong không gian ấm cúng tại nơi nhà báo Trần Mai Hưởng từng công tác, những người bạn, người đồng nghiệp cũ của ông "tay bắt mặt mừng" khi gặp gỡ. Họ chia sẻ cởi mở những câu chuyện, cảm xúc xung quanh chặng đường tác nghiệp của vị nhà báo gạo cội. Tại đó, hiện lên chân dung của một người viết đầy đam mê, đầy khát khao và nhiệt huyết với nghề. 

Trong cuốn sách gần 500 trang, nhà báo Trần Mai Hưởng viết về những sự kiện ông từng chứng kiến, về những gương mặt, những con người mang trong họ một phần lịch sử. Ông chia sẻ: "Tôi viết một cách trung thực, dung dị để những người dù không sống trong khoảnh khắc, trong thời kỳ ấy vẫn có thể hiểu và đồng cảm".  Đi qua cuộc chiến tranh, chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát của con người, với ông, sự sống luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. "Sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay" - ông trăn trở.

Nhà báo Trần Mai Hưởng và cuốn hồi ký "có vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu" - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Mai Hưởng tại lễ ra mắt cuốn sách "Hồi ký phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình". (Ảnh: Thảo Quyên)

Tại lễ ra mắt sách, nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, ông trở thành người làm báo sau khi rời ghế trường phổ thông một cách khá tình cờ. Được sự hướng dẫn của anh trai, ông vào học lớp phóng viên Thông tấn xã Việt Nam khóa VIII và từ đó dành trọn trái tim cho nghề báo.

Nhà báo Trần Mai Hưởng đã tới những mặt trận nóng bỏng nhất, là một trong những phóng viên có mặt sớm nhất ở Dinh Độc Lập, ghi lại hình ảnh của ngày Đại thắng. Sau này, ông còn theo các cánh quân tình nguyện sang Campuchia diệt trừ quân Pol Pot, rồi lại lên phía Bắc trong cuộc chiến bảo vệ biên giới…

Đọc cuốn Hồi ký phóng viên chiến trường, độc giả sẽ bị cuốn theo những trải nghiệm của một phóng viên chiến trường trong việc kịp thời đưa tin, bài, ảnh đến với độc giả, hiểu được phần nào cảm giác của một phóng viên đứng giữa sự sống và cái chết. “Đột nhiên, đất chuyển, rồi tôi thấy một loạt bom giăng ngay trước mặt, một khoảng chân không làm mình cảm thấy khó thở, rồi những đợt sóng trong không gian ập tới…”. Bất chấp bom rơi, đạn vãi, pháo nổ, những hiểm nguy đến tính mạng luôn rình rập, người phóng viên vẫn có mặt ở những tuyến đầu để kịp thời đưa tin, bài và ảnh để bạn đọc nắm bắt được tình hình. Giữa những hy sinh, gian khổ ấy, hình ảnh chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta được tác giả Trần Mai Hưởng khắc họa rõ nét. 

Nhà báo Trần Mai Hưởng và cuốn hồi ký "có vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu" - Ảnh 2.

Ông Trần Bình Yên - một trong những chiến sĩ ngồi trên chiếc xe tăng tiến vào giải phóng Dinh Độc Lập chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Thảo Quyên).

Tác giả nằm trong số những phóng viên có mặt ở tuyến đầu khi Quảng Trị vừa được giải phóng trong chiến dịch tổng tiến công 1972, là người tận mắt chứng kiến, ghi chép lại những khoảnh khắc trao trả tù binh giữa hai bên và niềm vui vỡ òa khi những chiến sĩ của ta bị tù đày gặp lại người thân tại Thạch Hãn, Quảng Trị sau khi hiệp định Paris ký kết đầu năm 1973. Mùa Xuân 1975, tác giả là người có mặt ngay trong buổi sáng đầu tiên khi Thừa Thiên - Huế được giải phóng, kịp thời chuyển tải tin bài về không khí ngày hội của thành phố này. 

Nhà báo Trần Mai Hưởng và cuốn hồi ký "có vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu" - Ảnh 3.

Bức ảnh nổi tiếng “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” của nhà báo Trần Mai Hưởng. (Ảnh: TL)

Tác giả cũng có mặt ở Đà Nẵng sau khi thành phố được giải phóng để kịp thời đưa tin trong một hành trình đầy gian nan trên chiếc xe máy. Điều đáng nhớ nhất là tác giả kịp thời có mặt tại Dinh Độc Lập để kịp thời ghi lại khoảnh khắc “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”. Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà với tác giả “là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo” của mình. Không khí vui tươi, phấn khởi của người dân Sài Gòn khi thành phố được giải phóng hoàn toàn hiện lên thật sinh động, đa dạng dưới ngòi bút của tác giả.

Nhà báo Trần Mai Hưởng và cuốn hồi ký "có vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu" - Ảnh 4.

Buổi ra mắt cuốn sách "Hồi ký phóng viên chiến trường - Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình" quy tụ nhiều người bạn, người đồng nghiệp cũ của nhà báo Trần Mai Hưởng. (Ảnh: Thảo Quyên).

Trong lời đề tựa cho cuốn sách, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam viết: “Cuốn sách này không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu; có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. Với văn phong tưởng như chất phác mà rất giàu chất thơ, cuốn hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo nói riêng". Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định, cuốn sách giúp thế hệ sau cảm nhận được một thời tuổi trẻ xông pha dấn thân của chính tác giả, cũng như những người làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam, qua đó thêm tình yêu và sự thấu hiểu dành cho nghề báo.

Trò chuyện với DV Dân Việt, ông Trần Bình Yên, một trong những chiến sĩ ngồi trên chiếc xe tăng tiến vào giải phóng Dinh Độc Lập cho biết, ông gặp nhà báo Trần Mai Hưởng sau 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất. "Khi nhìn thấy bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" do anh Hưởng chụp, tôi vô cùng xúc động. Trong vai trò một nhà báo, anh đã tái hiện lại những ngày tháng hào hùng nhất của dân tộc, đồng hành với chiến sĩ trong mỗi dấu ấn lịch sử. Cũng nhờ bức ảnh này, những người đồng đội cũ chúng tôi đã có cơ hội gặp lại nhau, tìm thấy nhau sau nhiều năm không còn kết nối".

Cuốn sách dày 468 trang, có 11 phần, do Nhà xuất bản Thông tấn, thương hiệu sách Sống (Công ty Cổ phần Sách Alpha Books) phối hợp xuất bản. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem