Trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy, nhà đầu tư làm thế nào để lấy lại tiền?

P.V Thứ tư, ngày 27/04/2022 16:05 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ án tại xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBKCNN) vừa có thông tin hướng dẫn nhà đầu tư liên quan đến 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh đã bị hủy.
Bình luận 0

Ủy ban Chứng khoán "chuyền" nhà đầu tư sang Cơ quan CSĐT

UBKCNN cho biết, căn cứ hồ sơ, tài liệu xác định có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu của các công ty trong nhóm Tân Hoàng Minh.

Cơ quan này đã có thông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỉ đồng.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can một số người thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự liên quan đến các vi phạm trong hoạt động chào bán, huy động vốn của các nhà đầu tư tại 9 đợt chào bán trái phiếu bị hủy bỏ.

tan-hoang-minh.jpg

UBKCNN cho biết, căn cứ hồ sơ, tài liệu xác định có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu của các công ty trong nhóm Tân Hoàng Minh.

Do đó, về thủ tục hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư liên quan đến việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu, UBKCNN đã có văn bản đề nghị các công ty liên hệ làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết. Đề nghị các nhà đầu tư liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03 Bộ Công an).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thạch Cương (nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh) cho biết, trong vụ việc này, Bộ Tài chính phải yêu cầu phải UBKCNN có hướng dẫn Tân Hoàng Minh các bước tiếp theo như thế nào trả tiền các nhà đầu tư chứ không phải hướng dẫn nhà đầu tư đến Bộ Công an.

Theo ông Cương, UBKCNN ra quyết định chưa có tiền lệ là hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh thì phải làm hướng dẫn Tân Hoàng Minh trả lại tiền cho nhà đầu tư như thế nào tiếp theo để thành “tiền lệ” chứ không phải đẩy sang CO3 vì đơn vị này không phải là nơi trả lại tiền cho nhà đầu tư.

“Việc UBKCNN hướng dẫn nhà đầu tư đến C03 Bộ Công an để được giải quyết là thiếu trách nhiệm bởi C03 không phải là đơn vị trả tiền cho nhà đầu tư” – ông Cương nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Cương cũng cho biết, mình đã đại diện cho các nhà đầu tư làm đơn gửi đến Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), đề nghị UBKCNN làm rõ cơ sở pháp lý về việc hủy bỏ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh được phát hành trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 bởi các công ty thành viên của Tân Hoàng Minh theo quyết định số 181/QĐ-UBCK ngày 3/4/2022 của UBKCNN.

Ban tiếp công dân Trung ương đã có công văn số 788 gửi UBKCNN đề nghị làm rõ nội dung nêu trên.

Ông Cương còn cho biết chiều nay (27/4) các nhà đầu tư sẽ tiếp tục có buổi làm việc với Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Nhà đầu tư cần làm gì để lấy lại tiền đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường phân tích xung quanh việc nhà đầu tư cần làm gì để lấy lại tiền đầu tư trái phiếu của Tân Hoàng Minh.

Tân Hoàng Minh có được bán tài sản trả nhà đầu tư?

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay rất nhiều khách hàng yêu cầu tập đoàn này trả lại tiền trái phiếu và đại diện tập đoàn này cũng đồng ý sẽ liên hệ với cơ quan chức năng để làm các thủ tục bán tài sản, trả lại tiền cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên việc bán tài sản có thể sẽ gặp những khó khăn về mặt thủ tục pháp lý.

"Theo quy định của pháp luật, những tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị thu giữ và xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vật chứng vụ án hình sự.

Đối với những tài sản không liên quan đến tội phạm, là tài sản của doanh nghiệp không phải là tài sản của các bị can, doanh nghiệp doanh nghiệp có toàn quyền quyết định. 

Bởi vậy với những tài sản của doanh nghiệp mà chưa mang cầm cố thế chấp, chưa bị hạn chế quyền định đoạt, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền bán, chuyển nhượng để lấy tiền trả lại cho các nhà đầu tư theo thỏa thuận hoặc theo quyết định hủy bỏ việc chuyển nhượng trái phiếu của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp tập đoàn này còn tiền mặt, có thể sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các nhà đầu tư.

Trường hợp không còn tiền mặt có thể bán những tài sản mà không bị kê biên, không thế chấp để lấy tiền trả lại cho các nhà đầu tư", vị luật sư phân tích.

Theo ông Cường, với những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, có liên quan đến số tiền rất lớn như vậy, thông thường cơ quan điều tra sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu dừng việc đăng ký biến động, chuyển dịch tài sản của cá nhân và doanh nghiệp.

Bởi vậy, nếu trường hợp cơ quan điều tra đã có văn bản ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, yêu cầu giữ nguyên tài sản để tiến hành xác minh làm rõ, thủ tục bán, chuyển nhượng tài sản của doanh nghiệp này trong giai đoạn này rất khó để có thể thực hiện.

“Các nhà đầu tư, đại diện doanh nghiệp, tập đoàn này có quyền có văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng để làm rõ tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của các bị can làm rõ các tài sản nào không có liên quan đến vụ án, đề nghị không thực hiện các biện pháp ngăn chặn để công ty, tập đoàn này thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với các đối tác, các nhà đầu tư, giảm bớt đến mức thấp nhất những thiệt hại cho các nhà đầu tư và cho nền kinh tế” – ông Cường cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem