Nhà giáo Trần Trung Hiếu: "Xã hội muốn phát triển luôn cần sự phản biện"

Hạnh Đức Thứ sáu, ngày 18/11/2022 06:53 AM (GMT+7)
"Quan điểm của tôi khi bày tỏ thái độ, chính kiến, phản biện là dám viết, dám nói và dám nhận trách nhiệm", thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An bày tỏ.
Bình luận 0

Sáng ngày 9/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ GDĐT tổ chức "Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2022". Trong khán phòng của Nhà hát lớn hôm đó, có một tác giả đặc biệt - thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. 

Thầy Hiếu là giáo viên THPT duy nhất được tôn vinh, nhận giải và cũng là giáo viên phổ thông duy nhất liên tục có tác phẩm báo chí đạt giải trong 2 năm 2021, 2022. Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), PV Dân Việt đã có một cuộc trò chuyện với thầy Trần Trung Hiếu.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: "Xã hội muốn phát triển luôn cần sự phản biện" - Ảnh 1.

Thầy Trần Trung Hiếu (phải) với Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội, sáng 9/11/2022. Ảnh: NVCC

Chào thầy, thầy có thể cho biết cơ duyên nào khiến thầy gắn bó với báo chí?

- Tôi là một giáo viên Sử, hay đọc báo và tìm thấy ở đó nhiều thông tin bổ ích cho chuyên môn và cuộc sống. Tôi thích viết báo, dù chưa một giờ học về nghiệp vụ báo chí. Với tôi, báo chí không phải là một "nghề", không lấy nghề đó để mưu sinh mà rất đơn giản vì sự đam mê. 

Tôi muốn thông qua báo chí, gửi gắm đến độc giả và những người có trách nhiệm nhất của ngành những thông điệp. Qua báo chí, cũng là dịp mà tôi muốn chuyển đến các đồng nghiệp môn sử và nhiều thế hệ học trò của tôi nhiều sự trăn trở.

Năm 2005, tôi bắt đầu viết từ một biến cố trong cuộc đời. Tôi viết nhiều bài về chuyên môn, về văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể thao, nhưng nhiều nhất là về lịch sử và giáo dục. Là một giáo viên Sử, nhưng bài viết đầu tiên của tôi được đăng báo không phải về lịch sử mà là bóng đá. Tôi yêu bóng đá bởi tôi tìm thấy môn chơi này cũng là một môn học vừa rèn luyện sức khỏe, thể lực, tôi luyện ý chí. Bóng đá cũng là cuộc đời mà để cống hiến và giành thắng lợi trong từng trận đấu và suốt cả giải đấu cần hội đủ nhiều yếu tố.

Có lẽ, điều khác biệt của tôi khi viết báo so với các nhà báo chuyên nghiệp khác là tôi viết báo từ vị thế, tâm thế của một nhà giáo. Viết từ thực tiễn dạy học và nói lên tiếng nói của người trong cuộc.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: "Xã hội muốn phát triển luôn cần sự phản biện" - Ảnh 2.

Thầy Hiếu với Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: NVCC

Thầy là chuyên gia phản biện giáo dục. Khi viết bài hay trả lời phỏng vấn báo chí về đề tài giáo dục, thầy có e ngại điều gì không?

- Quan điểm của tôi khi bày tỏ thái độ, chính kiến, phản biện là dám viết, dám nói và dám nhận trách nhiệm. Đã viết và nói là không sợ, đã sợ là không nói và viết. Những đã viết và nói là phải có cơ sở. Luôn phản biện rõ ràng, thắng thắn, chắc chắn, thậm chí có lúc đanh thép trên tinh thần thiện chí và xây dựng.

Trong đổi mới giáo dục nói chung cũng như việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi luôn mặc định quan điểm trong cách hành xử là những gì đúng là phải ghi nhận, thừa nhận và lan tỏa. Nếu chưa đúng, chưa phù hợp, phải góp ý, phản biện để nhận diện đúng thực trạng từ đó hiến kế những giải pháp cho ngành giáo dục điều chỉnh trong khả năng có thể.

Điều giúp tôi tự tin khi viết bài đăng báo hay trả lời phỏng vấn báo chí là tuy thẳng thắn, gai góc nhưng đầy thiện chí, xây dựng. Có nhiều bất cấp trong ngành giáo dục mà nhiều đồng nghiệp biết nhưng không dám viết, tôi sẽ là người viết với một mục đích duy nhất là mong mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tôi không thấy có gì phiền toái hay phải chịu áp lực nào từ các nhà quản lý giáo dục.

Vì sao thầy chọn tiêu đề "Bàn về học thật, thi thật, nhân tài thật" cho tác phẩm báo chí này? Thông điệp mà Thầy muốn gửi gắm là gì?

- Năm 2021, chúng tôi cũng đã viết một chùm bài " Giảm áp lực, tăng động lực với đổi mới giáo dục phổ thông" đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng, giành giải Khuyến khích. Đó là động lực để năm 2022, chúng tôi tiếp tục góp thêm những tiếng nói phản biện để gửi chùm bài "Bàn về học thật, thi thật, nhân tài thật" lên Ban Tổ chức "Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2022".

Tháng 6/2021, trong một buổi làm việc của Chính phủ với Bộ GDĐT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo là phải "Học thật, thi thật, nhân tài thật". Tôi rất tâm huyết về điều này, bởi đó gần như là một sự ngầm hiểu, một sự thừa nhận rằng lâu nay chúng ta học chưa thật, thi cũng chưa thật. Và đương nhiên, thành quả của 2 cái không "thật" đó ra sao ai cũng biết.

Một con người chỉ có thể trở thành nhân tài khi được học tập, rèn luyện và trải qua những hình thức kiểm tra đánh giá, thi cử nghiêm túc, khách quan, trung thực. Bài học đau đớn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La... và cả trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 rõ ràng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo nhiều hệ luỵ khi lợi ích của một số quan chức địa phương đứng trên kỷ cương phép nước.

Với góc độ là một nhà giáo, tôi muốn chuyển tải những trăn trở với nghề, với ngành bằng con chữ thông qua tác phẩm "Bàn về Học thật, thi thật, nhân tài thật" với thông điệp: Hướng tới một nền giáo dục thực chất từ việc từng bước buông bỏ "bệnh thành tích". Lúc đó, chúng ta mới có thể nói đến câu chuyện triển khai "Học thật, thi thật, nhân tài thật".

Thầy đã lên tiếng nhiều lần trong những năm gần đây rằng, ngành giáo dục muốn tốt lên thì phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến phản biện từ các chuyên gia, nhà giáo, báo chí… Thầy có thể nói rõ hơn về vai trò của báo chí trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục?

- Thực tế luôn chứng minh, báo chí đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Trong công cuộc đổi mới giáo dục nói chung, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng lại càng cần có sự sát cánh, đồng hành, sẻ chia của báo chí. Nhiều vụ việc được phanh phui cũng nhờ báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí nói lên nỗi lòng của nhà giáo về những bất cập trong giáo dục, một số chủ trương chính sách, văn bản của Bộ GDĐT đã có sự điều chỉnh theo chiều hướng tích cực hơn.

Để mọi chủ trương, chính sách về giáo dục có tính khả thi, cần nhiều tiếng nói phản biện, trách nhiệm của các nhà giáo. Chúng tôi luôn cảm ơn các nhà báo, các cơ quan báo chí đã và đang quan tâm, đồng hành với nghề giáo và giáo dục. Trong xã hội văn minh, để phát triển luôn cần sự phản biện.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: "Xã hội muốn phát triển luôn cần sự phản biện" - Ảnh 3.

Thầy Trần Trung Hiếu với Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh. Ảnh: NVCC

Thầy mong chờ điều gì từ loạt bài phản biện này ?

- Điều mà tôi mong chờ là những hiến kế, giải pháp từ thực tiễn của một giáo viên phổ thông sẽ được Bộ GDĐT và lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương thấu hiểu, lắng nghe. Chúng ta cần thẳng thắn với nhau rằng, công cuộc đổi mới giáo dục nhiều năm gần đây đang diễn ra đầy khó khăn, thử thách và trách nhiệm đó không chỉ của riêng ngành giáo dục. Chúng tôi rất cần sự đồng thuận, chung tay, chung sức, chung lòng của toàn xã hội.

"Học thật, thi thật, nhân tài thật" không chỉ là một mệnh lệnh từ người đứng đầu Chính phủ, đó là trách nhiệm của toàn ngành giáo dục & đào tạo, là nhiệm vụ của lãnh đạo tất cả địa phương. Tôi và rất nhiều nhà giáo không chỉ mong chờ những câu nói suông, những lời hứa hão mà cần những hành động quyết liệt từ trên xuống dưới, từ Bộ GDĐT đến các địa phương, từ cán bộ quản lý đến giáo viên.

Ngày 20/11 đang đến, thầy có muốn gửi gắm gì đến lãnh đạo Bộ GDĐT và những người đang công tác trong ngành giáo dục không?

- Với lãnh đạo Bộ GDĐT, tôi mong những người có trách nhiệm của Bộ thấu hiểu và đồng cảm nhiều hơn với đội ngũ nhà giáo để có những chủ trương, chính sách bớt áp lực, tăng động lực, khơi đam mê, truyền cảm hứng, giúp các thầy cô giữ vững niềm tin và nhiệt huyết cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Với các nhà giáo, chúng ta cần hiểu một thực tế là công cuộc đổi mới "căn bản và toàn diện" ngành giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang buộc chúng ta cần có nhiều sự thay đổi về nhận thức, phương pháp, kỹ năng dạy học. Chỉ có tình yêu nghề, yêu trẻ mới giúp chúng ta có động lực để làm tốt nhiệm vụ. Chỉ có những nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm với nghề, với ngành mới thật sự hiểu rõ "Chất lượng giáo dục bắt đầu từ trái tim mỗi nhà giáo".

Xin cảm ơn thầy. Chúc thầy nhiều sức khỏe và tâm huyết để tiếp tục có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem