Nhà ở công nhân: Cần nhiều cơ chế để thu hút nguồn lực
Việc khan hiếm các sản phẩm nhà ở dành cho công nhân trong các KCN và KCX không chỉ là bài toán nan giải đối với TP Hà Nội mà còn của tất cả các tỉnh, TP trên cả nước. Theo tính toán của Bộ Xây dựng đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ.
Thực tế, nhu cầu về chỗ ở của công nhân trong các KCN và KCX rất lớn và hết sức cần thiết. Hiện phần lớn các công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở, nhưng các khu nhà trọ hầu hết đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn vốn để phục vụ đầu tư, mua nhà của công nhân và người thu nhập thấp cần khoảng 18.000 tỷ đồng, tuy nhiên, giai đoạn 2018 - 2020, Chính phủ mới bố trí được khoảng trên 2.300 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển các KCN, kéo theo lượng công nhân lao động đổ về địa bàn cũng tăng cao, dẫn đến các nhu cầu về nhà ở, ăn uống và các dịch vụ khác cũng tăng tương ứng, tỉnh Bắc Ninh cũng đã có những cơ chế để thu hút các DN tham gia vào xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN. Trong đó có TCty Viglacera - CTCP đã đầu tư xây dựng hàng nghìn căn nhà ở phục vụ cho công nhân đang làm việc tại các Cty đóng tại KCN Tiên Sơn, Yên Phong như Samsung, Canon… với hạ tầng và dịch vụ đảm bảo, trật tự an ninh tốt cho người lao động.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, mặc dù Bắc Ninh đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện NƠXH, nhưng với tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh, số công nhân lao động không ngừng gia tăng đã gây áp lực lớn trong việc bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, khiến quá trình triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Bắc Ninh cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển và mua NƠXH đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân, giúp người lao động ổn định đời sống.
Đại diện Cty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera cho biết, mô hình nhà ở cho công nhân của KCN không chỉ áp dụng tại KCN Tiên Sơn cũng được áp dụng tại các KCN khác của Viglacera, xuất phát từ nhu cầu thực tế của công nhân. Đây là những đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở, nhưng với thu nhập của họ, để sở hữu được những căn hộ ở các dự án nhà ở thương mại là một giấc mơ xa vời. Vì vậy, cần phải có loại nhà ở thích hợp với khả năng chi trả của đối tượng này. Qua đó, Nhà nước cũng cần nới thêm cơ chế để thu hút nhiều DN, chủ đầu tư tham gia vào phân khúc nhà ở này, bởi lợi nhuận thu về khi đầu tư là rất thấp nên không có nhiều DN mặn mà…
Chuyên gia quy hoạch quản lý đô thị, TS.KTS Hoàng Hữu Phê cho rằng, khó khăn trong việc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở công nhân chính là quỹ đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh KCN. Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Đồng thời, các sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các DN đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi như cho vay vốn kích cầu để nhà đầu tư có hứng thú với việc phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, một khó khăn khác là nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế. Do vậy, Nhà nước nên nới rộng cơ chế để thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư tư nhân vào lĩnh vực xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân; hạn chế cấp đất cho các dự án chỉ chú tâm vào các sản phẩm cao cấp để thu lợi nhuận nhanh.
Ngoài ra, cần tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối các khu vực ngoại thành với trung tâm để việc đi lại của người dân được thuận tiện. Hơn nữa phải có chính sách cho vay mua nhà ưu đãi thì người công nhân mới có cơ hội…