"Cuộc gọi lạ 50 triệu đồng" ly kỳ như phim - bài học đắt giá cho du học sinh Việt

Tào Nga Thứ ba, ngày 27/04/2021 06:10 AM (GMT+7)
Là sinh viên năm cuối đang làm hồ sơ hậu tốt nghiệp, Lê Nghi Minh Anh - du học sinh Việt tại Mỹ - đã nhận được cuộc điện thoại lạ và bị dẫn dắt vào câu chuyện ly kỳ như phim trinh thám.
Bình luận 0

Du học sinh Việt tại Mỹ bị lừa

Lê Nghi Minh Anh, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Khoa học Thực phẩm, trường Purdue University, tiểu bang Indiana, Mỹ. Mới đây, Minh Anh nhận được cuộc gọi đúng số của Cơ quan nhập tích và Di trú Hoa kỳ (USCIS), Sở Cảnh sát địa phương. Mặc dù ở Mỹ 4 năm, rất cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo nhưng bản thân Minh Anh lại bị lừa bằng chiêu thức vô cùng tinh vi này.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Minh Anh cho biết: "Với du học sinh Mỹ nói riêng, các bạn sinh viên năm cuối sẽ cần phải làm hồ sơ OPT hậu tốt nghiệp (Post-completion Optional Practical Training) để được cấp giấy phép làm việc ở Mỹ một năm sau khi tốt nghiệp (3 năm đối với ngành STEM - Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). 

Nhận cuộc điện thoại lạ - bài học đắt giá 50 triệu đồng cho du học sinh Việt tại Mỹ - Ảnh 1.

Lê Nghi Minh Anh, hiện đang là sinh viên năm cuối ngành Khoa học Thực phẩm, trường Purdue University, tiểu bang Indiana, Mỹ.

Tâm thế hoang mang của du học sinh đang trong giai đoạn chuyển giao này đã tạo cơ hội cho không ít kẻ xấu lợi dụng, điển hình là dưới hình thức gọi điện giả danh chính phủ Hoa Kỳ để lừa tiền. Mình đã ở Mỹ gần 4 năm, đã nghe và chứng kiến rất nhiều vụ như vậy, nhưng vẫn không thể lường trước phản ứng của bản thân khi nhận được cuộc gọi tượng tự vào đầu tuần trước.

Sáng 22/4, mình nhận được cuộc gọi từ một số lạ... Giọng một người đàn ông cất lên, biết tên mình, và bảo gọi từ USCIS. Ngay lúc này, mình đã nghi ngờ đó là scam (lừa đảo - PV), vì đã là bộ phận chính phủ thì chẳng ai gọi điện bất ngờ bao giờ cả, họ sẽ luôn email trước khi gọi.

Tuy nhiên, vì mới nộp hồ sơ OPT mình mới hỏi tiếp xem ông ấy gọi có việc gì. Ông ta bảo rằng đang có một khiếu nại liên bang nộp dưới tên của mình và chính phủ Mỹ nghi rằng mình có tham gia vào một hành vi phi pháp mờ ám. Mình hỏi thẳng "Làm sao để tôi biết được đây không phải một vụ scam? Ông có thể đọc ngày sinh của tôi lên được không?".

Ông ấy trả lời thông tin ngày sinh của mình không quan trọng vì ông ấy chỉ là một thanh tra được giao để giải quyết những người di trú phi pháp. Rồi sau đó, bảo rằng việc này vô cùng khẩn cấp, nếu không giải quyết ngay thì mình có thể bị đưa ra tòa.

Tới đây, mình đã tra Google ngay số điện thoại này… nhưng rồi không thể tin được đó đúng là số của USCIS! Ngay lúc đó còn có thêm một số khác gọi tới, mình hoang mang nhấc máy thì đầu giây bên kia xưng là bên Cảnh sát địa phương và trình bày với mình câu chuyện tương tự. Sự hoang mang nhân đôi khi kết quả tìm kiếm số điện thoại này trên Google lại trùng khớp với cảnh sát ở khu mình sống.

Trong đầu đầy mâu thuẫn, mình đáp lại với ông "cảnh sát" rằng mình cũng đang trong cuộc gọi với "thanh tra" bên kia. "Cảnh sát" bảo rằng chỉ cần mình hợp tác, trả lời những câu hỏi và làm theo những điều "thanh tra" hướng dẫn thì mình sẽ không sao. Khi quay trở lại cuộc gọi với "thanh tra" thì ngay lập tức, ông này hỏi mình vừa nói chuyện với ai, và cảnh báo mình không được trả lời bất kì cuộc gọi nào hay nói chuyện với bất kì ai về cuộc gọi này. Nếu không, quá trình điều tra sẽ bị gián đoạn và trở nên phức tạp. Đây là thủ đoạn điển hình của bọn scammers (người lừa đảo). Bọn họ làm thế này để cô lập mình, ngăn mình giao tiếp và tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh để dễ tấn công hơn.

Không chỉ thế, bọn họ còn bịa ra những thông tin vô cùng chi tiết như tên, số hiệu ID của thanh tra/cảnh sát, những điều lệ trùng khớp với thông tin trên website của chính phủ Mỹ. Sự chuyên nghiệp và lưu loát của họ khi dẫn dắt mình qua quá trình để "giải quyết vụ khiếu nại" này khiến mình thật sự tin rằng họ là người viết ra những thông tin trên website của chính phủ, hay nói cách khác, chính là người của chính phủ. Họ bắt mình đọc và xác nhận rằng mình hiểu những hậu quả của hoạt động phi pháp trên trang web của USCIS để tuân thủ theo "quy trình tiêu chuẩn" trong quá trình điều tra.

Sau đó, họ cho mình hai lựa chọn: một là bị giữ giam ở trại cảnh sát trong 5 ngày và bị ghi vào hồ sơ tội án, hai là trả tiền cho một luật sư đại diện để giải quyết vụ này cho mình rồi khi nếu thấy mình vô tội, thì sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền.

Nhận cuộc điện thoại lạ - bài học đắt giá 50 triệu đồng cho du học sinh Việt tại Mỹ - Ảnh 2.

Minh Anh mong những chia sẻ của mình sẽ giúp cho những bạn du học sinh khác tránh bị lừa và tiếp tục hành trình du học thật an toàn, tốt đẹp.

Bọn họ bảo mình cài một ứng dụng chia sẻ màn hình và hướng dẫn mình chuyển tiền. Lúc đầu họ đòi mình 1945 USD (khoảng 45 triệu đồng) khoảng trả qua một dịch vụ chuyển tiền nhanh qua mạng. 

Mình đã ấn nút chuyển tiền, nhưng rất may giao dịch bị từ chối. Họ bảo rằng vì mình đang bị tình nghi nên tài khoản nhà băng có thể bị ngừng. Lúc này mình thật sự sợ, vì nghĩ chỉ có chính phủ mới có cái quyền năng to lớn là đóng băng được tài khoản của mình và gấp gáp tìm cách khác để chuyển khoản. 

Trong tài khoản nhà băng khác thì chỉ có 1/3 số tiền mà họ đòi, nhưng sau 5 phút "thảo luận với luật sư" thì số tiền đó cũng được chấp nhận. Lần thứ hai, giao dịch lại không thành công. Lần này họ bảo mình gửi tiền offline và gửi bưu điện cho họ. Dù thấy ngớ ngẩn, mình vẫn không thể gạt khỏi đầu câu hỏi "ai lại có thể điều khiển tài khoản ngân hàng của mình?". 

Vì thế nên mình vẫn xách xe đi. Đây là lúc bạn mình xuất hiện. Nghi ngờ đây là scam, bạn đã chở mình ra đồn cảnh sát địa phương trước để xác minh thì mới biết mình bị lừa".

Vụ việc lần này, Minh Anh đã rút ra được nhiều vài học vô cùng quý giá: "Số điện thoại của cơ quan chính quyền vẫn có thể giả mạo được. Google thôi là không đủ. USCIS không bao giờ tự gọi điện. Bao giờ họ cũng gửi thông báo qua bưu điện hoặc Email. Chỉ khi nào mình chủ động gọi cho họ trước để liên hệ với họ thì họ mới gọi lại cho mình.

Không bao giờ chính phủ Mỹ yêu cầu mình chia sẻ màn hình hay thông tin riêng tư khi không có lệnh khám. Nếu đã lỡ cài ứng dụng thì sau đó phải đổi mật khẩu, quét virus hoặc reboot thiết bị để giữ an toàn.

Hệ thống ngân hàng ở Mỹ sẽ chặn những giao dịch nếu như tài khoản nhận tiền bị tình nghi. Như trong trường hợp của mình, vấn đề không nằm ở tài khoản của mình mà là tài khoản nhận tiền của scam đã bị báo cáo bởi những người khác.

Không bao giờ tiền gửi cho luật sư lại có trường hợp "giảm giá" hay trả dưới hình thức "coupon" từ tiệm tạp hóa như trên. Không bao giờ đối diện với những vụ việc tương tự một mình. Luôn tìm sự trợ giúp từ những người xung quanh để có một cái nhìn khác về những gì đang xảy ra. Bọn lừa đảo đã quá rành cách để làm mình rối trí, dẫn đến giải quyết vấn đề một cách không sáng suốt".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem