Nhân sự hậu Covid-19: Cần “tối ưu hoá" chứ không phải “cắt giảm"

Thùy Anh Thứ tư, ngày 06/05/2020 06:29 AM (GMT+7)
Việt Nam đang kiểm soát dịch Covid-19 khá tốt, đây là tiền để để phục hồi kinh tế, khôi phục sản xuất. Để doanh nghiệp phát triển, nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng từ khóa cho doanh nghiệp hậu Covid-19 là “tối ưu hoá" chứ không phải “cắt giảm" nhân sự.
Bình luận 0

Cần “tối ưu hoá” thay cho “cắt giảm”

Đây là thông điệp được nhiều chuyên gia nhân lực đưa ra trong tọa đàm “Đi làm hậu cách ly - Tiếp lửa cho nhân sự". Sự kiện được ACheckin - giải pháp quản lý tài nguyên doanh nghiệp (thuộc Appota Group) thực hiện vào ngày 5/5 vừa qua, nhằm giúp các doanh nghiệp có hướng nhìn mới trong cách quản trị nhân sự thời kỳ hậu Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong quý I/2020, có tới 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, 12.200 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể. Con số của Tổng cục Thống kê cho biết, gần 5 triệu người lao động bị ảnh hưởng. Những con số này đã cho thấy thực tế đầy khắc nghiệt và khiến nhân sự của các doanh nghiệp không khỏi lo lắng. Với các nhân sự ở lại, họ phải làm việc nhiều hơn bình thường để cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian giãn cách xã hội, làm việc tại nhà đã khiến mối quan hệ, tương tác trong công việc giữa các thành viên trong công ty gián đoạn, kém hiệu quả. 

img

Chuyên gia nhân sự cho rằng trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, thay vì cắt giảm doanh nghiệp nên tối ưu hóa nhân sự. 

Thời điểm này, câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở chính là “tiếp lửa" như thế nào để giữ chân nhân sự, giúp họ làm việc một cách nhiệt huyết, đồng hành cùng công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. 

Ông Phan Sơn - chuyên gia trưởng học viện Quản trị HRD Academy cho rằng, ảnh hưởng của Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu. Thực tế đặt ra cho các tổ chức là phải cân đối lại các khoản chi, làm sao cắt giảm hợp lý. Doanh nghiệp có nhiều gói chi phí khác nhau, những phần nào không quá cần thiết trong giai đoạn này sẽ có thể lược bỏ, nhưng chi phí về nhân sự sẽ là yếu tố cuối cùng để lựa chọn cắt giảm.

Ngoài ra theo ông Nguyễn Đình Thành - đồng sáng lập Elite PR School, Giám đốc điều hành CSCI INDOCHINA, thời điểm này, cắt giảm không phải là điều cần nhấn mạnh, doanh nghiệp nên đặt vấn đề tối ưu hóa dòng tiền lên trên hết để đảm bảo sự vận hành của doanh nghiệp.

Trong trường hợp buộc phải cắt giảm lương thưởng, nhân sự, cần phải dựa vào các yếu tố về hiệu quả công việc của nhân viên để thực hiện một cách hợp lý, trong đó việc nói như thế nào với nhân viên để đối mặt với các tin xấu là khá quan trọng. 

Hơn hết, chủ doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị, chủ động bằng cách luôn minh bạch hóa thông tin, đánh giá nhân sự trên các thước đo, thực hiện tối ưu chi phí, thành lập quỹ dự phòng cho các tình huống như hiện nay.

Văn hóa doanh nghiệp góp phần quyết định thành công

Nhiều chuyên gia cho rằng hậu cách ly, cách tương tác trong công việc đang có sự thay đổi kết hợp cả online và offline. Theo ông Phan Sơn, sự thay đổi môi trường làm việc hiện nay buộc nhân viên làm việc cần có mục tiêu cụ thể hơn, tần suất cập nhật, báo cáo kết quả công việc phải tăng nhiều hơn. Doanh nghiệp Việt bình thường chưa làm tốt việc đánh giá công việc thì đây là cơ hội để quản lý tốt hơn. 

Cho rằng quy trình cũng là một điều rất quan trọng, CEO có thể không đến văn phòng, không kiểm soát quá nhiều, chỉ cần quy trình rõ ràng chặt chẽ thì nhân viên vẫn sẽ làm việc hiệu quả, ông Thành Nam - người sáng lập Đại học Trực tuyến FUNiX cho biết.

"Cách tương tác làm việc hiện tại, không phải là mang cách làm offline lên online mà sẽ phải sáng tạo về cách làm hơn, chú trọng nội dung công việc nếu không sẽ khó đi được đường dài trong khi chưa thể ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19" - ông Nam nói.

Trong bối cảnh hậu dịch bệnh, công việc có thể có một chút xáo trộn nhưng thời điểm khó khăn đó đồng thời cũng là phép thử xem văn hoá doanh nghiệp đã đủ mạnh hay chưa. Một doanh nghiệp có nền văn hóa tốt sẽ góp phần tạo nên sự đoàn kết, phát triển bền vững.

Đối với nhân viên, các chuyên gia cũng cho rằng thời điểm này năng lực của nhân viên sẽ được bộc lộ mạnh nhất. “Lửa thử vàng gian nan thử sức", thời điểm làm việc từ xa hay khi công ty khó khăn, năng lực thật sự của nhân viên sẽ bộc lộ rõ nét. Những tính cách như sự kỷ luật, trách nhiệm, làm việc có mục tiêu, có sự học hỏi sẽ được lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấu. 

Ông Thành Nam có một góc nhìn khá mới về năng lực của nhân viên: Thời điểm này là cơ hội mà một người có thể làm nhiều việc khác nhau, nhiều dự án khác nhau của nhiều công ty khác nhau. Một ông chủ sẽ không sở hữu nhân viên của riêng mình nữa. Nguồn lao động của đất nước sẽ tận dụng tối ưu hơn. Xu hướng này hiện khá phát triển ở nước ngoài. Thời điểm này đã tạo ra một cơ hội mới, một thời đại mới, xây dựng một nền văn hóa làm việc mới. 

"Năng lực mà một nhân sự cần có trong bối cảnh hiện tại là thích nghi, năng động và chủ động hơn".

Ông Thành Nam - Đại học Trực tuyến FUNiX

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem