Nhật Bản ghi nhận 10 tỷ USD thâm hụt tài khoản vãng lai, lớn nhất kể từ năm 2014
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, công bố thâm hụt tài khoản vãng lai là 1.1887 nghìn tỷ yên (10,31 tỷ USD) vào tháng 1/2022. Đây là mức thâm hụt lớn hơn nhiều so với ước tính trung bình của giới chuyên gia kinh tế là thâm hụt 880 tỷ yên.
Dữ liệu tài khoản vãng lai cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế thiếu tài nguyên Nhật Bản vào nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu thô, khiến thâm hụt thương mại ngày càng lớn.
Điều này là do chi phí nhập khẩu dầu tăng cao trong bối cảnh bất ổn tiếp tục từ cuộc khủng hoảng Ukraine và đại dịch COVID-19.
Đây là tháng thâm hụt thứ hai liên tiếp và đánh dấu mức thâm hụt lớn thứ hai theo dữ liệu so sánh từ năm 1985.
Chi phí nhiên liệu tăng cao đã khiến giá trị hàng hóa nhập khẩu của Nhật tăng 39,9% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. Con số rõ ràng đã vượt qua mức tăng 15,2% của giá trị xuất khẩu nước này.
Ngoài ra, thâm hụt thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc đã mở rộng trong tháng 1/2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc chậm lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong khi nhập khẩu từ nước này tăng mạnh do nhu cầu dự trữ trước kỳ nghỉ lễ.
Ông Takashi Miwa, kinh tế trưởng tại Nomura Securities, cho biết: "Với yếu tố thặng dư thu nhập đầu tư lớn, tôi không nghĩ cán cân thanh toán của Nhật Bản sẽ chuyển sang thâm hụt sớm như vậy".
Nhật Bản kiếm được lợi nhuận ổn định và kếch xù từ khoản đầu tư trước đây vào chứng khoán và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Điều từ lâu đã thay thế thương mại để trở thành là động lực chính cho thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong những năm gần đây.
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù đồng yên yếu cũng giúp tăng chi phí nhập khẩu, nhưng việc thúc đẩy khối lượng xuất khẩu của nó không còn lớn như trước đây. Nguyên nhân là do sự dịch chuyển liên tục sản xuất của các nhà xuất khẩu ra nước ngoài.
Có thể thấy, những năm gần đây cơ cấu kinh tế Nhật Bản thay đổi rõ rệt. Lợi nhuận thu được từ đầu tư trực tiếp và danh mục đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài đã giúp bù đắp thâm hụt thương mại, đưa thặng dư thu nhập cơ bản của Nhật Bản lên 1,289 nghìn tỷ yên trong tháng đầu năm 2022.
Dữ liệu cũng cho thấy lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh khiến tài khoản du lịch thặng dư chỉ còn 12,3 tỷ yên. Thâm hụt dịch vụ tổng thể của Nhật Bản trong tháng 1 lên tới 737,9 tỷ yên.