Nhật Bản không thỏa hiệp, Hàn Quốc đi tìm kiếm ủng hộ từ ASEAN trong xung đột thương mại
Người Hàn Quốc xé lá quốc kỳ Nhật Bản trong một cuộc biểu tình tại Seoul đòi quyền lợi cho công nhân bị cưỡng ép lao động từ Thế chiến II
Trong khuôn khổ các cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa các đại diện của Nhật Bản, Hàn Quốc với các nước ASEAN diễn ra vào tuần tới tại Bangkok, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha dự kiến sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại tự do, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Nhật Hàn leo thang.
Nhật Bản trước đó đã hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc nhiều loại hóa chất, vật liệu công nghệ cao được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất chíp và màn hình điện tử, với cáo buộc quy trình quản lý xuất nhập khẩu của Hàn Quốc lỏng lẻo.
Phía Nhật Bản tiết lộ một số hóa chất mà nước này xuất khẩu sang Hàn Quốc bị chuyển đến Triều Tiên, có nguy cơ được sử dụng trong chế tạo vũ khí quân sự. Hàn Quốc sau đó phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng đây thực chất là hành động trả đũa của Tokyo sau phán quyết của Tòa án Seoul yêu cầu các công ty Nhật trả khoản bồi thường khổng lồ đến những nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động thời Thế chiến II.
Chiến lược của Hàn Quốc tại cuộc gặp gỡ Bộ trưởng ASEAN sắp tới là nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại tự do, qua đó phủ quyết những hành động hạn chế thương mại của Nhật Bản, điều đi ngược lại với “tinh thần ASEAN” trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang khắp thế giới. Ở một mặt trận khác, Mỹ và Trung Quốc cũng sắp bước vào đàm phán thương mại với kỳ vọng chấm dứt những xung đột kéo dài hơn một năm nay.
Choi Yoon-jung, nhà nghiên cứu chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc cho hay: “Không một quốc gia nào phản đối nguyên tắc thương mại tự do, cũng không một quốc gia nào phản đối Hàn Quốc tuyên truyền lợi ích thương mại tự do trong cuộc họp với các Bộ Trưởng ASEAN sắp tới. Đó là thông điệp ngầm mà Hàn Quốc muốn gửi tới Nhật Bản”.
Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi tòa án Seoul yêu cầu một công ty sản xuất thép của Nhật bồi thường khoản tiền khổng lồ cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động vào Thế chiến II, khi Nhật Bản cố gắng biến Hàn Quốc thành thuộc địa.
Những tranh chấp thương mại sau đó gây ra nguy cơ lớn với chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, nhất là khi Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất linh kiện điện tử, smartphone và thiết bị kỹ thuật số toàn cầu.
Một số quan chức Mỹ đã chia sẻ mối quan ngại về những tác động lớn lao đến nền kinh tế thế giới mà thương chiến Nhật Hàn có thể gây ra. Nhưng theo ông Bong Young-sik, thành viên Viện nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, nhiều khả năng các nước ASEAN và cả Mỹ sẽ không can thiệp nhiều trừ khi những xung đột thực sự làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích kinh tế của chính họ.
"Nút thắt quan trọng là các phán quyết của tòa án Hàn Quốc về tình trạng cưỡng ép lao động trong quá khứ, điều mà Nhật Bản cho là đã giải quyết xong từ năm 1965, khi hai nước ký hiệp định bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Chính Nhật Bản và Hàn Quốc phải trực tiếp giải quyết gốc rễ những bất đồng này, nếu muốn chấm dứt triệt để xung đột thương mại." - ông Bong khẳng định.
Seoul hiện đang đối mặt với nguy cơ lớn sau khi bị Tokyo gạch tên khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại đáng tin cậy, theo đó hạn chế thông quan 40 loại sản phẩm với khoảng 1.100 mặt hàng cụ thể. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang tìm mọi cách để chấm dứt xung đột thương mại trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 4 tới đây, qua đó ngăn chặn những thiệt hại khổng lồ với nền kinh tế.