Nhật ký liệt sĩ lưu lạc 43 năm ở Mỹ: Ước mong đưa anh về quê mẹ

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 18/05/2016 06:22 AM (GMT+7)
Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nam (Nông Cống, Thanh Hóa) thiết tha mong sớm tìm gặp được người lính Mỹ lưu giữ cuốn nhật ký giàu chất lửa mà cũng đậm chất thơ để tìm hiểu thêm những thông tin về sự hy sinh của anh Nam. Cùng với đó là tâm nguyện đưa hài cốt của liệt sĩ về quê nhà an nghỉ sau hơn 40 năm anh nằm xuống.
Bình luận 0

Người con gái trong bức hình

Ngoài những dòng nhật ký vô cùng xúc động, diễn tả tâm trạng của  liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, cuốn nhật ký tạo nhiều băn khoăn về bức hình người con gái đính kèm trong đó. Bức ảnh của người thiếu nữ sau hơn 40 năm gần như vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Nhìn bức ảnh người thiếu nữ này, ít người có thể hình dung hay tưởng tượng được bức hình được chụp từ hơn 40 năm trước bởi vẻ đẹp hiện đại xuyên thời gian.

img

Ông Nguyễn Văn Chinh - em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Nam mong muốn tìm được hài cốt của anh. Ảnh: T.L

Bức hình này khiến nhiều người xem cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam nhận định đây là hình của người yêu liệt sĩ, bà Hà Thị Rốt, được nhắc tới với hai chữ trìu mến “em yêu”. Nhưng khi xem tấm hình này, bà Rốt đã khẳng định, đây không phải là bà, đồng thời nói thêm: “Phụ nữ miền Bắc của hơn 40 năm trước, kể cả người thành phố cũng không có nhiều người ăn mặc như thế này”. Bà Rốt nói thêm: “Anh Nam chiến đấu ở khu vực Campuchia, có người Khmer và đây có thể là hình của một người con gái Khmer nào đó”.

Còn cựu chiến binh Lê Minh Ức (75 tuổi) mà chúng tôi gặp ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phán đoán về bức hình: “Trong chiến tranh, mọi thứ lộn xộn lắm. Có thể người lính Mỹ trong khi thu dọn chiến trường đã thu được cuốn nhật ký và cả bức hình này, anh ta tiện kẹp luôn vào cuốn nhật ký. Thời chúng tôi, mang ảnh người yêu ra trận chỉ là chị em mặc áo trắng, quần sa tanh Nam Định, hay quần áo bộ đội thôi”.

Trong cuốn nhật ký còn có 1 bức họa hình bằng bút chì than, khiến người xem xúc động. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Nam vẽ 2 ngôi nhà của đồng bào Khmer với dòng chữ “Khmer nhớ mẹ”. Nói về bức họa, ông Nguyễn Văn Chinh- em trai liệt sĩ chia sẻ: “Anh Nam là người con hiếu thảo, rất thương mẹ. Hồi ở nhà, cứ việc nào nặng nhọc anh đều giành lấy làm để mẹ bớt vất vả. Mẹ tôi lúc nào cũng thương nhớ 2 anh Việt và Nam. Một điều khá trùng hợp, đúng ngày cuốn nhật ký được phía Mỹ trao trả,  mẹ tôi cũng qua đời, thọ 96 tuổi, bà được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trước khi mất, bố mẹ tôi cũng đã xây sẵn hai ngôi mộ gió, để sau này nếu tìm được hài cốt của các anh tôi, thì đưa về nằm bên các cụ”.

Gương sáng cho mai sau

Anh Nam là người con hiếu thảo, rất thương mẹ. Hồi ở nhà, cứ việc nào nặng nhọc anh đều giành lấy làm để mẹ bớt vất vả”.
Ông Nguyễn Văn Chinh

Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, mỗi khi được hỏi về cuốn nhật ký, ông Nguyễn Văn Chinh lại  không kìm được nước mắt: “Anh tôi đã hy sinh rồi, tuy chưa tìm được hài cốt cũng như chỗ anh tôi nằm lại, nhưng tìm được kỷ vật về đến gia đình, nhìn những chữ anh viết, hình anh vẽ, cũng coi như đã nhìn thấy anh tôi. Nhưng niềm mong mỏi của gia đình là được cơ quan nhà nước giúp để tìm được cựu binh Mỹ đã nhặt được cuốn nhật ký để hỏi thăm về tung tích của anh tôi, và cũng để cảm ơn họ đã lưu giữ giúp kỷ vật của anh tôi.  Đây là mong ước và nhiệm vụ lớn lao của gia đình với anh tôi”.

Con trai ông Nguyễn Văn Chinh - anh Nguyễn Văn Huy, hiện là cán bộ huyện Nông Cống xúc động nói: “Ngày xưa, ông nội còn sống kể về bác Nam đã trốn ông xung phong đi bộ đội. Hồi đó, ông tôi làm xã đội trưởng, gia đình đã có bác Việt đi chiến đấu rồi, cũng chưa muốn cho bác Nam đi, nhưng bác đã viết đơn tình nguyện trên Trường Trung cấp Nông nghiệp để được ra trận. Khi đi, bác còn giấu ông, hái chè và đem bọc gạo của gia đình đi bán để lấy tiền mua kẹo và thuốc lá, chia tay những người bạn trong làng, trong đó có cả bác Rốt. Khi đọc cuốn nhật ký của bác để lại, tôi thật không ngờ, dù bác hy sinh khi mới 20 tuổi, nhưng những suy nghĩ của bác về Tổ quốc, về tình yêu, làng xóm đã vượt xa hơn tuổi đôi mươi rất nhiều”.

Cựu chiến binh Đỗ Trung Ky (66 tuổi), người cùng xã và nhập ngũ cùng đợt với liệt sĩ Nguyễn Văn Nam cho biết: “Thời chúng tôi, đi bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu ít ai lưu lại được những kỷ niệm như anh Nam. Với những suy nghĩ đã được anh Nam gửi gắm vào cuốn nhật ký, đây là bằng chứng sống để chúng tôi giáo dục thế hệ mai sau. Những cựu chiến binh xã Minh Nghĩa sẽ lưu giữ những dòng nhật ký mà anh Nam để lại như một phần lịch sử. Đây là truyền thống cách mạng, để những con em quê hương tôi được tự hào”.

Khép lại cuốn nhật ký có tình yêu, nỗi nhớ, hoa hồng, ý chí quyết tâm sắt đá, cả máu và sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, xin mượn lời của bạn trẻ Hoàng Thị Minh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chia sẻ khi xem những kỷ vật trong triển lãm “Ký ức chiến tranh”: “Mỗi kỷ vật, khi em được tiếp xúc, đều vô cùng xúc động, bởi sự gian khổ và hy sinh của những người đã làm nên chiến thắng để đất nước có được hòa bình ngày hôm nay. Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam giúp chúng em nhìn lại bản thân, để càng thêm yêu đất nước”.

XEM THÊM HAI KỲ TRƯỚC:

>> Nhật ký liệt sĩ và hành trình lưu lạc 43 năm trên đất Mỹ

>> Nhật ký liệt sĩ 43 năm lưu lạc trên đất Mỹ: Chuyện tình cảm động

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem