Nhiều dự án đường sắt kết nối Cảng biển được kêu gọi đầu tư

Thế Anh
23/11/2021 13:42 GMT +7
Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT văn bản đề xuất danh mục các dự án mới kêu gọi đầu tư nước ngoài lĩnh vực đường sắt.

Kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT

Tờ trình của Cục Đường sắt Việt Nam bổ sung dự án đầu tư đường sắt nối vào cảng Lạch Huyện và dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải.

Theo đó, dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện đang ở bước lập dự án để thay thế tuyến đường sắt đến cảng Hải Phòng do hạn chế khai thác bởi ảnh hưởng giao thông đô thị.

Dự án có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa trên khu gian Dụ Nghĩa - Vật Cách, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng (ga phân loại) với hướng tuyến cải tạo ga Dụ Nghĩa (ga nối ray) và mở mới ga Nam Hải Phòng (ga lập tàu).

Nhiều dự án đường sắt kết nối Cảng biển được kêu gọi đầu tư - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Cảng Vạn Ninh, Quảng Ninh đang được triển khai. Ảnh: CTV

Từ ga Dụ Nghĩa tuyến đường vượt qua sông Lạch Tray theo hướng xuống phía Nam TP Hải Phòng tới ga Nam Hải Phòng (khu vực xã Minh Tân), tới bán đảo Đình Vũ, qua cầu Tân Vũ đến ga Đình Vũ.

Từ ga Đình Vũ, tuyến song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu đến ga phân loại. Từ ga phân loại, tuyến rẽ phải chạy dọc cầu tàu để cập bến trong cảng Lạch Huyện.

Dự án sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 32,6 nghìn tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.

Với dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện đã được lập dự án đầu tư và được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu và được cập nhật nghiên cứu khả thi hoàn thành năm 2019 do Koica tài trợ.

Tuyến đường sắt này có chiều dài 84km, khổ 1.435mm, đi song song QL51, đi qua khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Bến Đình - Sao Mai.

Cũng theo ông Hồng Anh, vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 56,8 nghìn tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn là 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.

Với các dự án nêu trên, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật.

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đưa vào danh mục Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Đến nay, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021. Đây là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 đã được Bộ GTVT chỉ đạo lập tuân thủ theo quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.

Quy hoạch đã xác định đường sắt là một chuyên ngành đặc thù có vai trò quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu vận tải lớn; phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài.

Nhiều dự án đường sắt kết nối Cảng biển được kêu gọi đầu tư - Ảnh 2.

Hệ thống đường sắt Việt Nam đang khai thác. Ảnh: VNR

Đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hoá

"Tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Cùng với đó từng bước đa dạng hoá nguồn lực trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, vận tải đường sắt; tập trung nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng các tuyến đường sắt.

Tiếp cận huy động nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị, phương tiện, kinh doanh đường sắt. Xây dựng nền tảng để phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại, đồng bộ với các ngành công nghiệp khác.

Quy hoạch đã xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 07 tuyến đường sắt hiện hữu với tổng chiều dài khoảng 2.440km; quy hoạch 09 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km.

Trong đó nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ.

Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km; trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.



Thế Anh