Nhiều dự án nhà ở xã hội biến thành nhà thương mại trái quy định
Nhà ở xã hội không được phép chuyển thành thương mại
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa thông báo kết quả kiểm toán liên quan đến nhà ở xã hội (NƠXH), giai đoạn 2015 - 2018, tại Hà Nội, trong đó chỉ rõ 3 dự án nhà ở xã hội chuyển sang nhà ở thương mại trái quy định.
Cụ thể, theo KTNN, tính đến hết năm 2018 kết quả thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội chỉ đạt 14% kế hoạch đặt ra theo các quyết định, còn thiếu hơn 4.7 triệu m2 nhà ở. Kết quả kiểm toán chỉ rõ, hầu hết các dự án nhà ở xã hội theo danh mục dự kiến hoàn thành trong năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 đều chậm tiến độ hoàn thành, một số dự án chưa có thông tin tiến độ dự án hoặc không thực hiện dự án được thu hồi bàn giao đất lại cho thành phố.
Đáng chú ý, có 3 dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại là trái quy định gồm: Dự án nhà ở xã hội tại ô đất quy hoạch C.6/NO12, phường Giang Biên, quận Long Biên; Dự án khu đô thị nhà ở xã hội Đại Áng; Dự án nhà ở xã hội tại dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ giai đoạn 1 phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Theo KTNN, 3 dự án nhà ở xã hội nói trên được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang thương mại không có quy định trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2017/NĐ-CP 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ - CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (chỉ có quy định về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc sang làm nhà ở phục vụ tái định cư.
Cũng theo KTNN, các quy định hiện hành chưa làm rõ về trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý đối với những trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không đảm bảo giải quyết được đầy đủ ác trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không đề cập cơ chế phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng (Sở Xây dựng, cơ quan công an), không ràng buộc được trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Kiểm toán Nhà nước còn cho biết thêm, Sở Xây dựng TP. Hà Nội chưa cung cấp được các kế hoạch kiểm tra cũng như phát hiện xử lý trường hợp vi phạm mục đích sử dụng nhà ở xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cơ quan này kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo việc rà soát để các dự án nhà ở xã hội được sử dụng đúng mục đích. Bên cạnh đó, cần xử lý các đối tượng mua dưới dạng công chứng hợp đồng ủy quyền toàn diện hoặc đã có nhà, không phải thu nhập thấp vẫn được mua nhà ở xã hội.
Nhiều dự án NƠXH ở TP. HCM xin chuyển thành thương mại
Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, hồi tháng 4/2019, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư pháp và UBND TP.HCM về việc có 2 doanh nghiệp muốn chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ dự án từ nhà ở xã hội sang thương mại.
Theo đó, Công ty Tấn Hưng là chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại dân cư Hưng Điền tại phường 16, quận 8, TP.HCM. Trong quá trình thực hiện dự án đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, Công ty kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển đổi chức năng đầu tư dự án từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại; Chấp thuận các chỉ tiêu về quy hoạch, dân số trong trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương chuyển đổi chức năng từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại.
Trường hợp thứ 2 là Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn cũng có văn bản kiến nghị về dự án chung cư NƠXH tại phường An Phú Đông, quận 12. Trong tổng số 308 căn hộ chung cư, Công ty phải dành tối thiểu 61 căn hộ chung cư để cho thuê; được bán tối đa 184 căn hộ nhà ở xã hội với giá không vượt quá 14,5 triệu đồng/m2 (bao gồm thuế GTGT); được bán kinh doanh thương mại 63 căn hộ.
Theo HoREA, đây là dự án mà doanh nghiệp tự thương lượng giải phóng mặt bằng, tự bỏ vốn đầu tư xây dựng, ngoài việc được miễn tiền sử dụng đất, doanh nghiệp chưa được hưởng các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội.
Theo Công ty tính toán, sau khi thực hiện cho thuê căn hộ theo giá bảo tồn vốn hoặc cho thuê căn hộ theo giá thị trường và bán các căn hộ này sau 5 năm cho thuê đối với 61 căn hộ và cho thuê mua 184 căn hộ nhà ở xã hội, thì tính cho toàn bộ dự án, doanh nghiệp bị lỗ khoảng 14,88 tỷ đồng. Do vậy, Công ty này đề xuất Sở Xây dựng cho phép Công ty được chuyển đổi 61 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê sang 61 căn hộ theo giá thương mại, để giúp cho Công ty thu hồi vốn và có lãi.
Ngoài ra, một dự án khác cũng đang làm thủ tục chuyển đổi từ nhà ở xã hội thành thương mại là HausBelo, do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Minh Sơn làm chủ đầu tư, EZ Land Việt Nam là đơn vị phát triển dự án.
Trao đổi với báo chí, UBND quận 9, TP.HCM cho biết, chủ đầu tư dự án HausBelo đang đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2000 làm cơ sở để công ty điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tăng quy mô dân số đối với lô đất xây dựng chung cư. Việc điều chỉnh quy hoạch 1/2000 đang trong quá trình làm thủ tục.
Theo tìm hiểu, những khách hàng đặt cọc đợt 1 dự án HausBelo đang sang nhượng với mức chênh lệch gần 100 triệu/căn hộ. Theo dự báo của các chuyên gia, nếu hoàn thành thủ tục điều chỉnh thiết kế và chuyển từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại thì mức giá chênh lệch có thể lên đến 500 triệu/căn.
Với những thông tin vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố về quả kiểm toán liên quan đến nhà ở xã hội, việc xin chuyển đổi nhà ở xã hội thành thương mại vẫn là câu chuyện dài, cần lối thoát về thủ tục hành chính.