Nhiều giảng viên Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt có nguy cơ mất việc do Luật Giáo dục 2019

Văn Long Thứ tư, ngày 09/09/2020 19:26 PM (GMT+7)
Dù vừa có giá trị văn hóa, lịch sử, nhưng ngôi trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đang phải đối mặt với tình trạng nhiều giáo viên mất việc làm do thực hiện Luật Giáo dục 2019.
Bình luận 0

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là ngôi trường nổi tiếng tại TP.Đà Lạt. Một trong 10 ngôi trường đẹp nhất Việt Nam, Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) cũng công nhận đây là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ XX.

Vào thời điểm "sung sức" nhất, Trường Cao đẳng này đã có đến 3.000-3.200 sinh viên. Tuy nhiên, đến nay, do thực hiện Luật Giáo dục 2019, ngôi trường này đang đứng trước nguy cơ bị giải thể. Cũng theo luật này, từ 1/7/2020, với quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên; giáo viên tiểu học, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân trở lên, nhiều trường cao đẳng sư phạm trong cả nước bắt đầu chuyển đổi phương thức hoạt động, hoặc sáp nhập thành một khoa của trường đại học, hoặc bị giải thể.

Nhiều giảng viên trường CĐ Sư phạm Đà Lạt có nguy cơ mất việc do Luật giáo dục 2019 - Ảnh 1.

Dãy lớp học được xây hình vòng cung bằng gạch trần đỏ là điểm nhấn của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, thạc sĩ Huỳnh Linh Bảo - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cho biết trước đây, thời điểm đông nhất, trường đã tuyển sinh và giảng dạy với 3.200 sinh viên trong một khóa. Tuy nhiên, hiện nay, thực hiện Luật Giáo dục 2019, trường chỉ được tuyển sinh hệ cao đẳng mầm non với chỉ tiêu phân bổ 120 - 130 sinh viên, hệ tiểu học và trung học cơ sở sẽ không tuyển sinh thêm.

"Hiện tại, trong 103 cán bộ, giảng viên và người lao động toàn trường đã có 15 giảng viên không đủ số giờ lên lớp theo quy định. Ngoài ra, 6 giảng viên dôi dư có số tiết ít hơn rất nhiều so với quy định. Hiện nay, nhà trường vẫn tổ chức liên kết đào tạo với các trường đại học, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục để tăng thêm thu nhập cho giảng viên. Mặc dù vẫn cân đối được vấn đề thu chi, nhưng việc này sẽ khó khăn hơn nhiều trong những năm sau", thạc sĩ Huỳnh Linh Bảo chia sẻ.

Nhiều giảng viên trường CĐ Sư phạm Đà Lạt có nguy cơ mất việc do Luật giáo dục 2019 - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Linh Bảo (bên trái) làm việc với phóng viên.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng cho hay mong muốn của ông, cũng như toàn bộ cán bộ, giảng viên trong trường là giữ lại ngôi trường này nhưng đào tạo theo hướng mở rộng. Tuyển sinh thêm sinh viên tại các tỉnh khác trong khu vực như Bình Phước, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Nông… để đào tạo. Qua khảo sát, hệ thống trường cao đẳng sư phạm tại các tỉnh trên đều đã giải thể hoặc sáp vào các trường đại học.

Vì vậy, nhu cầu sinh viên cả nước và khu vực theo học chuyên ngành cao đẳng mầm non rất lớn. Hơn nữa, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nằm ở vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, lại rất nổi tiếng với ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất cả nước và thế giới, nên rất hấp dẫn sinh viên. Nếu được tuyển sinh rộng rãi, ông Bảo khẳng định mỗi năm sẽ đủ năng lực tuyển sinh từ 500 - 700 sinh viên đăng ký theo học theo mô hình sinh viên đóng học phí, nhà trường tự thu tự chi thay vì Nhà nước bao cấp toàn bộ như hiện nay.

Nhiều giảng viên trường CĐ Sư phạm Đà Lạt có nguy cơ mất việc do Luật giáo dục 2019 - Ảnh 3.

Phương án thành lập trường THCS - THPT trong Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được cho là khả thi nhất.

Ngoài ra, nếu được chấp thuận, trường sẵn sàng thành lập trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông trong trường để giảm tải cho các trường phổ thông tại TP.Đà Lạt đang quá tải hiện nay.

Làm việc với phóng viên, ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cho hay, vừa qua, Sở đã đưa 5 giảng viên về làm cán bộ của sở, giới thiệu 1 giảng viên xuống làm việc tại một trường phổ thông… để giải quyết vấn đề dôi dư lao động của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

"Qua làm việc ban đầu với lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Sở rất ủng hộ hai phương án mà đơn vị này đề xuất. Tuy nhiên, phương án 1 phải được sự chấp thuận về chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt các cơ chế chính sách hoạt động. Với phương án 2 - thành lập trường THCS - THPT trong trường là khả thi nhất vì thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Thế nhưng đây mới là những phương án của ngành giáo dục tỉnh, có thể UBND tỉnh có những phương án hiệu quả hơn… Vì vậy, sau khi trình báo cáo của Sở với tỉnh, chúng ta mới biết quyết định cuối cùng của địa phương", ông Long thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem