Nhiều học sinh chưa biết chọn ngành nghề phù hợp mà chạy theo ngành "hot", lương cao

Tào Nga Thứ năm, ngày 25/08/2022 15:03 PM (GMT+7)
Rất nhiều học sinh cấp THPT vẫn chưa biết chọn ngành nghề như thế nào là phù hợp với mình, trong khi đó lại chịu sự tác động của phụ huynh khi ai cũng muốn con học đại học vì dễ tìm được việc làm.
Bình luận 0

Nhiều học sinh chạy theo ngành "hot"

Hướng nghiệp luôn là một điều rất quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của mỗi học sinh. Vì thế, để các em chọn lựa được hướng đi chuẩn xác không phải là việc một sớm một chiều, mà còn là cuộc hành trình dài. Trong đó, không chỉ có quyết định các em học sinh, mà còn phải có sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình, nhà trường và doanh nghiệp.

Chia sẻ trong buổi Hội thảo "Đồng hành của doanh nghiệp và trường đại học trong công tác hướng nghiệp học sinh phổ thông" tổ chức ngày 24/8, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, việc định hướng nghiệp cho học sinh THPT giúp các em có lộ trình học tập đúng đắn và tự tin vào lựa chọn của mình, cũng như có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường nghề nghiệp. Qua đó, các em sẽ hạn chế được rủi ro làm trái ngành, thất nghiệp khi theo đuổi những ngành không phù hợp. Đồng thời, khi được lựa chọn theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích, các em sẽ chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực mình quan tâm, hơn là chỉ tập trung học lấy tấm bằng.

Nhiều học sinh chưa biết chọn ngành nghề phù hợp mà chạy theo ngành "hot", lương cao - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NTCC

Trước đây doanh nghiệp thường thụ động ngồi chờ ứng viên đến nộp hồ sơ ứng tuyển. Các trường đại học cũng thụ động chờ sinh viên đến thi tuyển. Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, đây là cách làm "hái phần ngọn" và khiến doanh nghiệp, trường học không chủ động được nguồn nhân lực của mình. Nếu muốn không bị thiếu nhân sự, thiếu sinh viên thì giải pháp tốt nhất chính là "chăm từ gốc đến ngọn".

Hiện nay rất nhiều học sinh cấp THPT vẫn chưa biết chọn ngành nghề như thế nào là phù hợp với mình mà chạy theo ngành "hot", lương cao. Bên cạnh đó là sự tác động của phụ huynh khi ai cũng muốn con học đại học ra dễ tìm được việc làm. Chính vì vậy, hướng nghiệp sớm cho các em là thực sự cần thiết và là một chặng đường dài".

Công tác hướng nghiệp vẫn chưa đúng và trúng

Bà Phan Thị Hồng Dung, Chủ tịch Mạng lưới EduLightenUp cũng cho biết, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hàng năm cả nước có khoảng 400.000 cử nhân ra trường thì có đến 60% sinh viên làm việc trái nghề và hơn 60% sinh viên nghỉ việc trong một năm đầu tiên. Trong khi, thực tế tại các doanh nghiệp thì lại điêu đứng, khốn đốn vì thiếu lao động. Đây chính là khoảng trống rất lớn giữa cung và cầu.

Nhiều học sinh chưa biết chọn ngành nghề phù hợp mà chạy theo ngành "hot", lương cao - Ảnh 2.

Bà Phan Thị Hồng Dung, Chủ tịch Mạng lưới EduLightenUp. Ảnh: NTCC

Theo bà Dung, nguyên nhân chính là công tác hướng nghiệp vẫn chưa đúng và trúng với nhu cầu lao động; Năng lực thích nghi và hội nhập thành công với môi trường làm việc ở các bạn trẻ còn yếu. Chính vì vậy, khi định hướng nghề nghiệp, các em học sinh cần xác định được một số yếu tố quan trọng như: Sở thích, đam mê; tính cách; năng lực; nhu cầu thị trường…

Bà Dung nhấn mạnh, việc hướng nghiệp cho học sinh THPT rất quan trọng, chính gì thế gia đình và nhà trường cần giúp học sinh hiểu rõ bản thân mình, biết mình đam mê lĩnh vực nào, có năng lực ở nhóm công việc gì, muốn làm nghề gì và trở thành ai trong tương lai. Việc hiểu rõ bản thân giúp các em có động lực vượt qua được các định kiến nghề nghiệp của xã hội, có cơ sở để không phải chọn theo số đông, theo kỳ vọng của mọi người xung quanh bởi không phải khuynh hướng nào cũng phù hợp với từng cá nhân.

Bên cạnh đó, việc hiểu rõ chính mình giúp các em có niềm tin vào bản thân, xác định mục tiêu, lộ trình học tập phù hợp. Gia đình và nhà trường không nên ép buộc hay có các lời khuyên mang tính giả định gây hoang mang tâm lý của các em, thay vào đó cần thể hiện rõ vai trò đồng hành, khuyên nhủ, động viên, có thái độ sẵn sàng chia sẻ và giúp các em hiểu ý nghĩa của việc hiểu rõ chính mình.

Ngoài ra, việc tự trải nghiệm, cọ xát thực tế, tham gia thực hành các hoạt động liên quan đến ngành nghề giúp các em nhìn nhận được công việc tương lai dưới góc độ thực tiễn hơn. Từ đó, các em sẽ có các hình dung chính xác hơn về công việc. Bên cạnh đó, các em cũng sẽ rút ra được các kinh nghiệm, các đánh giá đúng đắn hơn về sự phù hợp của bản thân với ngành, nghề.

Chia sẻ về việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, cô Trần Thị Mai, hiệu trưởng trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định cho biết: "Học sinh của chúng ta đang đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít cam go. Làm thế nào để các em tự tin vững bước vào tương lai, chủ động đón nhận ngành nghề, đón nhận sự thay đổi ngành nghề thì việc của chúng ta là lựa chọn phương thức tư vấn phù hợp với trình độ, năng lực bản thân và thích ứng được xu hướng của tương lai trong sự thay đổi công việc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem