Nhiều ngành sẽ giảm sâu, GDP tăng trưởng âm 1,0% nếu Covid-19 kéo dài

13/04/2020 13:07 GMT+7
Nếu bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý IV/2020, tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam âm 1,0%.

Tại buổi toạ đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020, được tổ chức sáng nay (13/4), PGS TS Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP), cho biết trong bối dịch bệnh bùng phát mạnh ở các nền kinh tế lớn trên thế giới và kể cả Việt Nam, việc đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong quý II và III của Việt Nam rất khó.

Tăng trưởng nhiều ngành sẽ giảm sâu

Theo đó, các chuyên gia VERP chỉ rõ, dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc sau đó lan sang các nước khác từ tháng 1, tuy nhiên tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ tháng 3. Trong đó hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều sụt giảm tăng trưởng như xuất khẩu, du lịch, hàng không… Thậm chí, lĩnh vực lâm ngư nghiệp còn bị ảnh hưởng kép từ dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Chỉ riêng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá nhất, đạt 7,12%. Tuy nhiên, dự báo trong quý II không đạt được được mức tăng trưởng như quý I và thấp nhất trong năm do tác động trễ của dịch bệnh.

Nhiều ngành sẽ giảm sâu, GDP tăng trưởng âm 1,0% nếu Covid-19 kéo dài - Ảnh 1.

Tăng trưởng nhiều ngành sẽ giảm sâu vì dịch Covid-19

Những khó khăn trên khiến số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kinh doanh tăng vọt so với các quý trước, với gần 31 nghìn doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động và hàng trăm nghìn người lao động mất việc làm.

Bên cạnh đó, các chỉ số phản ánh mặt cầu đều sụt giảm, trong đó chỉ số bán lẻ lại có sức tăng trưởng mạnh, mặt dù có dương nhưng chỉ bằng 1/3 của những năm trước. Cán cân thương mại hàng hoá thặng dư và nhập siêu khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của VERP những đơn hàng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm chưa bị ảnh hưởng và ảnh hưởng nhẹ tháng 3. PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, VEPR đánh giá: "Sang tháng 4 và 5 ảnh hưởng sẽ nhiều hơn".

Với thực trạng nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng giảm, lạm phát bình quân của quý II/2020 có khả năng sẽ thấp hơn quý I.

VERP đánh giá, trong năm 2020, rủi ro lạm phát do cầu kéo gần như không có; rủi ro từ tỷ giá ở mức thấp; trong khi rủi ro do gián đoạn nguồn cung (lương thực thực phẩm) tăng lên. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,0% có thể đạt được nếu giá cả lương thực thực phẩm được kiểm soát tốt.

GDP có thể tăng trưởng âm 1%

Đánh giá về triển vọng kinh tế trong quý II và những quý tiếp theo, các chuyên gia VERP đưa ra 3 kịch bản dựa trên nhận định bệnh dịch không bùng phát mạnh ở Việt Nam như Vũ Hán (Trung Quốc).

Theo đó, tác động xấu nhất của covid-19 rơi vào quý II, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối tháng 6 thì bắt đầu từ quý III cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây.

VERP đưa ra nhận định tăng trưởng GDP quý II là -3,3, quý III là 7,2, quý IV là 7,4 và cả năm là 4,2.

Kịch bản 2, tác động xấu nhất của covid-19 rơi vào quý II và III, nền kinh tế bắt đầu hồi phục vào nửa cuối quý III thì tăng trưởng GDP quý II, III, IV và cả năm lần lượt là -4,9%, -1,1%, 7,0% và 1,5%.

Kịch bản 3, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau Quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý IV/2020. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm là -1,0%.

Dẫu đưa ra kịch bản về tăng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, song các chuyên gia đánh giá con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thật của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.

Từ những nhận định trên, các chuyên gia khuyến nghị, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

Trong ngắn hạn, chi tiêu của khu vực công có thể bù đắp được những khó khăn trên nhưng trong dài hạn là không thể. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vắc-xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục