Nhiều nơi cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 học sinh đạt 4.0 IELTS: "Cần tỉnh táo để hiểu đúng"

Tào Nga Thứ năm, ngày 22/02/2024 07:03 AM (GMT+7)
Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều tỉnh thành cho biết sẽ cộng 1-2 điểm ưu tiên hoặc xét tuyển thẳng lớp 10 công lập cho thí sinh có IELTS từ 4.0 và tương đương.
Bình luận 0

Nhiều tỉnh thành cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 học sinh đạt 4.0 IELTS

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó nổi bật là IELTS đang được chuộng trong tuyển sinh từ phổ thông đến đại học trong vài năm gần đây. Nghệ An là địa phương đầu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS vào lớp 10, từ năm 2021. Năm 2022, để đỗ vào trường chuyên Phan Bội Châu, thí sinh phải đạt tối thiểu 7.0, các trường khác dao động 6.0-6.5. Phú Thọ cũng tuyển thẳng thí sinh ở các trường đại trà, với yêu cầu đạt từ 6.5 IELTS trở lên. 

Nhiều nơi cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 học sinh đạt 4.0 IELTS: "Cần tỉnh táo để hiểu đúng"- Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2023. Ảnh: GK

Mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, nhiều tỉnh thành thông báo cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 học sinh đạt 4.0 IELTS.

Cụ thể, ở Tuyên Quang, nếu có IELTS 5.0 hoặc tương đương, thí sinh được tuyển thẳng vào trường THPT công lập không chuyên. Với trường Phổ thông dân tộc nội trú và lớp chuyên tiếng Anh, trường THPT chuyên Tuyên Quang, yêu cầu lần lượt là 6.0 và 7.0 IELTS. Nếu chỉ đạt 5.0, thí sinh được cộng 1-2 điểm, tùy trường.

Tại Lào Cai sẽ miễn thi và tính 10 điểm môn tiếng Anh vào lớp 10 công lập cho thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên. Nếu đăng ký vào lớp chuyên và đạt IELTS 5.5-6.5, thí sinh được quy đổi điểm chứng chỉ sang điểm môn chuyên theo công thức: Điểm IELTS * 10/7. Nếu đạt từ 7.0 IELTS, các em được tính 10 điểm chuyên.

Ở Quảng Trị, nếu đạt từ 4.0 IELTS trở lên, thí sinh được quy đổi thành 9 điểm môn này trong kỳ thi vào lớp 10 công lập, áp dụng cả với trường chuyên và không chuyên. Ngưỡng điểm quy đổi với 4.5 và 5.0 IELTS là 9,5 và 10 điểm. Ngoài ra nhiều chứng chỉ khác như TOEFL iNT, TOEIC, VSTEP, Aptis Esol... cũng được chấp nhận. 

Nếu có chứng chỉ đạt từ 4.0 đến 5.0 IELTS, thí sinh ở Bình Dương được cộng 1 điểm. Trên 5.0 IELTS, các em được tính 10 điểm môn tiếng Anh, đồng thời miễn thi. Vĩnh Long cộng 2 điểm với thí sinh đạt 4.0 IELTS trở lên và tương đương, áp dụng cả với các chứng chỉ ngoại ngữ khác như tiếng Nga, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc.

Còn tại Hà Nội, phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ IELTS được nhiều trường THPT ngoài công lập có tiếng áp dụng.

Có nên áp dụng cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 cho học sinh đạt 4.0 IELTS?

Mặc dù tiếng Anh luôn được khuyến khích học tập nhưng việc áp dụng cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ ở các tỉnh thành, các trường, các cấp trong thời gian qua gây tranh cãi, nhất là việc "lạm dụng" chứng chỉ IELTS trong xét tuyển. Nhiều người lo ngại về việc ép trẻ phải học chứng chỉ IELTS quá sớm và tạo bất công bằng trong công tác tuyển sinh. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Anh Đức, người chuyên luyện thi IELTS, đồng thời quản lý các chương trình dạy IELTS trong một số trường THPT tại Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Smartcom English, phân tích: Cần tỉnh táo để hiểu đúng về IELTS.

Nhiều nơi cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 học sinh đạt 4.0 IELTS: "Cần tỉnh táo để hiểu đúng"- Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Anh Đức. Ảnh: NVCC

"Thông tin một số tỉnh đã lấy điểm IELTS 4.0, 5.0 và cao hơn để cộng điểm và thậm chí để tuyển thẳng vào trường THPT công lập có thể gây ra một số hiểu lầm về giá trị thực sự của chứng chỉ IELTS, cũng như dễ đẩy phụ huynh học sinh chạy đua lấy chứng chỉ IELTS mà bỏ qua mục đích thực chất của việc học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung.

Thứ nhất: Có thể phụ huynh bị cái tên IELTS gây hiểu nhầm.

Thực chất các tỉnh không quy định lấy riêng chứng chỉ IELTS để làm cơ sở cộng điểm hay tuyển thẳng đối với môn tiếng Anh mà cũng nêu một loạt các chứng chỉ tương đương khác như TOEFL iBT, VSTEP (khung 6 bậc năng lực ngoại ngữ của Việt Nam), Cambridge…

Chúng ta cần hiểu rõ chứng chỉ IELTS được khuyến cáo là phù hợp với học sinh từ 16 tuổi trở lên, vì chứa những chủ đề học thuật và bàn đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội… mà học sinh ở bậc THCS chưa học tới. Chính vì vậy, có thể vì yếu tố đảm bảo tính khách quan mà cái tên IELTS được đưa vào danh sách các chứng chỉ được ưu tiên cộng điểm hoặc tuyển thẳng môn tiếng Anh, thực chất là chứng chỉ Cambridge dành cho học sinh có nội dung phù hợp hơn cho học sinh khối THCS. 

Đại học Cambridge là nơi làm ra cả đề thi IELTS và đề thi Cambridge, trong đó đề thi Cambridge có một nhánh dành riêng cho học sinh phổ thông từ tiểu học đến hết THCS với thang đo từ 80 đến 230 điểm như hình miêu tả dưới đây của chính Cambridge. Cambridge cũng có bảng so sánh quy đổi điểm sang điểm IELTS từ 4.0 tương ứng với các chứng chỉ Cambridge trình độ từ B1 đến C2. Cụ thể là 141 điểm Cambridge tương đương 4.0 IELTS, đến 210 điểm Cambridge tương đương 8.5 IELTS.

Những giáo viên tiếng Anh đã dạy theo chứng chỉ Cambridge for schools (chứng chỉ Cambridge dành cho trường học) đều biết rõ nội dung bài thi Cambridge này được thiết kế đúng theo lứa tuổi học sinh từ bậc tiểu học lên dần đến THCS và THPT. Hầu như các giáo trình tiếng Anh hiện nay trên thị trường đều ít nhiều phải tham chiếu thang đo của Cambridge và bị ảnh hưởng bởi Cambridge, với tư cách là tổ chức hàng đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và giảng dạy tiếng Anh.

Chứng chỉ Cambridge cũng thi đủ 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, và nó có cái hơn IELTS ở chỗ bài thi Cambridge có cả phần thi ngữ pháp và từ vựng, điều mà học sinh rất cần phải học nếu muốn nâng cao năng lực tiếng Anh một cách chắc chắn, bài bản. Chứng chỉ Cambridge lại có lệ phí thi thấp hơn IELTS rất nhiều, chỉ bằng từ 25% đến 60% lệ phí thi IELTS, trong khi cùng một tổ chức cấp chứng chỉ là Cambridge, lại không bị giới hạn giá trị trong 2 năm như IELTS.

Nói như vậy để giải thích chứng chỉ tiếng Anh Cambridge sẽ phù hợp hơn với học sinh THCS để học và thi, đồng thời nó cũng có thang điểm cực kỳ chi tiết để so sánh kết quả của từng thí sinh với nhau, và so sánh tương đương với IELTS.

Nhiều nơi cộng điểm, tuyển thẳng lớp 10 học sinh đạt 4.0 IELTS: "Cần tỉnh táo để hiểu đúng"- Ảnh 3.

Thang điểm chứng chỉ tiếng Anh Cambridge so với thang điểm IELTS. Nguồn: Cambridgeenglish.org


Do đó, ở góc độ chuyên môn, các tỉnh nên gọi đích danh cái tên Cambridge để ưu tiên, khuyến khích cộng điểm hoặc thậm chí là tuyển thẳng môn tiếng Anh vào THPT thay vì IELTS.

Thứ hai: Điểm IELTS 4.0 là một điểm số thấp.

Do đặc thù công việc của mình, tôi đã phối hợp với IDP và Hội đồng Anh tổ chức rất nhiều lượt thi IELTS gồm cả thi thử tại các trường trong nhiều năm qua, điểm số IELTS 4.0 đối với học sinh mới vào lớp 10 ở Hà Nội là một điểm số khá phổ biến. Hầu như học sinh học môn tiếng Anh nghiêm túc ở bậc THCS đều đạt được IELTS 4.0, tương đương bắt đầu vào trình độ B1 (sử dụng tiếng Anh giao tiếp độc lập mà không cần sự trợ giúp). Việc lấy điểm IELTS 4.0 để ưu tiên cộng điểm có thể là hơi ưu ái IELTS quá. Hơn nữa, cách công bố này có thể gây ra một làn sóng học IELTS bất chấp, miễn là có chứng chỉ IELTS mà không cần biết bản chất. Chính học sinh sẽ là người chịu thiệt khi phải học một chứng chỉ mà kiến thức của nó vượt quá khả năng.

Chúng ta không nên so sánh với việc Bộ GDĐT cho quy đổi điểm IELTS 4.5 thành điểm 10 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, vì mục đích của việc tốt nghiệp bậc THPT là đạt được năng lực nền tảng. Như vậy IELTS 4.5 đã là đủ B1, tức là giao tiếp được độc lập bằng tiếng Anh nên miễn thi tiếng Anh ở kỳ thi THPT Quốc Gia là phù hợp.

Trong khi các trường đại học quốc tế coi IELTS 6.5 mới là đủ năng lực để bước vào học tập bằng tiếng Anh hoàn toàn trong môi trường học thuật ở bậc đại học, thì cái đích đến của học sinh THPT phải là IELTS 6.5. Từ IELTS điểm 4.0 đến điểm 6.5 là một hành trình dài, nền tảng thực sự của nó không phải là kỹ năng, kỹ thuật hay mẹo làm bài thi IELTS, mà là năng lực sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật. Năng lực ấy được đào tạo tốt hơn, bài bản hơn, toàn diện hơn trong hệ thống chứng chỉ Cambridge. Hay nói đúng hơn, nếu học sinh THCS học theo nội dung của Cambridge, năng lực tiếng Anh phát triển rất đúng hướng. Ở khía cạnh chuyên môn thì cực kỳ phù hợp cho việc luyện để thi lấy chứng chỉ IELTS ở bậc THPT.

Tóm lại, trong bối cảnh việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường mới chỉ tập trung được vào ngữ pháp và đọc, việc các tỉnh khuyến khích học sinh có chứng chỉ tiếng Anh chuẩn quốc tế để cộng điểm hoặc tuyển thẳng môn tiếng Anh vào trường THPT là một điều tích cực. Nhưng chúng ta cần hiểu đúng về nội dung và sự phù hợp của từng chứng chỉ để chỉ ra cái tên phù hợp cho việc học và thi cho học sinh THCS. Cụ thể ở đây là chứng chỉ Cambridge for schools trình độ B1, B2 và C1 và chứ không phải là IELTS. Cambridge phù hợp hơn cả về kiến thức theo lứa tuổi THCS lẫn chi phí thi", thầy Đức cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem