Nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhưng lại bỏ học, có em hối hận chọn sai ngành

Tào Nga Thứ năm, ngày 21/09/2023 19:01 PM (GMT+7)
Trúng tuyển đại học nhưng không xác nhận nhập học, xác nhận nhập học rồi nhưng lại hối hận vì chọn sai ngành… là thực trạng đang xảy ra ở không ít thí sinh trong mùa xét tuyển năm nay.
Bình luận 0

Nhiều thí sinh không học đại học, chọn con đường riêng

Theo thống kê của Bộ GDĐT, kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học đợt 1, có khoảng hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Với hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay, con số này chiếm gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi.

Sau đó ngày 8/9, chỉ có gần 494.500 em đã thực hiện xác nhận nhập học, chiếm 80,8% so với số trúng tuyển. Như vậy, số thí sinh không xác nhận nhập học năm nay là gần 118.000. 

Không dừng lại ở đó, sau khi xác nhận nhập học, nhiều thí sinh cho biết muốn nghỉ học để thi lại hoặc nghỉ học để lựa chọn con đường khác.

Nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhưng lại bỏ học, có em hối hận chọn sai ngành - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Nguyễn Kim Ngân, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho hay: "Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, em đã đạt được điểm số đủ để vào nhiều trường nhưng em quyết định không đăng ký học các trường này vì thấy học phí vì đầu ra khó".

Ngân cho biết, lúc đầu dự định đi làm may cho một xưởng của người nhà với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, gia đình Ngân khuyên đi học và em đã quyết định chọn một trường cao đẳng nghề để được hỗ trợ 70% học phí.

"Để theo học ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học của trường, em chỉ phải đóng khoảng 700.000 đồng. Học phí thấp, công việc thuộc nhóm ngành nghề lâu bền, có đầu ra nên em đã nộp học bạ theo học", Ngân cho hay.

Em Lò Thị Văn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cũng nằm trong số thí sinh bỏ nhập học đại học. Văn chia sẻ, từ cấp 1, 2 đã học cách nhà 20km và chủ nhật mới đi bộ về nhà.

Trong đợt xét tuyển đại học năm 2023, Văn đã trúng tuyển vào Trường Đại học Lâm Nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng em quyết định không theo học. "Em chọn học Điều dưỡng để sau này có thể xin về xã, huyện nơi em sinh sống để làm việc. Ở quê em rất cần cán bộ y tế. Chị họ của em đã hướng cho em theo học ngành này cho có tương lai", Văn nói.

Tương tự như Văn, em Hứa Thị Lê Na, ở Kẹn Cò, Đồng Xá, Na Rì, Bắc Cạn chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp trường THPT ở Thái Nguyên, em có sự lựa chọn một số trường đại học và đã trúng tuyển. Tuy nhiên, em quyết định học nghề vì thời gian học ngắn, học phí thấp để đỡ gánh nặng cho gia đình.

Còn với Phạm Mạnh Tiến, ở Thanh Oai, Hà Nội, sau khi đăng ký nhập học ngành du lịch, Tiến đã suy nghĩ lại. "Em nghĩ là học ngành du lịch sẽ hot, nhiều cơ hội việc làm nhưng qua khủng hoảng do dịch Covid-19 em luôn lo lắng về ngành học này. Em thích một ngành nghề có tính bền vững, lâu dài nên em quyết định nộp hồ sơ nhập học ở trường khác.

Ngoài lựa chọn học các trường nghề, hiện nay, có tình trạng nhiều em học sinh học hết lớp 12 lựa chọn đi làm các công việc lao động phổ thông (làm grap, shipper, công nhân) vì thấy có thu nhập ngay trước mắt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết các em nên cân nhắc vì lựa chọn này không có tính bền vững.

Trong một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, lý do lớn nhất khiến thí sinh bỏ xét tuyển đại học là học phí cao so với thu nhập. Các em xác định chọn vào cao đẳng, trung cấp nghề thay vì học đại học. Một số khác bỏ xét tuyển do có kế hoạch du học hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT thấp.

"Không xét tuyển đại học là điều bình thường"

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM, hàng năm các trường đều có khoảng 5-15% sinh viên trúng tuyển nhưng không nhập học. Một trong những lý do là thí sinh không trúng tuyển vào ngành mình mong muốn.

Dù vậy, việc chỉ hơn 60% thí sinh không xét tuyển đại học là điều bình thường vì các em có nhiều lựa chọn, cao đẳng, học nghề ở doanh nghiệp, xuất khẩu lao động, du học, đi làm. Điều này có phần tích cực vì thí sinh xác định được năng lực và nhu cầu của mình, tránh trường hợp học không nổi hoặc giữa chừng rồi bỏ, lãng phí thời gian, nguồn lực của bản thân, gia đình và xã hội.

Nhiều thí sinh trúng tuyển đại học nhưng lại bỏ học, có em hối hận chọn sai ngành - Ảnh 2.

Nhiều thí sinh chọn học nghề thay vì chọn đại học. Ảnh: website trường

TS.BS Nguyễn Hồng Liên, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ, Hà Nội cho hay: "Định kiến về học nghề đã giảm so với trước đây, nhiều học sinh mạnh dạn lựa chọn để rút ngắn thời gian học, học phí rẻ.

Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ đào tạo 2 ngành Điều dưỡng và Xét nghiệm. Từ tháng 7/2023, theo chính sách mới áp dụng giảm 70% học phí cho những học viên theo học khối trường nghề nên cũng đã thu hút nhiều thí sinh quan tâm. Khi học xong ở trường nghề, các em vẫn có nhiều cơ hội học lên các bậc cao hơn như đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nếu có nhu cầu. Ngoài ra, các em còn có cơ hội làm việc, xuất khẩu lao động sang nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc…). Do vậy, thời gian gần đây nhiều thí sinh đã lựa chọn ngay cho mình con đường học nghề. 

Theo Tiến sĩ Trương Thị Hoa, giảng viên khoa Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Sự phạm Hà Nội, có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hướng nghiệp: "Có tới 80% học sinh băn khoăn không biết mình thích nghề gì. Bước đầu tiên các em cần làm là hiểu bản thân. Trắc nghiệm nghề nghiệp chỉ là một tiêu chí tham khảo. 

Còn cách khác là trải nghiệm ngành nghề, trải nghiệm thông qua hoạt động, hỏi ý kiến thầy cô cha mẹ, nhìn nhận lại quá trình học tập, viết nhật ký về những hoạt động mình tham gia. Có một học sinh từng trải nghiệm 13 công việc khác nhau, từ giúp việc; shipper, bưng bê nhà hàng, gia sư... Và cuối cùng em đó đã quyết định chọn nghề giáo viên. Vì vậy, các em hãy ra khỏi vùng an toàn để biết mình có khả năng gì và thích gì để lựa chọn ngành học phù hợp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem