Nhìn lại diễn biến thị trường lúa gạo: Những câu hỏi lớn sau việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (Bài 1)

TS. Trần Công Thắng Thứ hai, ngày 21/08/2023 12:21 PM (GMT+7)
"Giá lúa gạo" là một chủ đề được quan tâm xuyên suốt trong thời gian qua, bởi diễn biến của thị trường thế giới và trong nước thời gian qua đã có biến động cao nhất trong lịch sử. Việc Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đã khiến thị trường lúa gạo nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Bình luận 0

Vậy vì sao Ấn Độ phải cấm xuất khẩu gạo và đâu là cơ hội, thách thức đối với Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới? Dân Việt xin đăng tải lại phân tích của các chuyên gia trong ngành về những đánh giá này.

Nhìn lại diễn biến thị trường lúa gạo: Những câu hỏi lớn sau việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (Bài 1) - Ảnh 1.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã tác động mạnh đến thị trường lúa gạo thế giới.

Tổng quan

Trong tuần cuối tháng 7/2023, thị trường gạo thế giới có nhiều biến động khi Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường theo Thông báo số 20/2023 của Tổng cục Ngoại thương. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức từ ngày ngày 20/7/2023. Sau đó một tuần, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu cám gạo đã tách dầu khi mà giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao.

Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới, với 22,2 triệu tấn vào năm 2022, nhiều hơn tổng xuất khẩu của bốn nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn tiếp theo trên thế giới - Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Hoa Kỳ. Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 140 quốc gia. Các nước nhập khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ bao gồm: Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal. Iran, Iraq và Saudi Arabia chủ yếu mua gạo basmati cao cấp từ Ấn Độ. Vì vậy lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường các loại có ảnh hưởng lớn tới thị trường gạo thế giới và ban đầu làm cho thị trường gạo toàn cầu có hiện tượng "tê liệt" và nhiều quốc gia cũng có những phản ứng theo.

Tại sao Ấn Độ lại cấm xuất khẩu gạo tẻ thường?

Có 5 lý do giải thích việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ:

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 và xung đột quân sự Nga-Ukraine làm cho giá lương thực toàn cầu tăng cao và nguy cơ lo ngại mất an ninh lương thực có thể sẽ xảy ra. Năm 2022, lạm phát toàn cầu đạt đỉnh với gần 8.73%, cao hơn cả năm 2008 (6.34%) và cao nhất trong 20 năm qua. Những lần tăng nhu cầu nhập khẩu thế giới làm gần đây giá gạo xuất khẩu và trong nước của Ấn Độ tăng nhanh. Giá gạo bình quân trong nước tăng từ 32.000 Rupee/tấn trong tháng 1/2023 lên 38.000 Rupee/tấn vào cuối tháng Tư; giá xuất khẩu gạo 5% tấm tăng từ 376 USD/tấn vào cuối tháng 5/2023 lên 448 USD/tấn vào cuối tháng 7/2023

Thứ hai, Ấn Độ lo ngại vụ mùa sẽ bị giảm sản lượng và do đó sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp lương thực và giá lương thực trong nước. Vụ mùa trong nước năm nay sẽ thu hoạch vào tháng 10 và dự báo sẽ bị giảm sản lượng. Do đó Ấn Độ cũng sợ lượng cung trong nước sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thứ ba, nhu cầu nhập khẩu Trung Quốc tăng nhập khẩu mạnh từ Ấn Độ có thể khiến thị trường gạo cạnh tranh hơn. Trong hai năm gần đây, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo trắng từ Ấn Độ. Ấn Độ có sự lo ngại Trung Quốc có thể nhập khẩu nhiều để dự trữ trong nước nhưng cũng có thể xuất khẩu sang các nước thứ ba để kiếm lợi nhuận.

Thứ tư, là đảm bảo cơ chế bảo vệ thường xuyên trong WTO về dự trữ gạo của Chính phủ. Đây là cam kết của một số quốc gia trong WTO về chương trình dự trữ của Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh lương thực và ổn định giá lương thực toàn cầu.

Thứ năm, là mục tiêu chính trị khi Ấn Độ muốn giá gạo trong nước ổn định để cho thuận tiện việc bầu cử vào cuối năm. Đây cũng là nguyên nhân mà Chính phủ Ấn Độ muốn lấy được sự ủng hộ của người dân.

Nhìn lại diễn biến thị trường lúa gạo: Những câu hỏi lớn sau việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (Bài 1) - Ảnh 2.

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: C.L

Ảnh hưởng của lệnh cấm xuất khẩu gạo đến thị trường thế giới?

Ngay sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của được ban hành, thị trường gạo thế giới đã có nhiều biến động.

Với Ấn Độ: Lệnh cấm Ấn Độ làm giảm giá trong nước và đến nay thực tế giá đã giảm 20%. Đối với một số chính trị gia, có thể mục tiêu đặt ra của đợt cấm xuất khẩu này đã đạt được. Một số bang đang phản đối quyết định này vì xuất khẩu gạo là nguồn thu ngoại tệ chính và thực tế là họ có lượng dự trữ khổng lồ đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các thương nhân Ấn Độ đang đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng tồn kho do lo ngại không bán được.

Lượng xuất khẩu và giá gạo trên thế giới: Lượng xuất khẩu gạo tuần vừa qua (10 đến 16/8) giảm 1,89%, mặc dù tổng xuất khẩu gạo năm 2023 vẫn tăng 13.39% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo trên thị trường thế giới tăng lên ngay lập tức.

Trong tuần từ 24-28/7/2023, giá FOB xuất khẩu của một số nước như: Thái Lan. giá gạo indica 100% tấm tăng từ 550 USD/tấn lên 605 USD/tấn, gạo indica 5% tấm tăng từ 537 USD/tấn lên 590 USD/tấn, Thái Hom Mali tăng từ 860 USD/tấn lên 895 USD/tấn.

Việt Nam: Gạo indica (hạt dài) 5% tấm tăng từ 530 USD/tấn lên 550 USD/tấn, Japonica 5% tấm giữ ở mức 640 USD/tấn, gạo Jasmine tăng từ 625 USD/tấn lên 640 USD/tấn. Một số người dân ở các nước lo ngại thiếu gạo đã tăng cường mua dự trữ. Vì thế giá bán lẻ tại một số quốc gia tăng lên nhanh chóng từ 10-30%. Nhiều cửa hàng chỉ có mỗi người được mua 1 túi gạo, hoặc mỗi gia đình chỉ được mua 2 túi.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới

Theo Reuters, giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm 2023, tuy nhiên còn phụ thuộc vào tình hình thay đổi chính sách của Ấn Độ và các quốc gia khác. Một số nước cũng đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu.

Ngày 28/7, Bộ Kinh tế UAE thông báo dừng xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức, áp dụng với tất cả loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế. Nếu được thông qua, giấy phép của họ sẽ có hiệu lực trong 30 ngày.

Ngày 29/7, chính phủ Nga cũng thông báo cấm xuất khẩu gạo cho đến hết năm với mục đích là bình ổn thị trường trong nước. Lệnh cấm không áp dụng với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, cũng như Abkhazia và Nam Ossetia.

Các nhà phân tích lo ngại nếu theo phản ứng dây chuyền như hiện nay, có thể các nước xuất khẩu lớn khác như: Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc…cũng có thể xem xét việc dừng xuất khẩu gạo trong một số thời điểm, hoặc chờ động thái của thị trường thế giới.

Còn nữa


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem