Nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng trưởng nhưng giá vẫn neo cao

19/11/2022 13:23 GMT+7
Thị trường bất động sản trong 10 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản toàn quốc tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, lượng tin đăng bất động sản cũng tăng 40%. Tuy nhiên, giá các phân khúc bất động sản vẫn ở mức cao.

Nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021

Theo Batdongsan.com.vn, trên thị trường bất động sản bán, nhà mặt phố, biệt thự, chung cư là những loại hình ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh nhất, lần lượt ở mức 21%, 13% và 11%. Mức độ quan tâm nhà riêng và đất nền bán gần như không có sự thay đổi nhưng lượng quan tâm đối với đất dự án đã giảm 13% trong 10 tháng qua so với cùng kỳ 2021.

Với thị trường bất động sản cho thuê, mức độ quan tâm tăng mạnh ở tất cả các loại hình bất động sản, đặc biệt là văn phòng cho thuê (tăng 181%) và nhà mặt phố cho thuê (tăng 127%). Tuy nhiên, lượng tin đăng một số loại hình bất động sản cho thuê thiết yếu như chung cư, nhà trọ, cửa hàng, lại giảm đáng kể, từ 14 đến 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng trưởng nhưng giá vẫn neo cao - Ảnh 1.

Nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021 (Ảnh: TN)

Thị trường bất động sản TP.HCM có sự hồi phục mạnh mẽ hơn Hà Nội về nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, mức độ quan tâm đến bất động sản tại TP.HCM tăng 30% so với cùng kỳ 2021, trong khi Hà Nội chỉ tăng 11%. Lượng tin đăng bất động sản ở TP.HCM cũng tăng đến 45%, so với mức tăng 20% của Hà Nội.

Năm 2021, TP.HCM là một trong những tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, là đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM đã có nhiều sự phục hồi và phát triển. Vì vậy, nhu cầu về bất động sản, nhất là những loại hình phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất và ở thực tăng cao. Tại TP.HCM mức độ quan tâm tăng mạnh nhất đối với nhà mặt phố (tăng 47%), còn ở Hà Nội là căn hộ chung cư (tăng 13%).

Theo các chuyên gia của Batdongsan.com.vn, xu hướng tăng trưởng lượt quan tâm nhà đất trong 10 tháng năm 2022 cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản sau giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ COVID-19. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với cùng kỳ 2019. Bên cạnh đó, dù nhu cầu mua bất động sản 10 tháng đầu năm tăng nhưng chủ yếu tăng ở giai đoạn nửa đầu năm khi xuất hiện một số đợt sốt đất cục bộ và đã có xu hướng giảm trong quý 3/2022.

Thị trường bất động sản vẫn khó khăn, cần có giải pháp tổng thể

Mặc dù nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng trưởng so với năm 2021, nhưng khách hàng có nhu cầu mua bất động sản bị "làm khó" bởi chính sách tín dụng từ các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn, điều kiện giải ngân khó hơn. Vì vậy, nếu không tiếp cận được các dòng tín dụng cho vay mua nhà, thì đầu ra thị trường sẽ càng đi xuống, gây sụt giảm doanh số bán hàng cho doanh nghiệp bất động sản. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp bất động sản không thu hồi được vốn, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên rất cao, có thể đưa hệ thống tín dụng vào tâm thế khủng hoảng.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia "hiến kế" giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất, cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa Luật, nhưng nội dung sửa cần bám sát thực tế. Nếu còn vướng mắc thì còn phải sửa, không nên vội vã phê duyệt, nhất là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong quá trình chờ sửa Luật, Chính Phủ có thể xem xét ban hành một số cơ chế đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong công tác xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư.

Nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng trưởng nhưng giá vẫn neo cao - Ảnh 2.

Cần có giải pháp tổng thể phục hồi thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: TN)

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng lạm phát đang được kiểm soát, ngân hàng nhà nước nên nới room tín dụng cho thị trường bất động sản, thêm khoảng 1-2%. Ngoài ra, cần hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt khó, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia, tạo cú hích để thị trường sôi động trở lại.

"Ngân hàng chỉ cần kiểm soát tốt dòng tiền để nó chảy đúng đối tượng, đúng mục đích, dành nguồn vốn tín dụng áp dụng riêng cho các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội", ông Đính chia sẻ.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính Phủ nên có thêm một số quy định tạm thời, đủ thời gian giúp các nhà đầu tư hoàn thiện tính chuyên nghiệp theo tinh thần Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phát triển bất động sản nên cân nhắc điều chỉnh chính sách phát triển phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực của những người lao động, người thu nhập thấp,... để cân bằng thị trường, phát sinh giao dịch giúp thị trường sôi động trở lại.



Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục