Những chi tiết quan trọng phải theo dõi khi Tổng thống Biden tới Ấn Độ dự G20, thăm Việt Nam

Phương Đăng (theo ABC News) Thứ sáu, ngày 08/09/2023 20:47 PM (GMT+7)
Tổng thống Joe Biden đã khởi hành tới Ấn Độ và Việt Nam trong bối cảnh chiến dịch tái tranh cử của ông chủ Nhà Trắng đang tăng tốc và tìm cách mô tả ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trên trường thế giới.
Bình luận 0
Những chi tiết quan trọng phải theo dõi khi Tổng thống Biden tới Ấn Độ dự G20, thăm Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden lên chiếc Không lực Một để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, ngày 7 tháng 9 năm 2023, tại Căn cứ Không quân Andrews. Ảnh Md. Evan Vucci/AP

Theo ABC News, Tổng thống Biden sẽ tới Ấn Độ để dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và sau đó có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam trong chuyến đi được thiết kế để củng cố hơn nữa ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.

Dưới đây là những chi tiết quan trọng đáng theo dõi khi ông Biden khởi hành tới New Delhi, Ấn Độ và Hà Nội, Việt Nam, ABC News nhấn mạnh.

Thoả thuận với các ngân hàng

Ông Biden sẽ hạ cánh xuống New Delhi hôm nay 8/9, trước các phiên họp với các nhà lãnh đạo khác của Nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối tuần.

Mục tiêu chính của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G20 là đạt được thỏa thuận cải cách Ngân Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác, để họ có thể đầu tư tốt hơn vào các nước có thu nhập thấp và trung bình - như một cách tạo đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng trên toàn cầu của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đang phát triển đã vay mượn rất nhiều từ Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án khác, liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc để xây dựng cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Ông Biden cho biết, ông hy vọng sẽ mang lại cho các quốc gia đang phát triển một lựa chọn khác để có được nguồn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu với mục đích thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ và làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông Biden tuyên bố ông “thất vọng” khi ông Tập không dự G-20

Những chi tiết quan trọng phải theo dõi khi Tổng thống Biden tới Ấn Độ dự G20, thăm Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng ở Washington ngày 6 tháng 9 năm 2023. Ảnh Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, hội nghị đầu tiên ông không dự kể từ khi lên nắm quyền. Thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt ông dự G20.

Bắc Kinh chưa đưa ra lý do cho sự vắng mặt của ông Tập. Theo ABC News, điều này có thể là do mối quan hệ không mấy tốt đẹp của Trung Quốc với Ấn Độ, chính trị trong nước hoặc một nguyên nhân chưa xác định khác. Sự vắng mặt của ông Tập có thể mang lại cho ông Biden cơ hội lớn hơn để thúc đẩy chương trình nghị sự của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Biden nói với phóng viên rằng ông “thất vọng” khi ông Tập không đến dự hội nghị G20. Trước đó ông chủ Nhà Trắng đã nói rằng ông hy vọng được gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc “vào mùa thu này”. 

Thúc đẩy sự ủng hộ đối với Ukraine tại G20

Tại New Delhi, ông Biden sẽ thúc đẩy các quốc gia tiếp tục ủng hộ Ukraine khi nước này đang tiến hành cuộc phản công để giành lại lãnh thổ từ Nga.

Ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ mang thông điệp đó đến Ấn Độ trong bối cảnh ông vừa yêu cầu các nhà lập pháp cấp thêm 24 tỷ USD tài trợ cho Kiev.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng vắng mặt tại hội nghị.

Việt Nam: Từ chiến tranh đến hợp tác

Sau New Delhi, ông Biden lên kế hoạch tới Hà Nội để thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.

Hai quốc gia - đã bỏ qua quá khứ chiến tranh cách đây gần nửa thế kỷ - được kỳ vọng sẽ tăng cường quan hệ kinh tế và công nghệ.

Nhà Trắng không chia sẻ nhiều chi tiết về các thỏa thuận dự kiến, nhưng cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông Biden, Jake Sullivan, nói với các phóng viên đầu tuần này rằng Việt Nam sẽ đóng “vai trò dẫn đầu” trong “mạng lưới các quan hệ đối tác đang phát triển của Mỹ ở Ấn Độ- Thái Bình Dương khi chúng tôi hướng tới tương lai".

“Khi chúng tôi khảo sát những thách thức chung trên mọi lĩnh vực, từ Biển Đông đến các công nghệ quan trọng và mới nổi, Mỹ và Việt Nam sẽ vạch ra tầm nhìn để cùng phát triển trong thế kỷ 21 thông qua mối quan hệ đối tác cao cấp và tràn đầy sinh lực”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem