Những điều bố mẹ cần dạy con bảo vệ bản thân, phòng tránh nguy hiểm

Tào Nga Thứ năm, ngày 05/01/2023 13:46 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia, cha mẹ cần biết được con mình chơi gì ở đâu và biết rõ địa điểm đó có đảm bảo an toàn cho con không. Việc này bố mẹ nên thực hiện cho đến khi con được ít nhất 16 tuổi.
Bình luận 0

Những kỹ năng bố mẹ dạy con bảo vệ bản thân

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, bà Trần Thị Thanh Thuỷ, Giám đốc trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích trẻ em CAIP; Giám đốc Marketing Hệ thống giáo dục Kỹ năng sống Cara chia sẻ những kỹ năng bố mẹ nhớ dạy con để bảo vệ bản thân như sau:

Tránh xa các công trường xây dựng 

Trong mắt trẻ em, công trường xây dựng là một nơi hấp dẫn để các em tò mò, khám phá, tuy nhiên đó lại là nơi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trẻ em không nhận thức được nguy hiểm như người lớn.

Từ vụ bé trai 10 tuổi lọt trụ bê tông ở Đồng Tháp: Những điều bố mẹ cần dạy con bảo vệ bản thân - Ảnh 1.

Hiện trường cứu bé trai lọt vào trụ bê tông 35m. Ảnh: Đ.T

Bố mẹ cần dặn con:

Luôn chú ý và cảnh giác xung quanh khi đi bộ gần các khu vực xây dựng.

Trẻ nhỏ phải có người lớn, người có thẩm quyền đi cùng khi đi qua hoặc gần bất kỳ hoạt động xây dựng nào.

Trẻ lớn cần được dạy về những mối nguy hiểm trong khu vực xây dựng như bị gạch, đá, sắt thép rơi hoặc chèn vào người, hoặc lọt xuống những hố đào sâu khi xây móng công trình; bố mẹ nên khuyên con tránh xa thiết bị đang vận hành và không bao giờ đi bộ hoặc đứng sau thiết bị xây dựng.

Tránh xa ao, hồ, sông, suối khi không có người lớn có khả năng bơi và nghiệp vụ sơ cấp cứu giám sát

Theo WHO, ước tính khoảng 236.000 người chết đuối vào năm 2019 và đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thanh thiếu niên từ 1-24 tuổi. Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, hơn 90% số ca tử vong do đuối nước xảy ra ở sông, hồ, giếng và các bình chứa nước sinh hoạt, trong đó trẻ em và thanh thiếu niên ở khu vực nông thôn dễ bị tổn thương bởi đuối nước nhất.

Ngay cả với trẻ đã biết bơi, chúng ta cũng chỉ nên cho trẻ tiếp xúc gần với ao, hồ, sông, suối khi có sự giám sát của người lớn. Đặc biệt những người lớn này cũng cần phải biết bơi và có nghiệp vụ sơ cấp cứu người đuối nước phòng khi xảy ra tình huống đáng tiếc. Bố mẹ nên cho con học kỹ năng bơi lội và Hồi sinh tim phổi (CPR) để hoạt động nước một cách an toàn.

Đôi khi một sự cẩn thận tí xíu có thể cứu được nhiều mạng sống của trẻ nhỏ.

Phòng tránh tai nạn giao thông

Đôi khi trẻ em gặp phải tai nạn giao thông hoặc gây nên tai nạn giao thông mà không hề tham gia giao thông? Nghe thật lạ nhưng điều này rất phổ biến ở nước ta, nơi trẻ em có thể chơi trên lòng đường, hè phố, có thể sút nguyên quả bóng vào mặt người đang đi xe máy, gây ra những tình huống đáng tiếc. Tai nạn giao thông cũng là một trong ba yếu tố nguy cơ cao nhất gây nên thương tích cho trẻ em.

Nhiều học sinh cuối cấp 1, cấp 2 đã được bố mẹ cho sử dụng xe đạp hoặc xe máy điện – thứ vũ khí thầm lặng, một phương tiện lưu thông không gây ra tiếng động lớn mà âm thầm vọt qua các ngã 3, ngã tư, cực kỳ dễ gây tai nạn cho chính các em và người khác.

Bố mẹ cần giám sát các con chặt chẽ, không cho con chơi trên lòng đường, hè phố đặc biệt là môn bóng đá đường phố. Nếu cho các con sử dụng xe đạp hoặc xe điện cần đủ tuổi, đội mũ bảo hiểm và nắm chắc về luật lệ giao thông, nhằm bảo vệ cho chính mình lẫn người tham gia giao thông.

"Việt Nam rất thiếu sân chơi, nhất là những vùng quê, nên các con thường tìm những địa điểm không được dán nhãn "sân chơi" để nô đùa. Không khó để hiểu tại sao phổ biến nhất đối với các chấn thương của trẻ em liên quan đến ngã vì các địa điểm chơi tự phát đều yêu cầu leo trèo, trườn bò, nghịch bẩn hoặc thậm chí là những địa điểm liên quan tới sông nước.

Vì vậy trách nhiệm lớn nhất của cha mẹ là phải để mắt tới con trẻ, cần biết được con mình chơi gì ở đâu và biết rõ địa điểm đó có đảm bảo an toàn cho con không... Việc này bố mẹ nên thực hiện cho đến khi con được ít nhất 16 tuổi. Bởi vì ngoài tai nạn thương tích đơn thuần, có rất nhiều mối nguy hiểm khác rình rập các con, như những mối quan hệ độc hại, mạng xã hội, những cạm bẫy mà tuổi các con không lường trước được".

Bà Trần Thị Thanh Thủy

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem