Những ngành học các trường đang đầu tư, dự kiến 5 năm tới nhận lương cao, không thiếu việc

Tào Nga Thứ sáu, ngày 12/04/2024 06:21 AM (GMT+7)
Đây là nhóm ngành đang được các trường lên kế hoạch tuyển sinh ngay từ năm 2024. Các chuyên gia cho biết, trong 5 năm tới nhóm ngành này sẽ rất "khát" nhân lực.
Bình luận 0

Nhiều trường mở nhóm ngành kỹ thuật

Năm 2024, nhiều trường đại học đồng loạt mở thêm các ngành mới thuộc nhóm kỹ thuật như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn... Trong đó, nhiều trường không thuộc khối ngành kỹ thuật nhưng cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để mở nhóm ngành này.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết năm nay có 6 ngành mới, trong đó có 4 ngành liên quan đến khối kỹ thuật gồm kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin…

Chia sẻ với PV, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, nhà trường có chiến lược trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay trường đã có Nghị quyết để mở 3 trường, đó là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.

Những ngành học các trường đang đầu tư, dự kiến 5 năm tới nhận lương cao, không thiếu việc- Ảnh 1.

Các thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Tào Nga

Với 2 trường là kinh tế và quản lý công, trường kinh doanh, trường đã phát triển khá đa dạng và có nhiều người học. Đối với trường công nghệ trường có chủ trương trong thời gian trước mắt, cụ thể năm nay, dự kiến sẽ mở thêm một số ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, đúng với cái tên của trường.

PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định, nhà trường đã chuẩn bị nguồn nhân lực là giảng viên, chuyên gia tương đối tốt, phục vụ cho quá trình đào tạo thời gian tới.

Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.

Đại diện Trường Đại học Ngoại thương cho biết, theo kế hoạch phát triển các ngành, chương trình giai đoạn từ năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040, trong đó có các ngành về khoa học máy tính và công nghệ khác. Việc mở thêm ngành mới đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước và thử nghiệm đào tạo qua các chương trình ngắn hạn.

Tại Trường Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, năm 2024 cũng mở thêm ngành vi mạch bán dẫn thuộc khoa Điện, điện tử. Bà Đặng Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết: "Việc mở các ngành mới khối kỹ thuật hoàn toàn không phải việc chạy theo xu hướng mà xuất phát từ thực tế nhu cầu xã hội. Theo dự báo, trong khoảng 5 năm tới, cả nước sẽ có nhu cầu hàng chục ngàn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn từ trình độ đại học trở lên. Quá trình tư vấn tuyển sinh năm nay, các ngành này cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thí sinh và phụ huynh".

Năm nay, Đại học quốc gia TP.HCM đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Nhà trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Tại Trường Đại học Phenikaa cũng dự kiến mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành này từ năm 2024.

Năm nay, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp.

Có nên cân nhắc trước khi chọn ngành học mới mở?

Chia sẻ với thí sinh về những băn khoăn trước ngành học mới, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng việc mở ra những ngành mới đều phụ thuộc vào cơ chế của Nhà nước, đặc thù của mỗi ngành, mỗi trường và được trường nghiên cứu kỹ càng. Dù chương trình những ngành mới đa phần đều phải hoàn thiện trong vòng 1-2 năm nhưng lại có lợi thế là liên tục cập nhật, đặc biệt là những công nghệ mới nhất, những gì hay nhất, hợp lý nhất… đều được đưa vào giáo trình mới.

"Khi lựa chọn ngành nghề chúng ta phải có tầm nhìn xa. Vì vậy, phụ huynh và thí sinh yên tâm trong quá trình chọn ngành. Nếu thật sự các em yêu thích, có năng lực về ngành mới nào đó thì các em có thể lựa chọn và chúng ta có thể tiên phong", PGS Nguyễn Phú Khánh phân tích.

PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, cho rằng thí sinh không nên lo lắng trước những ngành mới vì khi đưa ra các ngành học mới, các trường đều có khảo sát nhu cầu, đánh giá, cân nhắc và qua các hội đồng thẩm định, phê duyệt.

"Các xu hướng cũ qua đi sẽ có các xu hương mới thay vào và tạo ra nhiều việc làm mới. Nếu tiếp cận sớm thì chúng ta cũng có nhiều cơ hội là chuyên gia sớm về lĩnh vực đó. Nếu chúng ta chỉ đi theo những xu hướng cũ đã nhiều người theo thì khó có thể vượt qua những người đã có kinh nghiệm... Do đó, theo tôi, những ngành mới sẽ là cơ hội mới cho các em," Phó giáo sư Trần Trọng Nguyên nói.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay, có rất nhiều ngành mới được mở ra để đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đăng ký vào bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề mới mở.

"Trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo mình cân nhắc cung cấp những kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao, kỹ năng đạt được sau 4 năm học, chuẩn đầu ra là gì?

Không nên chỉ dựa vào tên của ngành đào tạo để lựa chọn. Các em còn cần đọc khung chương trình học của cả 4 năm để hiểu rõ nội hàm, kiến thức được học, thậm chí giảng viên sẽ giảng dạy mình. Bên cạnh đó, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường", PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem