"Đại gia" xăng dầu Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil nợ thuế khủng vẫn có hàng nghìn tỷ cho lãnh đạo chủ chốt mượn

An Linh Thứ sáu, ngày 05/01/2024 10:08 AM (GMT+7)
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dù Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty Xuyên Việt Oil nợ thuế số tiền rất lớn, vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng nhưng Chủ tịch, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này vẫn được mượn tiền công ty hàng nghìn tỷ đồng dùng mục đích cá nhân.
Bình luận 0

Kết luận về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý nhà nước vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, trong đó chỉ ra nhiều vi phạm, khuyến điểm trong quản lý xăng dầu của Bộ Công Thương, quản lý thuế của Tổng cục Thuế và làm rõ nhiều dấu hiệu vi phạm của các doanh nghiệp xăng dầu để làm cơ sở cơ quan công an thực hiện các biện pháp điều tra, xử lý đúng trình tự pháp luật.

Hé lộ "bất ổn" về quản trị tài chính của "đại gia" xăng dầu

Liên quan đến thuế bảo vệ môi trường tính trong giá xăng dầu, Thanh tra Chính phủ khẳng định, Tổng cục Thuế và nhiều Cục Thuế thực hiện chưa đầy đủ, đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều thương nhân xăng dầu nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm.

"Đại gia" xăng dầu Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil nợ thuế khủng vẫn có hàng nghìn tỷ cho lãnh đạo chủ chốt mượn- Ảnh 1.

Trụ sở Tập Đoàn Thiên Minh Đức, TP Vinh (Nghệ An). Ảnh Kinhdoanh.net

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai thuế bảo vệ môi trường lần đầu và hàng tháng sai, thiếu thuế bảo vệ môi trường, không kê khai thuế và kê khai không trung thực số tiền thuế môi trường phải nộp, dẫn đến từ năm 2018 đến hết năm 2021, tống số tiền thuế bảo vệ môi trường kê khai lần đầu và tổng số tiền thuế này kê khai lại tăng thêm hơn 3.280 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số đầu mối xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách Nhà nước số tiền thuế BVMT là 6.323 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 đầu mối được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường là 3.219 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, mặc dù còn nợ ngân sách tiền thuế BVMT nhưng một số thương nhân đầu mối đã cho một số cá nhân vay, nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân hàng nghìn tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ dẫn chứng, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (từ năm 2017 đến năm 2022) cho ông Chu Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT công ty mượn số tiền 7.485 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ Công ty tổng số tiền gần 1.400 tỷ đồng.

Theo Cục Thuế tỉnh Nghệ An, tính đến thời điểm 30/11, Thiên Minh Đức đang nợ tiền thuế với 950 tỷ đồng. Ngoài ra, Thiên Minh Đức còn nợ ngân hàng hơn 4.300 tỷ đồng, toàn bộ vốn góp của cổ đông đã thế chấp.

"Đại gia" xăng dầu Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil nợ thuế khủng vẫn có hàng nghìn tỷ cho lãnh đạo chủ chốt mượn- Ảnh 2.

Cây Xăng dầu của Xuyên Việt Oil (Ảnh: Báo Laodong

Đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu 462,1 tỷ đồng; nợ tiền thuế bảo vệ môi trường 1.246 tỷ đồng; nợ Quỹ bình ổn giá là 212 tỷ đồng, sơ bộ Công ty nợ 1.920 tỷ đồng. Thế nhưng công ty cho bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty nợ 2.978 tỷ đồng.

Trong 5 năm, mỗi thương nhân phân phối hưởng 75 tỷ đồng tiền chiết khấu

Liên quan đến thanh tra quy định quyền mua bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối với thương nhân đầu mối khác và các thương nhân phân phối theo Thông tư 38/2014/TT-BTC của Bộ Công Thương, Theo Thanh tra Chính phủ, cho biết Bộ Công Thương quy định không cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau trái quy định của Nghị định 83/2014 của Chính phủ và Luật Văn bản quy phạm pháp luật.

Điều này dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ, nghĩa vụ, trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết.

"Đại gia" xăng dầu Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil nợ thuế khủng vẫn có hàng nghìn tỷ cho lãnh đạo chủ chốt mượn- Ảnh 3.

Tuy nhiên, khi mua bán xăng dầu của nhau, thương nhân đầu mối trở thành thương nhân phân phối, có cơ hội để mua bán thông qua trung gian, làm tăng chi phí lưu thông.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, khi thương nhân đầu mối kinh doanh mua bán xăng dầu với nhau, họ tạo ra tầng nấc trung gian để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá, tăng chi phí lưu thông, dẫn đến một phần tiền chiết khấu, chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, trong 5 năm, một số thương nhân đầu mối mua bán xăng dầu hưởng chiết khấu/ chênh lệch giá khoảng 9.770 tỷ đồng, thương nhân phân phối, riêng một thương phân phân phối hưởng số tiền chiết khấu hơn 75 tỷ đồng, phần còn lại cho các đơn vị khác tham gia thị trường. Từ đó, chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ... bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu như thời gian qua.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán, gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.

"Khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dừng không bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối, dẫn đến gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xăng dầu trong nước", báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem