Nợ vay ăn mòn lợi nhuận, HSG thua lỗ và Lê Phước Vũ “mất hút” khỏi Top 100 người giàu nhất

Huyền Anh Thứ hai, ngày 05/11/2018 07:05 AM (GMT+7)
Quý IV.2018 của Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận kết quả lỗ hơn 100 tỷ đồng và ngày càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần với tổng nợ gấp gần 2,8 lần vốn chủ sở hữu. HSG bị bán tháo với 2 phiên "lau sàn" liên tiếp, đại gia Lê Phước Vũ cũng vì thế “mất hút” trong Top 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bình luận 0

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4 niên độ 2017-2018, mặc dù doanh thu tăng nhưng giá vốn cùng chi phí tài chính tăng cao dẫn đến lỗ ròng.

Kinh doanh thua lỗ

Theo đó, trong quý IV (1.7 - 30.9), doanh thu thuần tập đoàn tăng 23% đạt 8.565,9 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn 35% đẩy lãi gộp còn 723,8 tỷ đồng, giảm 36% so cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 16,17% cùng kỳ năm trước xuống còn 8,45% trong quý III năm nay.

Đồng thời, chi phí tài chính tiếp tục tăng cao lên 350 tỷ đồng, gấp đôi quý IV.2017; riêng chi phí lãi vay là 234 tỷ đồng, tăng 53%.

Chi phí bán hàng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao với 442 tỷ đồng, chi phí quản lý giảm đáng kể từ 261 tỷ xuống 196 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ HSG của Lê Phước Vũ có doanh thu hoạt động tài chính 134 tỷ đồng, đột biến so với con số 4,3 tỷ cùng kỳ năm trước và lợi nhuận hoạt động khác 25,5 tỷ đồng, gấp gần 9 lần.

img

Mặc dù vậy, công ty của Lê Phước Vũ vẫn lỗ 101,8 tỷ đồng sau thuế và cổ đông công ty mẹ lỗ 101,8 tỷ đồng.

Lũy kế cả niên độ, HSG ghi nhận 34.441 tỷ doanh thu và 410 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 3 lần so với thực hiện niên độ trước đó.

Đáng chú ý, tính đến ngày 30.9.2018, nợ vay của HSG tiếp tục tăng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ lên 10.880 tỷ, dư nợ vay dài hạn tăng từ 2.836 lên 3.462 tỷ đồng.

HSG của Lê  Phước Vũ "chìm" trong nợ

So với đầu niên độ, tài sản cố định hữu hình tại HSG của Lê Phước Vũ tăng gần 1.275 tỷ, lên con số 7.672 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn tăng 179,3 tỷ đồng vào thời điểm 30.09.2018. Qua đó, HSG ghi nhận tổng tài sản dài hạn là trên 10.000 tỷ đồng, tăng 1.574 tỷ đồng.

Tài sản cố định gia tăng kéo theo đó là việc HSG cũng phải ghi nhận chi phí khấu hao tăng lên đáng kể, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá vốn của HSG tăng cao trong niên độ 2017-2018.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong niên độ 2017-2018, Công ty của Lê Phước Vũ ghi nhận khoản điều chỉnh khấu hao tài sản cố định và bất động sản đầu tư lên đến gần 1.020 tỷ đồng, tăng đến 44,6% so với niên độ trước.

Đồng thời, HSG của Lê Phước Vũ phải vay nợ ròng 2.495 tỷ đồng để hỗ trợ cho dòng tiền âm lớn do chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và dài hạn.

Ngoài ra, bài toán khó của HSG hiện nay chính là dư nợ tăng khủng. Tính đến ngày 30.9.2018, nợ vay của tập đoàn này vẫn tiếp tục tăng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ lên 10.880 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn tăng từ 2.836 lên 3.462 tỷ đồng.

Tổng lượng nợ vay của HSG xấp xỉ 14.342 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần vốn chủ sở hữu của Công ty vào thời điểm kết thúc quý IV.2017-2018.

img

 Diễn biến cổ phiếu HSG

Sau thông tin về kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HSG của đại gia Lê Phước Vũ đã có 2 phiên giảm kịch sàn vào ngày 31.10 và 1.11, sáng ngày 2.11 tiếp tục mất thêm 490 đồng (tương ứng 5,7%) xuống còn 8.100 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong chưa đầy 3 phiên giao dịch, giá cổ phiếu HSG đã bị “bốc hơi” 19,6%. Đây cũng là mức giá thấp nhất năm của mã này, mất tới 2/3 so với thời điểm đầu năm.

Với sở hữu trực tiếp 41,19 triệu cổ phiếu HSG và sở hữu gián tiếp 10,5 triệu cổ phiếu qua Công ty TNHH MTV Tam Hỷ, tài sản ông Lê Phước Vũ nay chỉ còn chưa tới 419 tỷ đồng, “mất hút” trong Top 100 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem