Nợ xấu của 17 ngân hàng đã tăng 30,7% so với cuối năm 2019
Thống kê của các nhà phân tích Công ty Chứng khoán Rồng cho thấy, đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu của 17 ngân hàng đạt mức 97.280 tỷ đồng, tăng 30,7% so với thời điểm cuối năm, tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.
Nợ xấu (NPL) tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2020 nhưng việc hoãn phân loại nợ có thể giữ nợ xấu theo báo cáo dưới ngưỡng 3,0% mà NHNN đặt ra. Thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy nợ xấu tăng đáng kể trong quý III/2020.
Con số 97.280 tỷ đồng tỷ đồng nợ xấu phù hợp với tỷ lệ nợ xấu mà NHNN công bố là dưới mức 2,0%, một phần nhờ các biện pháp tạm thời do ngân hàng Nhà nước ban hành nhằm nới lỏng các quy định về ghi nhận nợ xấu của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9,0% so với cùng kỳ vào năm 2020, VDSC ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ khoảng 2,4% vào cuối năm 2020. Ngoài khả năng hình thành nợ xấu tăng mạnh, tác động cuối cùng lên sức khỏe hệ thống ngân hàng còn phụ thuộc vào sự kết hợp của các yếu tố khác bao gồm: 1) mức nợ xấu tiềm ẩn sẽ được ghi nhận; 2) mức tỷ lệ nợ xấu mà NHNN có thể chấp nhận được; 3) khả năng NHNN sửa đổi Thông tư 01 nhằm kéo dài thời gian gia hạn việc phân loại nợ xấu; và 4) tốc độ phục hồi kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Theo NHNN, đến ngày 28/9/2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với hơn 272.115 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.013 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống. VDSC cho rằng không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch, và vượt ngưỡng 3,0% do NHNN đặt ra vào năm 2021.
Nhìn chung, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng thường chậm hơn so với phục hồi hoạt động kinh tế, theo ước tính của VDSC là 12,0-13,0% vào năm 2021. Do đó, sau khi cân nhắc các yếu tố trên, VDSC cho rằng NHNN có thể sẽ kéo dài chính sách hỗ trợ (cụ thể là Thông tư 01) gồm các biện pháp gia hạn thời gian trả nợ hoặc hoãn ghi nhận nợ xấu.
Trước đó, Báo cáo chính Phủ trình lên Quốc Hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 24 cho thấy mục tiêu "đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%" không thể hoàn thành.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD đến năm 2019 đã hoàn thành. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 làm cho sản xuất bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng nợ xấu có thể gia tăng, thu ngân sách nhà nước có thể giảm trong khi chi ngân sách nhà nước tăng do phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn; từ đó dẫn đến mục tiêu này rơi vào nhóm có khả năng không hoàn thành.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7/2020 tạm tính là 1,92%, tăng so với mức 1,63% cuối năm 2019 nhưng giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,99% cuối năm 2017, mức 1,91% cuối năm 2018. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. NHNN cho rằng mục tiêu này cần được tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn sau 2020.