Nơi căng, nơi chùng với Vedan

Thứ bảy, ngày 03/07/2010 09:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng hỗ trợ nông dân, kiên quyết kiện Vedan Việt Nam ra tòa, thì Đồng Nai lại tỏ vẻ chậm chạp khiến nhiều người rất khó hiểu.
Bình luận 0
img
Người dân bị thiệt hại do Vedan xả thải ở Đồng Nai vẫn chưa biết rõ quan điểm xử lý của địa phương mình.

Bà Rịa- Vũng Tàu: Các sở ngành vào cuộc

Trong 3 địa phương thực hiện việc thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn thành sớm nhất và yêu cầu Vedan Việt Nam phải bồi thường cho 1.255 hộ dân thuộc phạm vi 3 xã và 1 thị trấn của huyện Tân Thành tổng số tiền hơn 53,6 tỷ đồng. Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến- khẳng định, cách làm cũng như hướng giải quyết đòi bồi thường của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Tuấn Quốc - Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Ban chỉ huy thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường cho hay, Ban đã “nhận lệnh” chính thức từ lãnh đạo tỉnh, sẽ kiên quyết khởi kiện Vedan Việt Nam ra tòa. Theo đó, từ nay đến cuối tháng, 1.255 hộ dân bị thiệt hại ở 3 xã và 1 thị trấn huyện Tân Thành sẽ làm đơn gửi cho Ban, để Ban trực tiếp thay dân đứng ra khởi kiện Vedan Việt Nam tại Toà án nhân dân huyện Tân Thành. Bà Rịa - Vũng Tàu lập hẳn ra một Ban chỉ huy với nhiều thành phần như Sở NN&PTNT, Sở Tư pháp... để giải quyết quyền lợi cho dân.

TP. HCM: Chủ tịch Hội Nông dân huyện sẽ đứng ra khởi kiện

img Đại diện Vedan Việt Nam đã đánh tiếng xin làm việc với tỉnh để... thương thảo tiếp, nhưng đã bị chối thẳng thừng. Trước đây Vedan Việt Nam đã nhiều lần xuống thương lượng thỏa thuận nhưng đâu vẫn hoàn đó. Vì vậy lần này tôi nói thẳng, không cần phải xuống nữa, đồng ý bồi thường với mức 53,6 tỷ đồng thì cứ gửi văn bản chứ cần gì phải gặp! img

Ông Trần Ngọc Thới - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM cũng đã nhanh chóng điều tra xác minh thiệt hại. Theo đó, thành phố yêu cầu Vedan Việt Nam bồi thường hơn 45,7 tỷ đồng cho 849 nông dân huyện Cần Giờ bị thiệt hại. Tuy nhiên Vedan Việt Nam chỉ đồng ý “hỗ trợ” 7 tỷ đồng. Ngoài luật sư Nguyễn Văn Hậu, hôm qua, đến thời điểm này có thêm 2 luật sư tình nguyện đứng ra giúp khởi kiện Vedan Việt Nam, đó là luật sư Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Thành Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM).

Theo các luật sư, hiện nay pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự chỉ quy định cá nhân được ủy quyền cho cá nhân mà không có ủy quyền cho pháp nhân. Mặc dù pháp luật tố tụng có quy định “Cơ quan tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách”. Nhưng quy định này không rõ là các Hội có quyền khởi kiện hay không và bảo vệ lợi ích công cộng như thế nào. Bởi vậy, trong vụ án Vedan Việt Nam, chỉ có thể ủy quyền cho Chủ tịch Hội Nông dân với vai trò cá nhân tham gia tố tụng. Trước vấn đề này, Hội Nông dân thống nhất đề xuất ủy quyền cho cá nhân Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ đứng ra kiện giúp. Công việc này sẽ gấp rút chuẩn bị tới ngày 20-7-2010.

Đồng Nai không muốn khởi kiện?

Khác với Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM, tỉnh Đồng Nai lại thể hiện trách nhiệm với nông dân một cách chậm rãi rất lạ. Đến hôm qua, chính quyền huyện Long Thành mới tổ chức họp nông dân xã Phước Thái để lấy ý kiến xem có đồng ý hay không mức hỗ trợ 15 tỷ đồng của Vedan Việt Nam, kiện hay không kiện.

Oái oăm, con số 15 tỷ đồng mới xuất hiện trên là căn cứ theo xác định cũ của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này về việc có hơn 5.000 hộ dân Đồng Nai bị thiệt hại và đòi Vedan hỗ trợ 1.000 tỷ đồng (báo cáo 461, ngày 19-10-2009). Ngày 21-6, UBND tỉnh Đồng Nai lại có văn bản yêu cầu Vedan Việt Nam hỗ trợ bồi thường tổng cộng gần 120 tỷ đồng cho nông dân và phải hoàn tất trước 30-6-2010.

Đến hôm qua, 2-7 đã quá hạn, chưa thấy Đồng Nai thể hiện “tiếp” tinh thần này. Tuy nhiên, con số gần 120 tỷ đồng mà UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra cũng thiếu cơ sở. Bởi để xác định thiệt hại, các bên phải dựa vào Văn bản số 26 ngày 14-4-2010 của Viện Môi trường và Tài nguyên về xác định phạm vi, mức độ và bản đồ phân vùng ô nhiễm một cách khoa học để yêu cầu các địa phương làm căn cứ yêu cầu Vedan Việt Nam bồi thường thiệt hại cho dân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM căn cứ cơ sở mới này). Hôm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai mới hoàn thành công việc này và đang tổng hợp để ra con số chính thức.

Cũng 1 sự việc, 1 đối tượng gây hại và người thiệt hại, nhưng nơi quyết liệt, nơi chậm chạp, cho thấy cuộc “thử lửa” tinh thần trách nhiệm vì dân đến đâu của các địa phương.

Nông dân xã Phước Thái (huyện Long Thành, Đồng Nai): Không kiện Vedan ra tòa

Chiều 2-7, tại Hội trường UBND xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai), Hội Nông dân và một số ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, huyện Long Thành và xã Phước Thái đến dự để lắng nghe ý kiến của 104 nông dân đại diện cho 1.478 hộ bị thiệt hại có đơn đòi Vedan bồi thường thiệt hại... Tổng hợp buổi họp có 12 ý kiến, dù nêu lên các hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều nhất trí Vedan hỗ trợ, không kiện ra toà nhưng đề nghị tăng mức hỗ trợ lên.

Kết thúc buổi làm việc, 100% người có mặt tại đây đã giơ tay biểu quyết, và sau đó là ký vào biên bản người bị thiệt hại tại xã Phước Thái không kiện Vedan ra toà mà theo con đường thương lượng hỗ trợ. Lý do của sự lựa chọn này là dân “không đủ chứng cứ để kiện”. Được biết từ nay đến ngày 9-7, tại xã còn lại của huyện Long Thành và 2 xã của huyện Nhơn Trạch cũng sẽ có buổi họp dân như trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem