Nối dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 02/05/2022 13:00 PM (GMT+7)
Những cống hiến của lực lượng gìn giữ hoà bình Việt Nam đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Bình luận 0

Nhiệm kỳ ấn tượng của những người lính mũ nồi xanh

"Bentiu/ Nam Sudan những ngày đầu mùa mưa 2022.

Vậy là một nửa quân số, những người anh em của tôi tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã hoàn thành các nhiệm vụ, thủ tục cuối cùng tại Bentiu, và đã có mặt tại thủ đô Juba thực hiện cách ly, hoàn thiện các công tác chuẩn bị cuối cùng trước khi rời Nam Xu-Đăng trở về Tổ quốc chính thức hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Gìn giữ hòa bình của mình trong nhiệm kỳ…" - Trung úy Nguyễn Tiến Phúc, sĩ quan thuộc Bệnh viện dã chiến 2.3 chia sẻ những cảm xúc khi chuẩn bị khép lại hành trình của mình tại vùng đất châu Phi nóng bỏng. Trung úy Phúc là một trong số những sĩ quan trong đội hình Bệnh viện dã chiến 2.3 làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan từ tháng 3/2021.

gop/ Nối dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình - Ảnh 1.

Trung úy Nguyễn Tiến Phúc và đồng đội nhận huy chương vì sự nghiệp Gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc vào cuối nhiệm kỳ. Ảnh: S.D

Trước khi rời mảnh đất Betiu gắn bó hơn một năm vừa qua, Bệnh viên dã chiến2.3 đã tổ chức lễ chào cờ đầy xúc động. Dự kiến đoàn sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất Việt Nam vào rạng sáng 30/4/2022 bằng máy bay C17 của Không quân Hoàng gia Úc.

Trung tá Trịnh Mỹ Hòa - Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.3 cho biết, từ khi triển khai đến Phái bộ ngày 26/3/2021, bệnh viện đã chăm sóc sức khỏe và điều trị cho hơn 1.400 lượt bệnh nhân là nhân viên Liên Hợp Quốc và người dân bản địa. Các bác sĩ đã thực hiện thành công hơn 16 ca phẫu thuật phức tạp, vận chuyển cấp cứu đường không 15 ca.

Bệnh viện đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân, phù hợp với điều kiện dã chiến; tổ chức tốt phòng chống dịch và tiêm phòng vaccine Covid-19, cung cấp oxy và xử lý tất cả chất thải y tế cho các bệnh viện cấp 1 khu vực Phái bộ.

Nhấn mạnh một năm sống và làm việc tại Bentiu là quãng thời gian với những trải nghiệm không thể nào quên với tất cả các thành viên bệnh viện dã chiến 2.3 , trung tá Phạm Tân Phong - Chỉ huy trưởng lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Nam Sudan bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc, sự ủng hộ và giúp đỡ của Phái bộ UNMISS, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các đơn vị cùng đóng quân.

Trung tá Phạm Tân Phong cho biết, tính tới thời điểm hiện tại , 1/2 quân số của bệnh viện dã chiến 2.3 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Gìn giữ hoà bình của mình tại Phái bộ Nam Sudan - một nhiệm kỳ ý nghĩa, đong đầy cảm xúc. Trước khi rời mảnh đất Betiu gắn bó hơn một năm vừa qua, bệnh viện dã chiến 2.3 đã tổ chức lễ chào cờ đầy xúc động. Dự kiến đoàn sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất Việt Nam vào rạng sáng ngày 30/4/2022 bằng máy bay C17 của không quân Hoàng gia Úc.

Những chiến sĩ mở con đường hoà bình

gop/ Nối dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình - Ảnh 3.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tiếp nhận và cấp cứu thành công một ca bệnh nặng, ngày 11/4/2022. Ảnh: S.D

Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy, điều hành của Liên Hợp Quốc.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, 8 năm qua kể từ khi chúng ta bắt đầu tham gia (tháng 6/2014 đến nay) có trên 200 sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành tốt sự mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đây là vinh dự khi được tham gia vào những hoạt động nhân đạo, đồng thời cũng là cơ hội để sĩ quan Việt Nam quảng bá hình ảnh nhân văn, có trước có sau, hỗ trợ các quốc gia có hòa bình và phát triển kinh tế.

Các dân tộc châu Phi nhìn nhận sĩ quan Việt Nam là một lực lượng rất nhân văn, có mục tiêu chính trị cao cả, vì sự tiến bộ, vì hòa bình của đất nước họ. Vì thế, năm 2019, chính quyền Nam Sudan đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

"Hiện chúng ta đã có quan hệ ngoại giao song phương với Nam Sudan. Ngoài ra, ở Cộng hòa Trung Phi, nhà lãnh đạo của chính quyền này cũng mong muốn có sự hiện diện nhiều hơn của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thậm chí mở rộng ra các lĩnh vực khác như khai khoáng, nông nghiệp, bưu chính viễn thông… vì họ thấy đây là thế mạnh của Việt Nam; họ thấy được sự vô tư của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia các hoạt động ở đó"- Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ.

gop/ Nối dài sứ mệnh gìn giữ hòa bình - Ảnh 5.

Các chiến sĩ Việt Nam hướng dẫn người dân Nam Sudan canh tác nông nghiệp. Ảnh: S.D

Thiếu tướng Phụng cũng cho hay, trong suốt 8 năm qua, sĩ quan, quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của ta chưa vi phạm một hình thức kỷ luật nào, một quy định nào của Liên Hợp Quốc hay quy định của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhưng chưa hề để xảy ra vi phạm kỷ luật, đây cũng là yếu tố khiến bạn bè quốc tế, các quốc gia thành viên cùng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc rất ngưỡng mộ chúng ta.

Từ quan hệ đa phương này đã thúc đẩy ngược lại quan hệ song phương, đến nay chúng ta đã ký được 9 bản ghi nhớ về hợp tác gìn giữ hòa bình với 9 quốc gia đối tác và bè bạn quốc tế. Gần đây, chúng ta đã ký được văn bản với Liên Hợp Quốc và EU.

"Thời gian tới, chúng ta sẽ mở rộng thêm địa bàn hoạt động, đưa thêm lực lượng ở các phái bộ của Liên Hợp Quốc. Chúng ta cũng sẽ mở rộng thêm quy mô và loại hình của các đơn vị, như bộ binh, quan sát viên, kiểm soát quân sự, dân sự, công an…", Thiếu tướng Phụng nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem