Nỗi khổ của "chủ nợ" hơn 60 tỷ đồng "trên mây"

Thứ tư, ngày 13/04/2011 09:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam còn nợ người trồng rừng tỉnh Sơn La 60,8 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh đã nhiều lần đề nghị được thanh toán, nhưng không có kết quả.
Bình luận 0

Ông Lương Thái Hùng - Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Sơn La cho biết như vậy. 

Ngày 10.4.2008, Quyết định số 380/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (MTR) có hiệu lực. Theo đó, người dân cả nước khi dùng điện sẽ phải trả cho những người hàng ngày trồng và chăm sóc rừng là 20 đồng/kWh điện thương phẩm, tính ra trung bình mỗi năm mỗi hộ trồng rừng tại Sơn La sẽ có thêm khoản hỗ trợ từ 500.000 đến 5 triệu đồng, đủ để bù đắp lại những tháng ngày vật lộn giữa rừng.

Thế nhưng, hai năm qua họ vẫn mong đợi mỏi mòn khoản hỗ trợ ấy... Đói nghèo, khó khăn vẫn bao trùm lên cuộc sống của họ.

img
Đời sống của nhiều chủ rừng ở Chiềng Yên, Mộc Châu, Sơn La đang rất khó khăn.

Tiền hỗ trợ vẫn trên... mây

Chúng tôi có mặt tại bản Suối Khang (xã Suối Tọ, huyện Phù Yên), vào những ngày giữa mùa trồng rừng. Trong bộ áo quần đã ngả màu bởi thời gian, mồ hôi, lão nông Sồng A Mang - người dân tộc Mông lắc đầu ngán ngẩm khi nghe chúng tôi nói về những chính sách hỗ trợ người trồng rừng Sơn La theo Quyết định 380 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Mang tâm sự, chính sách của Nhà nước thì ông cũng biết đến như phát triển vùng nghèo (135), hỗ trợ hộ nghèo (30a) rồi trước đó là 327… Nhưng sự trợ giúp thiết thực nhất giúp gia đình lão có điều kiện thoát nghèo là hỗ trợ trồng rừng và bảo vệ rừng theo Quyết định 380 thì chẳng thấy đâu.

Anh Lương Thái Hùng - Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp Sơn La, đi cùng chúng tôi bảo đang chờ thông tin từ T.Ư. Nếu lão muốn nhanh thì lên T.Ư mà hỏi! Tỉnh Sơn La nếu có tiền thì trả lão ngay, sẽ không chậm trễ ngày nào hết. Nhưng tỉnh thì lấy đâu ra tiền mà trả cho lão bây giờ! Lão nông Sồng A Mang ngửa mặt lên trời than vãn, mong tiền hỗ trợ từ phí MTR sớm về.

Cũng như lão Sồng A Mang, người dân xã Suối Tọ đều rất mong ngóng được hỗ trợ theo Quyết định 380. Hàng trăm hộ dân ở đây bao đời nghèo đói, mà có vào nhà lão Sồng A Mang và nhiều nhà khác nữa mới thấy cuộc sống của những chủ rừng nơi đại ngàn Suối Tọ này thật gian nan, khốn khó. Ngoài cái nồi nấu cơm thì hầu như gia đình họ chẳng có gì đáng giá. Thu nhập mỗi năm của các chủ rừng ở đây chỉ dừng ở mức đủ ăn đã là khá, còn sức lao động có dư dôi cũng chẳng biết làm gì.

Ngay cả gia đình trưởng bản Suối Cọ Sồng A Của cũng đói nghèo và nheo nhóc, cũng thiếu ăn những ngày giáp hạt. Nếu không có các Chính sách 30a, 167 và 135 của Chính phủ trong những năm qua thì đời sống vật chất, tinh thần của những chủ rừng này có lẽ vẫn như ở thời điểm khai thiên lập địa.

Người dân nơi đây chăm lo giữ rừng, lấy nguồn nước cho các nhà máy phát điện lớn nhỏ như Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, Nhà máy Thuỷ điện Suối Sập… và người dưới xuôi được hưởng điện thắp sáng, còn với đồng bào xã Suối Tọ này, điện thắp sáng vẫn phập phù và chập chờn lắm!

Hy sinh cho thủy điện - được gì?

Hàng ngày đánh vật với thửa ruộng hiếm nước ở bản Co Pục để kiếm miếng ăn, ngửa cổ lên là nhìn thấy rừng mênh mông trước mặt mà thèm được phá đi để lấy đất sản xuất, lão nông Lò Văn Bè (bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, TP.Sơn La) thật thà: Cái mảnh rừng kia mà phá đi thì mỗi năm ít ra tôi cũng kiếm được dăm ba chục triệu đồng. Vẫn biết cả chục ngàn hộ dân Sơn La phải bỏ quê hương phường đất làm lòng hồ các thuỷ điện; phải bóp mồm, bóp miệng, bớt đất sản xuất để giữ rừng vì môi trường và nguồn nước của các thuỷ điện.

“Nhưng thử hỏi sự hy sinh của chúng tôi sẽ được đền đáp bởi cái gì? Giá điện vẫn cứ lên cao; muốn cắt lúc nào cũng được. Chi phí hàng năm cho người khoanh nuôi, bảo vệ cũng như trồng rừng đến nay chưa đáng là bao nhiêu. Giá như có một nguồn quỹ hỗ trợ cho những chủ rừng thì chúng tôi không những không phá rừng, mà còn lo trồng, giữ tốt hơn nhiều” - ông Bè nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần Đèo Văn Nghĩa: Chiềng Ngần có tới gần 3.000ha đất rừng với 785 hộ chủ rừng. Đời sống của người dân nơi đây còn thấp vì Chiềng Ngần là vùng đất khan hiếm nước. Tuy vất vả, khó khăn, nhưng nông dân rất quý rừng, không phá rừng, không lấn chiếm đất rừng để làm nương. Nếu các chính sách hỗ trợ phát triển vốn rừng của Thủ tướng được triển khai triệt để thì người nông dân cũng thêm yêu rừng và đỡ khổ hơn.

Đầu xuôi rồi lại tắc

May mắn hơn các chủ rừng khác ở Sơn La, tại xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La, các chủ rừng đã được thực hiện thí điểm việc chi trả hỗ trợ dịch vụ MTR cho người trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng từ nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380 của Thủ tướng Chính phủ.

img Nếu các chính sách hỗ trợ phát triển rừng của Thủ tướng được triển khai triệt để thì người nông dân cũng thêm yêu rừng và đỡ khổ hơn. img

Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ - ông Quàng Văn Lẻ, cho biết: Chiềng Cọ là 1 trong 9 xã của tỉnh Sơn La được thực hiện thí điểm chi trả phí dịch vụ MTR. Khoản thu được từ nguồn quỹ này chưa cao, nhưng bước đầu là kỳ vọng lớn cho đồng dân tộc quê anh. Các chủ rừng rất phấn khởi vì đã thêm được khoản thu để tháo gỡ khó khăn của gia đình.

Những bản có diện tích rừng lớn như bản Ót Luông, bản Hùn (trên 350-420ha), nông dân còn góp tiền được hỗ trợ để xây dựng, mua trang thiết bị cho nhà văn hoá bản. Nhưng không hiểu sao việc chi trả phí dịch vụ MTR mới chỉ được thực hiện cuối năm 2008 rồi “tắc”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem